Con ve ký sinh Varroa có thể nhìn thấy trên một con ong chết trong tổ, Thứ Tư, ngày 21 tháng 6 năm 2023, ở College Park, Md. Một cuộc khảo sát mới cho biết các tổ ong mật của Mỹ vừa ghi nhận tỷ lệ tử vong cao thứ hai được ghi nhận. Bọ ve là nguyên nhân chính khiến số lượng ong chết ngày càng tăng. (Ảnh AP/Julio Cortez) Nguồn: AP / Julio Cortez/AP
Loài rệp varroa có nguồn gốc từ châu Á, dài chưa đến 1 mm, đã lan rộng khắp châu Âu, Bắc và Nam Mỹ cũng như một số vùng của châu Phi, có khả năng phá hủy ngành công nghiệp mật ong và nông nghiệp, làm giảm sản lượng mật ong lên tới 60%. Khi varroa bắt đầu lan đến Úc vào năm 2022, nhà chức trách tìm cách tiêu diệt con ký sinh trùng này và hủy tổ ong, nhưng giờ chính phủ chuyển sang sống chung với nó. Một thử nghiệm mới tại hơn 200 tổ ong trên khắp ACT và New South Wales hy vọng thiết lập một phương thức mới để phát hiện và kiểm soát sự lây lan của rệp varroa và cứu ngành ong mật của Úc.
Đó là cơn ác mộng tồi tệ nhất của người nuôi ong.
Loài rệp varroa chỉ dài một milimet nhưng có sức mạnh huỷ diệt đàn ong.
Rệp Varroa được phát hiện lần đầu tiên ở Úc vào năm 2022 - điều đáng sợ mà nhà chức trách dự đoán đã thành sự thật - loài rệp này đã đến và sinh sản lây lan ở tất cả nơi nào mà có thể sinh sống được.
Cormac Farrell là một người nuôi ong ở Canberra và phụ trách coi sóc điểm nuôi ong ở vườn cây bản địa trong khuôn viên Tòa nhà Quốc hội Úc.
Ông nói rằng không có gì ngạc nhiên khi Varroa đến được Úc.
"Phản ứng ban đầu của tôi là chấp nhận, cam chịu. Vì tôi từng là thành viên của nhóm an toàn sinh học truy tìm con rệp này và chúng tôi đã dự đoán về một cuộc xâm nhập này của nó."
Giám đốc Bộ phận Nghiên cứu và Đổi mới Nông nghiệp, Thủy sản, Lâm nghiệp, Jessica May, cho biết rệp varroa làm các tổ ong bị huỷ hoại.
"Một con rệp nhỏ bám vào một con ong có thể mang đến nhiều bệnh khác nhau. Nó không giết chết chúng mà nó bám vào những con ong và có thể xâm chiếm tổ ong. Nó làm đàn ong yếu đi nên ong không bay nổi vì cánh đã bị yếu, và con rệp này còn mang theo nhiều bệnh khác có thể lây nhiễm sang ong và thực sự làm suy yếu tổ ong nên sản lượng mật ong sụt giảm, sức khỏe của đàn ong giảm và số lượng ong giảm."
Ngành công nghiệp mật ong ở Úc trị giá 14 tỷ đô-la mỗi năm, trong đó giống ong mật có nguồn gốc từ châu Âu còn đóng vai trò quan trọng trong việc thụ phấn cho nhiều loại cây nông nghiệp.
Sự hiện diện của con rệp varroa khiến cả ngành nuôi ong và nông nghiệp Úc đều gặp nguy hiểm.
Chuyên gia an toàn sinh học của Chính phủ A.C.T, Matt Cools, nói rằng không những vậy mà nó còn ảnh hưởng đến người nuôi ong nghiệp dư.
"Tác động lớn nhất và rõ ràng nhất có thể thấy được là ngành công nghiệp nuôi ong mật và việc thụ phấn, không những vậy nó còn ảnh hưởng đến những người nuôi ong tài tử như là một đam mê của họ. Họ nuôi ở sân sau như chúng tôi gặp rất nhiều tại A.C.T. Họ rất say mê với những con ong của mình, vì vậy nó có thể có tác động lớn đến họ nếu họ tìm thấy rệp varroa trong tổ ong ở nhà mình."
Khi varroa lần đầu tiên được phát hiện ở Úc, chính phủ đã tìm cách tiêu diệt loại ký sinh trùng này bằng việc hạn chế nghiêm ngặt sự di chuyển của ong và tiêu diệt các tổ ong bị nhiễm bệnh.
Ông Farrell cho biết khi phát hiện ra con rệp, những người nuôi ong giải trí đã hành động.
"Những người nuôi ong giải trí như tôi, tất cả chúng tôi đều có vai trò. Chúng tôi phải kiểm tra tổ ong của mình để bảo đảm rằng chúng tôi biết loài rệp varroa lây lan ở đâu, để có thể cung cấp thông tin đó cho nhà chức trách nhằm giúp kiểm soát dịch bệnh bùng phát. Tiêu diệt luôn tổ ong là cách tốt nhất mà chúng tôi có thể làm để ngăn chặn nó. Thật không may, cách này không có tác dụng, thật là không vui chút nào. Bây giờ chúng ta đang chuyển sang giai đoạn quản lý đó, tức là chúng tôi học cách sống chung với loài rệp này. May mắn là có những người nuôi ong trên toàn thế giới đã có kinh nghiệm cho việc này và chúng tôi nhận được rất nhiều lời khuyên hữu ích từ họ."
