Ô nhiễm vì đồ nhựa sử dụng một lần hiện nay đang tác động nặng nề đến sự lành mạnh môi trường biển của nước Úc. Nguồn: Cover Images
Tổ chức bảo tồn thiên nhiên WWF-Australia cho biết có 130,000 tấn nhựa bị thải ra môi trường tại Úc mỗi năm, bao gồm 8 tỷ đầu lọc thuốc lá, gấp đôi khối lượng của tàu Titanic.
Ước tính người Úc tiêu thụ khoảng 3.5 triệu tấn nhựa mỗi năm, trong đó có 1 triệu tấn nhựa sử dụng một lần.
- Có 130,000 tấn nhựa bị thải ra đại dương tại Úc mỗi năm, tương đương hai con tàu Titanic
- Đầu lọc thuốc lá là chất thải nhựa được tìm thấy nhiều nhất trong môi trường
- WWF-Australia kêu gọi chính phủ chủ động trong chính sách giảm rác thải nhựa
Giám đốc phụ trách các vấn đề về đại dương của WWF, ông Richard Leck nói trong hôm thứ Hai, rằng “Nhựa sử dụng một lần là một vấn đề lớn ở Úc”,
“Tổng khối lượng của chúng tương đương với hai con tàu Titanic bị thải ra môi trường Úc mỗi năm.”
Theo một bản phúc trình do Boston Consulting Group công bố hôm thứ Hai, con số này tương đương với khoảng 600 triệu chai nhựa, hơn 7 tỷ mảnh nhựa mềm, và 8 tỷ đầu lọc thuốc lá.
Báo cáo cho rằng đầu lọc thuốc lá mang theo các hóa chất độc hại xâm nhập vào môi trường biển, gây nguy hiểm cho các loài động vật nuốt phải chúng, và ảnh hưởng đến sức khỏe của các đại dương ở Úc.
Ông Leck nói “Điều này hoàn toàn không thể chấp nhận được,”
“Đây là chất thải nhựa được tìm thấy nhiều nhất trong môi trường Úc.”
Đầu lọc thuốc lá được làm từ nhựa không phân hủy sinh học (non-biodegradable), sau khi thải ra môi trường có thể trở thành các hạt nhựa siêu nhỏ (microplastics) mang chất độc vào đại dương.
Báo cáo cho thấy 6 loại nhựa sử dụng một lần gây tác động tới môi trường nhiều nhất là: chai nhựa, nhựa mềm dễ phân hủy, đồ ăn dùng một lần, bao bì và hộp đựng dùng một lần, thuốc lá và các hạt vi nhựa (microplastics).
Nhóm tác giả kêu gọi các chính phủ liên bang, tiểu bang và vùng lãnh thổ xây dựng lộ trình loại bỏ dần đầu lọc thuốc, hạt nhựa (microbeads), các bao bì và hộp nhựa đựng thức ăn sử dụng một lần.
Nhóm cũng yêu cầu chính phủ đưa ra các quy định nhằm quản lý các loại nhựa sử dụng một lần, và đưa ra các biện pháp khuyến khích người dân sử dụng các chất liệu thay thế.
Katinka Day, nhà vận động và quản lý chính sách của WWF-Australia, lập luận rằng nếu chính phủ thông qua các khuyến nghị này thì có thể ngăn chặn 44,000 tấn nhựa thải ra môi trường mỗi năm.
Bà nói trong một thông cáo hôm thứ Hai, rằng “Chúng ta có cơ hội giảm một nửa lượng rác thải nhựa đi vào môi trường ngay bây giờ, nhưng chúng ta cần chính phủ dẫn đầu. Các ngành kỹ nghệ và cá nhân không thể giải quyết vấn đề nhựa của Trái Đất một mình”.