Hình ảnh đồ họa 3D máy tính (Explode/Shutterstock)
AUSTRALIA - Chính phủ Úc đang chi 50 triệu Úc kim (tương đương 32,8 triệu Mỹ kim) để chế tạo và bán trái tim nhân tạo tiên tiến nhất thế giới, một công nghệ đột phá dự kiến có khả năng giảm một nửa số ca tử vong do suy tim trên toàn cầu.
Công nghệ này mô phỏng cách làm việc của trái tim người bằng cách sử dụng lực đẩy bằng từ trường tân tiến, lần đầu tiên mang lại cho bệnh nhân suy tim một cuộc sống năng động trong hơn 10 năm.
Hành trình bắt đầu khi nhà phát minh người Úc, Daniel Timms, và cha của ông, một thợ sửa ống nước, đã chế tạo nguyên mẫu trái tim nhân tạo từ những vật liệu mua tại cửa hàng Bunnings.
Sau khi cha của ông qua đời do suy tim, Daniel Timms đã thề sẽ phát triển thiết bị tim nhân tạo như một phần trong luận án tiến sĩ cách đây 20 năm, và hiện nó đã sẵn sàng cho thử nghiệm lần đầu tiên trên người.
Người được đề cử giải thưởng Công Dân Tiêu Biểu Tiểu bang Queensland 2023 giải thích: “Điều chúng tôi đang làm là sử dụng một đĩa quay có tác dụng đẩy máu đi khắp cơ thể”.
Ông nói thêm rằng điều khiến trái tim này khác biệt chính là công nghệ đẩy bằng từ trường, vì nam châm hoạt động để loại bỏ bất kỳ sự mài mòn cơ học nào khỏi trái tim, khiến nó “vô cùng bền”.
Trả lời phỏng vấn trên ABC Radio Melbourne, ông nói: “Chúng ta có thể so sánh nó với với các đoàn tàu được nâng lên bằng đệm từ trường ở Nhật Bản và Trung Quốc. Chúng sử dụng cùng một công nghệ”.
Ông Timms nhấn mạnh tình trạng khan hiếm tim hiến tặng, ảnh hưởng đến việc đáp ứng nhu cầu của bệnh nhân suy tim.
Ông nói: “Ngay cả trái tim của người hiến tặng cũng có thể gặp thách thức với thuốc ức chế miễn dịch*.
Vì vậy, thiết bị cứu sống sẽ được cấy ghép vào bệnh nhân ngay khi có nhu cầu.
Ông nói thêm “Và chúng tôi thực sự đang ở vạch xuất phát để điều đó xảy ra trong năm tới”,
“Không còn nghi ngờ gì nữa, công nghệ này sẽ cứu được rất nhiều người trong tương lai và chính phủ thực sự đang cho phép chúng tôi nỗ lực hết mình trong việc nghiên cứu”.
Bộ trưởng Y tế, Mark Butler, đã công bố khoản tài trợ lớn thứ ba trong lịch sử gần 10 năm của Quỹ Tương lai Nghiên cứu Y tế (Medical Research Future Fund) vào ngày 20 tháng 2.
Ông nói: “Với những lợi ích sức khỏe rõ ràng, đây là một câu chuyện đáng kinh ngạc về sự khéo léo và khả năng tự chủ trong sản xuất của Úc, với sự hợp tác giữa các trường đại học, bệnh viện lâm sàng và ngành công nghiệp để phát triển trái tim nhân tạo tiên tiến nhất thế giới”.
Thử nghiệm về tính tương thích với máu
Giáo sư Michael Simmonds, làm việc tại Phòng thí nghiệm Nghiên cứu Cơ sinh học ở Đại Học Griffith - Griffith’s Mechanobiology Research Laboratory - đã tiến hành các thử nghiệm độc đáo trên tim nhân tạo để bảo đảm nó “thân thiện với máu”.
Sau khi thử nghiệm, ông ghi nhận sự cải thiện đáng kể so với các thiết bị hiện tại vốn thường duy trì tốc độ lưu lượng máu cố định, điều này có thể dẫn đến nhiều vấn đề khác nhau cho bệnh nhân như không thích ứng với nhu cầu thay đổi của cơ thể, khiến bệnh nhân khó thở.
Ông nói: “Cuối cùng, đây là yếu tố thay đổi cuộc chơi dành cho những người bị suy tim nặng và thường phải nằm liệt giường. Đặc biệt đối với 95% những người bị suy tim không thể được ghép tim tại địa phương”.
