Trầm cảm và lo lắng liên quan trong chu kỳ sinh sản có thể ảnh hưởng đến cả cha và mẹ. Ảnh: Getty

 

Dữ liệu mới đã tiết lộ con số đáng báo động về số lượng các bậc cha mẹ bị trầm cảm và lo lắng sau sinh mỗi năm ở Úc. Quỹ Gidget đang kêu gọi Đại hội đồng Y tế Thế giới và Tổ chức Y tế Thế giới của Liên Hợp Quốc WHO chính thức công nhận Ngày Sức khỏe Tâm thần của các Bà mẹ để nâng cao nhận thức.

 

Stephanie Trethewey là bà mẹ hai con sống ở vùng nông thôn Tasmania.

 

Cô cùng chồng kinh doanh thịt bò ở Dunorlan, cách Hobart hơn 200 km.

"Ngay sau khi tôi làm mẹ, tôi đã mất kiểm soát. Đột nhiên, tôi trở thành mẹ và tôi hoàn toàn không chuẩn bị cho điều này. Dù bạn có đọc bao nhiêu cuốn sách hay nói chuyện với bao nhiêu người, không thể nào tả được khó khăn như thế nào.”

 

Cô nói trong suốt cuộc đời mình, sự nghiệp luôn là một trong những ưu tiên lớn nhất của cô. Vì vậy, khi cô có đứa con đầu lòng vào năm 2019, mọi thứ đã thay đổi.

"Tôi đưa con trai nhỏ của tôi từ bệnh viện về nhà, đó là một hành trình thực sự khó khăn. Thằng bé đau bụng, nó la hét hàng giờ liền. Chúng tôi trải qua một vài tháng con trai tôi cứ ngủ 45 phút là lại tỉnh dậy vào ban đêm, cứ mỗi 45 phút trong suốt đêm. Điều đó thật khó khăn, tôi cảm thấy đã đánh mất chính mình.”

“Tôi không biết mình là ai nữa. Tôi đang ở nhà với đứa bé này và chúng tôi sống trong một xã hội mà phụ nữ được yêu cầu phải biết ơn, vì được làm mẹ. Khi bạn không cảm thấy biết ơn vì được làm mẹ, bạn cảm thấy vô cùng tội lỗi và rất xấu hổ. Tôi đấu tranh trong im lặng, tôi nghĩ rằng tôi đã hủy hoại cuộc đời mình khi trở thành một bà mẹ."

 

Những gì cô Trethewey trải qua không phải là hiếm.

 

Trên thực tế, chứng trầm cảm và lo âu sau sinh ảnh hưởng đến gần 100.000 cha mẹ mới hoặc đang mang thai ở Úc mỗi năm.

 

Chris Barnes là trưởng nhóm lâm sàng tại Gidget Foundation Australia, tổ chức hỗ trợ tinh thần cho những người sắp làm cha mẹ và vừa mới làm cha mẹ.

 

Bà giải thích, thời kỳ chu sinh đề cập đến một khoảng thời gian bao gồm mang thai và năm đầu tiên sau khi sinh.

"Trầm cảm và lo lắng chu sinh thường là sự kết hợp của các triệu chứng trầm cảm, rất khó để tách biệt. Vì vậy, chúng tôi tập hợp chúng lại với nhau, với ý nghĩa xung quanh thời gian mang thai và sinh con.”

“Nó là khoảng thời gian mang thai và năm đầu tiên sau khi sinh, trong giai đoạn chu sinh.”

Dấu hiệu trầm cảm bao gồm tâm trạng chán nản, cảm thấy buồn bã, trống rỗng, vô vọng. Điều đó xảy ra với đàn ông và phụ nữ, cứ 5 phụ nữ ở Úc thì có 1 người trải qua và cứ 10 người thì có một người như vậy."

 

Quỹ đã công bố một nghiên cứu mới cho thấy 55% các bậc cha mẹ mới không biết cách phát hiện các dấu hiệu trầm cảm chu sinh.

 

Nghiên cứu cũng phát hiện 20% cha mẹ mới nghĩ rằng đó là một phần mong đợi của việc nuôi dạy con cái.

