Rachel Perkins phát biểu tại sự kiện Barangaroo, thành phố Sydney (SBS) Nguồn: SBS

 

 

AUSTRALIA - Đã 5 năm kể từ khi Tuyên bố Uluru từ Trái tim được gởi lên Chính phủ, kêu gọi Hiến pháp công nhận Tiếng nói của các Quốc gia Đầu tiên trong Quốc hội. Đề xuất đã bị Chính phủ Turnbull bác bỏ vào năm 2017, nhưng chính phủ Đảng Lao động mới của Anthony Albanese đã cam kết sẽ thực hiện Tuyên bố.

 

Đó là nghệ sĩ Eric Avery, một người gốc Ngiyampaa, Yuin, Gumbangirri và Bundjungulung đầy kiêu hãnh, biểu diễn tại sự kiện Tuyên bố Ulura ở Sydney.

 

Đã 5 năm kể từ khi Tuyên bố Uluru từ Trái tim được gởi lên Chính phủ, kêu gọi Hiến pháp công nhận Tiếng nói của các Quốc gia đầu tiên trong Quốc hội.

Đề xuất đã bị Chính phủ Turnbull bác bỏ vào năm 2017, nhưng chính phủ Lao động mới của Anthony Albanese đã cam kết sẽ thực hiện Tuyên bố.

 

 

Giờ đây, các nhà lãnh đạo tôn giáo trên khắp nước Úc cũng đã lên tiếng ủng hộ Tuyên bố Uluru.

Tại sự kiện ở Sydney, nhà làm phim bản địa Rachel Perkins, có gốc từ Quốc gia Arrernte (Arranda) và Kalkadoon, đã có bài phát biểu quan trọng.

 

Bà Perkins đã tôn vinh ý nghĩa lịch sử của liên minh đa dạng nhất, gồm các nhà lãnh đạo tôn giáo, ủng hộ một Tiếng nói của Người Bản địa tại Nghị viện.

"Sự đoàn kết của các bạn thật là đáng ngưỡng mộ. Giữa các tôn giáo khác nhau chắc hẳn có nhiều bất đồng trên nhiều vấn đề."

“Vậy mà trong thời đại ngày càng phân cực này, các bạn đã vượt qua sự khác biệt về tín ngưỡng, văn hóa và truyền thống, để đồng thuận trên một điều quan trọng: đó là một tiếng nói cho người Bản địa được đưa ra trong Hiến pháp là cần thiết, đúng đắn và hợp lý.”

 

Các nhà lãnh đạo tôn giáo từ nhiều tín ngưỡng khác nhau đã ký Nghị quyết chung cho Tuyên bố Uluru từ Trái tim, bao gồm đại diện từ các cộng đồng đạo Sikh, Ấn Độ giáo, Cơ đốc giáo, Phật giáo và Hồi giáo.

 

Iman Ibrahim Madoun nói rằng cộng đồng Hồi giáo đặc biệt lo ngại về tỷ lệ cao số Người Úc bản địa trong hệ thống giam giữ. Ông tin rằng tiếng nói của Người bản địa được tôn trọng theo Hiến pháp sẽ cho phép một quyền tự chủ cần thiết, giúp giải quyết những bất bình đẳng như vậy.

"Có một số vấn đề về hệ thống ảnh hưởng đến cộng đồng của họ, và họ cần phải là trung tâm của tiếng nói đó để có thể hỗ trợ cộng đồng của chính mình.”

 

Cùng với một Tiếng nói được quy định theo Hiến pháp ở Nghị viện, Tuyên bố còn kêu gọi thành lập Ủy ban Makarrata.

 

Là một từ của người Yolngu, Makarrata có nghĩa là đến với nhau sau một cuộc tranh đấu, để giám sát quá trình đạt được thỏa thuận giữa các chính phủ và các Quốc gia Thứ nhất, và nói sự thật về lịch sử của họ.

 

Do đó, Ủy ban sẽ cam kết chia sẻ những câu chuyện của Người Bản địa, và sự phát triển của các hiệp ước trong sự hợp tác của Chính phủ.