Ông Simmonds cho biết công nghệ này xuất hiện với sự hợp tác đặc biệt giữa các kỹ sư, chuyên gia thiết kế, khoa học gia, và chuyên gia y tế, hiệp lực lại để giải quyết thách thức của bệnh suy tim.
Sự hợp tác của chuyên gia này đánh dấu một cột mốc toàn cầu, trong đó thiết bị được thiết kế kỹ thuật số, đánh giá thông qua mô phỏng và thử nghiệm vật lý cũng như được phê duyệt để sử dụng lâm sàng.
Ông nhấn mạnh “Không có gì bị bỏ qua. Ngay cả giao diện thiết bị-bệnh nhân cũng được các chuyên gia thiết kế công nghiệp kiểm soát, từ đó đảm bảo công nghệ thân thiện với người dùng”.
Giáo sư kỹ thuật cơ khí và hàng không vũ trụ Shaun Gregory khẳng định rằng những tiến bộ công nghệ không chỉ dừng lại ở sự phát triển của tim.
“Sự phát triển đã bắt đầu trên một loạt các sản phẩm bổ sung ngoại vi: bộ điều khiển có thể đeo, đường truyền chống nhiễm trùng, cố vấn thông minh cho bác sĩ lâm sàng, ứng dụng điện thoại di động và trang web cho bệnh nhân, cổng phản hồi trực tuyến cho bác sĩ lâm sàng, thiết bị đeo có thể tùy chỉnh cho bệnh nhân và các công cụ phẫu thuật nâng cao cùng nền tảng đào tạo lâm sàng cho bác sĩ phẫu thuật”, ông nói.
Ông đề cập rằng những đổi mới mới có thời hạn kéo dài 15 năm, từ 2022 đến 2036, dự kiến sẽ tạo ra ít nhất 1,8 tỷ đô-la cho nền kinh tế Úc.
Ông nói: “Điều này bao gồm tiết kiệm cho hệ thống chăm sóc sức khỏe, mở rộng ngành nghiên cứu và sản xuất, tạo việc làm và giúp bệnh nhân Úc tiếp cận sớm với các thử nghiệm lâm sàng và các công nghệ cứu sinh mới nổi”.
Bệnh nhân khuyết tật tim đang chờ thiết bị đột phá
Tại Úc, bệnh suy tim ảnh hưởng đến 500.000 người, với hơn 50.000 ca chẩn đoán mới mỗi năm.
Trên toàn cầu, hơn 64 triệu bệnh nhân bị ảnh hưởng và tỷ lệ mắc bệnh ngày càng tăng cùng với dân số già.
Suy tim thường trở nên tồi tệ hơn theo thời gian, dẫn đến chất lượng cuộc sống kém hơn, bệnh nhân phải đến bệnh viện nhiều hơn và cuối cùng là tuổi thọ của bệnh nhân ngắn hơn.
Một trong những bệnh nhân đó là Peter Callinan, 48 tuổi, đang dựa vào thiết bị tim hiện có, đã trải qua ca phẫu thuật dị tật tim bẩm sinh lúc 18 tháng tuổi tại Bệnh viện Nhi đồng Hoàng gia Melbourne.
Anh nói “Họ đã giúp tôi vượt qua được thời điểm này và điều đó chỉ có thể giúp tôi tiếp tục cố gắng lâu hơn. Thực tế là trái tim tôi đã làm việc quá giờ trong suốt những năm đó”,
“Tôi có tên trong danh sách được ghép tim. Tôi có tên trong danh sách từ khoảng tháng 6 / tháng 7 năm ngoái. Chỉ có khoảng 100 người Úc may mắn được cấy ghép mỗi năm”.
Anh cho biết trái tim mới “cực kỳ thú vị” đối với những người đang chờ cấy ghép.
Anh nói “Suy tim là một thuật ngữ mà tôi phải đối mặt với hàng nghìn người trên khắp nước Úc, nhưng khi đến Úc, tôi không thể ở một nơi nào tốt hơn để có thể khắc phục được mọi thứ”.
Các thử nghiệm lâm sàng sẽ bắt đầu tại Bệnh viện Alfred ở Melbourne và Bệnh viện St Vincent ở Sydney, dự kiến trái tim sẽ có mặt vào đầu năm 2031.
(Theo Isabella Rayner - The Epoch Times)