Phó Giám Đốc y tế, Nick Coastworth. Nguồn: AAP

 

Người Úc đang được khuyến khích tiếp tục kiểm tra sức khỏe thường xuyên, đặc biệt là với những người mắc bệnh mãn tính. Lời khuyên này được đưa ra khi số người đến gặp các bác sĩ gia đình và thực hiện các xét nghiệm định kỳ sụt giảm trong bối cảnh những người này  lo sợ bị lây coronavirus.

 

Là một trong những nhóm người dễ bị tổn thương nhất giữa cuộc khủng hoảng coronavirus, người Úc sống chung với căn bệnh mãn tính đang phải cảnh giác cao độ về việc hạn chế tiếp xúc xã hội.

 

Nỗi lo sợ bị nhiễm coronavirus đang ngăn cản nhiều người đến gặp bác sĩ ở các phòng khám và trung tâm kiểm tra bệnh lý.

 

Nhưng các quan chức y tế đang kêu gọi những người mắc bệnh mãn tính tiếp tục đi kiểm tra sức khỏe và kiểm tra bệnh lý thường xuyên.

 

“Hậu quả của việc trì hoãn các cuộc hẹn kiểm tra sức khoẻ định kỳ có thể gây nguy hiểm đối với những người mắc bệnh mãn tính. Ngay cả khi những người này cảm thấy khoẻ, một chuyến thăm khám với bác sĩ của họ có thể phát hiện những thay đổi trong tình trạng bệnh và giúp bệnh nhân tránh các biến chứng trong tương lai”.

 

Là một người có hệ thống miễn dịch bị tổn thương, học giả Darshini Ayton đang đấu tranh để duy trì sức khỏe của mình trong đại dịch. 

 

Cô bị bệnh tiểu đường loại 1 và bệnh đa xơ cứng và nói rằng vi-rút corona khiến mình ngần ngại đến các cuộc hẹn thăm khám với bác sĩ.

 

"Khi tôi đến kỳ hẹn xét nghiệm máu và tái khám sức khoẻ, tôi đã hơi lo lắng phải làm việc đó vì cả hai trung tâm kiểm tra bệnh lý của tôi đều nằm trong các phòng khám bác sĩ gia đình."

 

Không chỉ riêng cô Ayton - hàng ngàn người Úc đang tránh né các cuộc kiểm tra sức khoẻ định kỳ của họ.

 

Khoa bệnh lý cho biết tỷ lệ xét nghiệm đã giảm mạnh 40%, tương đương với hơn 60 000 bệnh nhân mỗi ngày.

 

Các xét nghiệm đặc biệt quan trọng trong việc theo dõi sức khỏe của những người mắc bệnh mãn tính như tiểu đường hoặc bệnh tim.

 

Sau khi lấy hết can đảm để thực hiện các cuộc hẹn kiểm tra sức khoẻ của mình, cô Ayton cảm thấy yên tâm rằng mình được an toàn.

 

"Tôi đã đến làm nhiều cuộc kiểm tra xét nghiệm máu trong khoảng thời gian đó và mọi thứ diễn ra hoàn toàn ổn.Các phòng khám bác sĩ gia đình đang thực hiện những biện pháp vệ sinh rất tốt giữa tình hình dịch bệnh, vì vậy tôi cảm thấy an toàn khi đến đó."

 

Bác sĩ Debra Graves, giám đốc điều hành của Đại học Khoa Bệnh lý Hoàng gia Úc, khẳng định các phòng khám và trung tâm kiểm tra bệnh lý đang thực hiện việc giữ an toàn một cách nghiêm túc.

 

Bà cho biết những nhân viên y tế đang tuân thủ theo các tiêu chuẩn nghiêm ngặt về việc thu thập mẫu xét nghiệm, hạn chế tiếp xúc xã hội và vệ sinh.

 

"Và đó là điều chúng tôi muốn trấn an mọi người, rằng việc kiểm tra sức khoẻ định kỳ là việc an toàn và hợp lý. Chính phủ chắc chắn  muốn bạn nên đi kiểm tra khi có các bệnh mãn tính. Chúng tôi cũng biết rằng các phòng khám bác sĩ đa khoa và trung tâm kiểm tra bệnh lý đang hoàn toàn tách biệt những bệnh nhân có triệu chứng hô hấp, tức là họ có thể mắc COVID-19, so với những bệnh nhân khác." 

 

Những người lo ngại về sự an toàn của họ nên gọi cho bác sĩ của mình trước và tìm hiểu về các biện pháp tại chỗ để bảo vệ bản thân.

 

Bệnh nhân cũng nên tận dụng các lựa chọn truy cập y tế qua điện thoại và yêu cầu các đơn thuốc hoặc giấy giới thiệu được gửi thông qua điện tử. 

 

Còn đối với các cuộc hẹn thăm khám cần tương tác trực diện, chẳng hạn như xét nghiệm máu, các quan chức y tế tin rằng nguy cơ nhiễm coronavirus là rất ít. 

 

Trước những hạn chế về tiếp xúc xã hội và đi lại nghiêm ngặt, Phó Tổng trưởng Y tế Nick Coatsworth cho biết tỷ lệ nhiễm COVID-19 đang giảm.

 

"Và tôi sẽ nói với người Úc rằng, bởi vì họ đã làm rất tốt trong việc giảm tỷ lệ ca nhiễm mỗi ngày,  khả năng các bạn thực sự gặp ai đó bị nhiễm COVID-19 khi đi kiểm tra bệnh lý của mình là rất thấp."

 

Hậu quả của việc trì hoãn các cuộc hẹn kiểm tra sức khoẻ định kỳ có thể gây nguy hiểm đối với những người mắc bệnh mãn tính.

 

Ngay cả khi những người này cảm thấy khoẻ, một chuyến thăm khám với bác sĩ của họ có thể phát hiện những thay đổi trong tình trạng bệnh và giúp bệnh nhân tránh các biến chứng trong tương lai.

 

Sturt Eastwood, giám đốc điều hành khoa bệnh tiểu đường của NSW, cho biết bệnh tiểu đường Loại 2 là một bệnh không thể bỏ qua.

 

"Bệnh tiểu đường Loại 2 thậm chí còn đáng lo ngại hơn vì nhiều người không cảm thấy triệu chứng gì ở bệnh tiểu đường Loại 2 cả. Vì vậy, rất dễ dàng để họ gạt việc đi kiểm tra định kỳ sang một bên. Điều sẽ xảy ra là, ngay cả khi họ không cảm thấy bị bệnh, thì cơ thể họ vẫn gặp rủi ro."

 

Về căn bản, bác sĩ Coatsworth tin rằng bỏ qua các thói quen sức khỏe có thể có tác động tiêu cực lâu dài.

 

"Tôi nghĩ ở mức độ rộng, bạn không muốn các tình trạng sức khỏe tiềm ẩn khác trở nên tồi tệ hơn chỉ vì mọi người sợ nhiễm COVID-19. Đây là một thông điệp cực kỳ quan trọng."

 

Người Úc phải giữ khoảng cách với người khác ít nhất 1.5 mét. Trong nhà, phải có mật độ không quá một người trên bốn mét vuông không gian sàn.

 

Nếu bạn tin rằng bạn có thể đã nhiễm virus, hãy gọi cho bác sĩ của bạn (đừng đến phòng mạch) hoặc liên hệ với Đường dây Nóng Thông tin Y tế Quốc gia Coronavirus – Coronavirus Health Information Hotline theo số 1800 020 080.

 

Nếu bạn đang bị khó  thở hoặc gặp phải trường hợp khẩn cấp y tế, hãy gọi 000.