 

Cũng như các triệu chứng về cảm xúc, những thay đổi về thể chất như thay đổi khẩu vị hoặc giấc ngủ, đau đầu và các cơn hoảng loạn cũng có thể là dấu hiệu của bệnh trầm cảm.

 

Trong những trường hợp nghiêm trọng nhất, chúng ta có ý nghĩ về cái chết, tự làm hại bản thân hoặc có ý định tự sát.

 

Arabella Gibson, là Giám đốc điều hành của Quỹ Gidget, nói “Chúng tôi biết rằng sự kỳ thị liên quan đến trầm cảm và lo lắng chu sinh xảy ra vào thời điểm mà mọi người nên cảm thấy vui vẻ và hạnh phúc, lẽ ra họ nên có khoảng thời gian tuyệt vời nhất, khi một đứa con chào đời. Nhưng trên thực tế, bạn có thể rất xấu hổ khi nhờ sự giúp đỡ nếu không cảm thấy hạnh phúc như vậy.”

 

Chị Cathy Ngô, là một người Úc gốc Việt, là bà mẹ hai con, sống ở Sydney, kể về câu chuyện của mình.

"Tôi muốn biến mất. Tôi cảm thấy thực sự mệt mỏi, kiệt sức, kích động, ủ rũ. Mọi chuyện trở nên thực sự tồi tệ, chứng trầm cảm và lo lắng sau sinh ảnh hưởng đến mức tôi không còn muốn sống nữa.

“Tôi muốn tự tử. Tôi nghĩ đối với tôi, cảm xúc đó giống như một sự đầu hàng, muốn bỏ cuộc. Tôi không muốn sống trên cuộc đời này nữa."

 

Chị chia sẻ văn hóa của người Việt khiến chị gặp khó khăn trong việc giải quyết các vấn đề sức khỏe tâm thần sau sinh.

"Trong gia đình tôi, chúng tôi không nói về cảm xúc của mình. Chúng tôi không nói về bất cứ điều gì liên quan đến cảm xúc của mình. Tất cả đều bị kìm nén. Tôi đã lớn lên quen với điều đó, bộ mặt lạnh lùng hoặc một khuôn mặt khắc kỷ. Là người gốc Á, chúng tôi không thực sự nói về cảm xúc của mình."

 

Quỹ Gidget đã tham gia một chiến dịch quốc tế kêu gọi Đại hội đồng Y tế Thế giới và Tổ chức Y tế Thế giới của Liên Hợp Quốc (WHO) chính thức công nhận Ngày Sức khỏe Tâm thần cho các Bà mẹ toàn cầu vào 3 tháng Năm.

 

Arabella Gibson là Giám đốc điều hành của Quỹ. Bà nói rằng sức khỏe tâm thần của bà mẹ cần được công nhận trên phạm vi toàn cầu.

 

"Chúng tôi biết rằng mỗi quốc gia đều có các dịch vụ khác nhau dành cho những người mới làm cha mẹ và sắp làm cha mẹ, những người có thể cảm thấy dễ bị tổn thương và mắc chứng trầm cảm và lo lắng sau sinh.”

“Chúng tôi biết rằng điều này ảnh hưởng đến mọi người trên toàn cầu và nó không phân biệt bất kỳ ai. Cảm xúc này có thể xảy ra với bất cứ ai, bất cứ nơi nào, bất cứ lúc nào.”

“Do đó, việc tập hợp một sáng kiến toàn cầu để thực sự thúc đẩy vấn đề này là hoàn toàn cấp thiết.”

“Chúng tôi biết rằng sự kỳ thị liên quan đến trầm cảm và lo lắng chu sinh xảy ra vào thời điểm mà mọi người nên cảm thấy vui vẻ và hạnh phúc, lẽ ra họ nên có khoảng thời gian tuyệt vời nhất, khi một đứa con chào đời. Nhưng trên thực tế, bạn có thể rất xấu hổ khi nhờ sự giúp đỡ nếu không cảm thấy hạnh phúc như vậy."