 

Một số cộng đồng Bản địa lo sợ rằng Tiếng nói trước Quốc hội chỉ mang tính biểu tượng.

 

Theo học giả pháp lý Shireen Morris của Đại học Macquarie, Ủy ban này bảo đảm tiếng nói của Hiến pháp không chỉ phục vụ mục đích tượng trưng, mà liên quan đến các bước thiết thực cho quyền tự trị về chính trị của người Úc bản địa.

 

“Đây không chỉ là biểu tượng, điều đó khá rõ ràng. Tuyên bố Uluru nói rằng họ muốn có tiếng nói vì họ muốn giúp thu hẹp khoảng cách.”

"Họ muốn bảo đảm Người bản địa có ý kiến đóng góp vào luật pháp và chính sách về họ, để họ có thể cải thiện vấn đề như tỷ lệ bị giam giữ, nghèo đói, phát triển kinh tế, và tuyên bố Uluru nói về một số điều đó. Vì vậy, tôi nghĩ điều này rất thực tế và cho thấy rằng Người Úc bản địa muốn thấy kết quả thực tế.”

 

Tổng trưởng Phụ trách về người Bản địa, Linda Burney, cho biết bước tiếp theo cho cuộc trưng cầu dân ý là đạt được sự đồng thuận.

 

Bà Burney cho biết việc này sẽ bao gồm việc trao đổi với Thủ tướng và Ủy ban họp kín các Quốc gia thứ nhất, cũng như xây dựng sự đồng thuận trong Nghị viện và toàn bộ nước Úc rộng lớn.

 

Mặc dù có khả năng bị phản đối ở nghị viện, bà Burney nói với đài N-I-T-V rằng bà kiên quyết không đồng ý với ý kiến cho rằng tiếng nói hiến pháp là phòng thứ ba của Quốc hội, mà là một nhóm cố vấn.

"Chúng tôi chắc chắn sẽ nói chuyện với các Nghị sỹ trung lập và Đảng Xanh để bảo đảm rằng chúng ta có thể đạt được sự đồng thuận cho một chặng đường phía trước. Điều đó thực sự quan trọng, chúng ta có sự lãnh đạo từ Nghị viện và cho người dân Úc thấy rằng đây là thời điểm cho sự thay đổi.”

 

Thomas Mayor là một người Thổ dân và Cư dân đảo Torres ở eo biển Gurindji, người đã vận động khắp nước Úc trong 18 tháng qua, ông hiểu rõ tầm quan trọng của tuyên bố Uluru và đã học hỏi từ các cộng đồng người Úc bản địa đa dạng.

 

Ông Mayor cũng là tác giả của một số cuốn sách dành cho trẻ em và người lớn, với hy vọng khuyến khích sự ủng hộ cho tiếng nói người Bản địa trong Hiến pháp.

 

Ông tin rằng cộng đồng Úc đã phát triển một động lực ủng hộ mạnh mẽ hơn cho Tuyên bố Uluru, kể từ chiến dịch đầu tiên của ông cách đây 5 năm.

 

Ông Mayor cho biết ông đã thực sự hiểu được tầm quan trọng của tiếng nói chính trị của Người Bản địa trong lần dừng chân đầu tiên tại quốc gia Gurindji ở Lãnh thổ phía Bắc.

 

Chính tại đó vào năm 1966, những người chăn nuôi người Úc bản địa đã đưa ra quyết định lịch sử, là bước ra khỏi Wave Hill station để yêu cầu trả lương và quyền bình đẳng.

 

“Nhưng điều mạnh mẽ nhất giúp thúc đẩy người Úc bản địa, chúng tôi đã tìm hiểu được thông qua các nghiên cứu và thăm dò ý kiến, đó là một sự cải cách thống nhất."

“Đây là một món quà cho toàn nước Úc rộng lớn khi chia sẻ nền văn hóa hơn 60 nghìn năm tuổi của chúng ta.”