UniWave 200 chạy thử nghiệm ngoài khơi đảo King của Úc trong 1 năm - Ảnh: Wave Swell Energy
Sóng biển được xem là nguồn năng lượng tái tạo tiềm năng thu hút nhiều công ty công nghệ tìm cách khai thác.
Tại Úc, công ty Wave Swell Energy phát triển một thiết bị tạo điện từ sóng biển mang tên UniWave 200. Thiết bị có một đế bê tông lớn và đường ống cho sóng đi vào buồng rỗng ở giữa. Khi nước tăng lên giảm xuống trong buồng thì không khí được đẩy qua một tua bin, từ đó tua bin quay tạo ra điện.
UniWave 200 hoạt động dựa trên hiện tượng “lỗ phun nước” (blowhole). Sóng dâng lên nén không khí trong hang động và đẩy tia nước ra ngoài.
Thiết bị vừa kết thúc đợt thử nghiệm hoạt động ngoài khơi đảo King của Úc kéo dài 1 năm. Wave Swell Energy tập trung đo lường hai chỉ số chính là hiệu suất và mức khả dụng. Hiệu suất tính toán mức năng lượng sóng được chuyển thành điện. Mức khả dụng đo phần trăm thời gian thiết bị có thể chuyển đổi năng lượng sóng thành điện năng.
Giám đốc điều hành Wave Swell Energy Paul Geason cho biết UniWave 200 lúc thử nghiệm đạt hiệu suất khoảng 50% và mức khả dụng 80%. Theo Trung tâm Hệ thống bền vững thuộc đại học bang Michigan của Mỹ, tua bin gió thường đạt hiệu suất 50% còn pin mặt trời chỉ đạt 15-20%. Về mức khả dụng thì tua bin gió đạt 95-97%, pin mặt trời đạt 92-96%.
Sắp tới Wave Swell Energy sẽ cải tiến thiết bị để nâng cao hiệu suất lẫn mức khả dụng, cũng như làm cho công nghệ có giá cả phải chăng hơn và đáng tin cậy hơn, hoạt động được ở nhiều nơi khác nhau.
Các quốc đảo nằm ở khu vực địa hình thấp có thể hưởng lợi ích lớn từ UniWave 200. Loạt quốc gia như Maldives nằm trong số nước bị biến đổi khí hậu ảnh hưởng nặng nề nhất. Giám đốc Geason hy vọng nếu họ phải xây công trình chắn sóng, thiết bị tạo điện Wave Swell Energy sẽ được tích hợp như một khoản đầu tư đáng giá.
Ngoài UniWave 200, trên thế giới hiện nay có không ít phát minh chuyển năng lượng sóng thành điện năng. Công ty Sea Wave Energy Limited (SWEL) trụ sở tại Cyprus vào đầu năm 2022 ra mắt nguyên mẫu Waveline Magnet gồm nhiều bệ nổi liên kết với nhau, hoạt động liên tục theo chuyển động của sóng biển. Công ty Nhật Ishikawajima-Harima (IHI) cũng lắp ráp một máy phát điện thủy triều 330 tấn mang tên Kairyu, gồm một trụ trung tâm dài hơn 20 mét và hai trụ hai bên dài 11 mét có gắn tua-bin.