Bây giờ, người ta chấp nhận rằng con rệp varroa bằng cách nào đó đã lây tới Úc và nó vẫn lì lợm ở đây.
Bà May cho biết họ hiện đang tìm cách kiểm soát loài ký sinh trùng này.
"Chúng tôi đã chuyển sang phương pháp kiểm soát. Hiện tại rệp varroa đang hiện diện ở New South Wales và tất cả biện pháp hiện giờ chỉ nhằm cố gắng làm chậm sự lây lan của varroa. Vì vậy, việc diệt trừ, giết chết đàn ong không phải là điều chúng tôi muốn tiếp tục làm. Con rệp này đã ở đây, và hiện nó đã thiết lập môi trường sống của nó nên mọi người đã quyết định chuyển sang kế hoạch quản lý quốc gia như cách chúng tôi đang nỗ lực hướng tới. Dự án này nhằm cố gắng làm chậm sự lây lan của rệp varroa và giúp những người nuôi ong chủ động kiểm soát chúng cũng như đàn ong của mình."
Hiện Úc đang đưa ra chương trình giúp theo dõi con rệp varroa.
190 trại nuôi ong sẽ được đưa vào chương trình - 30 trại ong ở A.C.T hiện không còn rệp varroa, 150 tổ ong thương mại ở khu vực bị nhiễm bệnh ở New South Wales và 10 tổ ong cộng đồng tại các trường học ở New South Wales. Cũng nói thêm là một số trường tại một số khu vực vùng xa đã được làm quen với việc nuôi ong mật bản địa như là một phần trong chương trình học và hướng nghiệp của học sinh.
Một loại thiết bị công nghệ có tên BeeRight sẽ được đặt vào tổ ong để theo dõi sức khỏe của chúng.
Bà May nói rằng đây là một phần công nghệ không xâm lấn.
"Thiết bị BeeRight có rất nhiều cảm biến phức tạp bên trong. Vì vậy, chỉ cần đặt nó vào tổ ong là nó có thể cảm nhận được tất cả các tình trạng sức khỏe và mọi thứ khác đang diễn ra trong đó. Nó sẽ cho biết đàn ong của bạn có khỏe mạnh hay không, con ong chúa có khỏe mạnh hay không. Khi ong không khỏe mạnh chúng sẽ có dấu hiệu khác và thiết bị này có thể nhận ra điều đó."
Vùng Lãnh thổ Thủ đô A.C.T vẫn chưa bị rệp varroa xâm lấn.
Bà May cho biết các tổ ong trên lãnh thổ sẽ là nơi thuận tiện để áp dụng thiết bị cảm biến BeeRight.
Nếu có sự hiện diện của ra rệp, thiết bị cảm biến sẽ phát hiện hoạt động bất thường và gửi thông báo đến điện thoại của người chủ nuôi ong để có cách chữa trị mà không cần phải giết cả tổ ong.
Bà May cho biết chương trình thí điểm nhằm mục đích xác nhận tính hiệu quả của công nghệ.
"Chúng tôi đang cung cấp tất cả dữ liệu cho Cơ quan Nghiên Cứu Khoa học và Công nghiệp Quốc gia CSIRO, nơi đó sẽ báo cáo cho biết liệu thiết bị BeeRight có khả năng phát hiện ve varroa ở Úc hay không. Thiết bị cảm ứng này cũng đã xác nhận rằng ACT hiện không có rệp varroa. Điều này mới chỉ là bước khởi đầu. Giai đoạn tiếp theo sẽ là thử nghiệm tất cả các thiết bị và công nghệ khác nhau hiện có trên thị trường. Sau đó chúng tôi sẽ so sánh tất cả các dữ liệu thu thập được từ các loại thiết bị công nghệ khác nhau này và lập một báo cáo khoa học về những thiết bị và công nghệ hiện có để người nuôi ong sử dụng trong việc quản lý sự lây lan của rệp Varroa."
Ông Farrell cho biết ông rất hào hứng với những gì mà các thiết bị cảm biến này có thể mang lại.
"Trước đây chúng tôi cũng đã thử nghiệm một số cảm biến trong tổ ong ở nhà nuôi ong, nhưng mà chúng chưa có thật sự hoàn chỉnh và cũng không phổ biến. Do đó mà bây giờ có một loạt thiết bị cảm biến được đưa vào hoạt động thì thực sự rất thú vị. Chúng tôi đang mong chờ xem kết quả thử nghiệm sẽ ra sao."
Alejandro Trujillo Gonzalez, là chuyên viên nghiên cứu tại Trung tâm tham khảo eDNA quốc gia tại Đại học Canberra, cho biết chỉ cần dùng một cây tăm bông quẹt qua tổ ong như cách kiểm tra COVID để xác nhận xem ký sinh trùng đã có mặt trong tổ ong hay chưa.
"Chúng tôi sẽ xét nghiệm EDNA và ERNA trong tổ ong như một biện pháp xác nhận đối với rệp varroa (var-oh-ah). Và đó là một phương pháp mà chúng tôi đã nghĩ ra để tìm kiếm dấu vết DNA mà động vật để lại trong tổ và nó cực kỳ nhạy cảm vì vậy chúng tôi có thể xác nhận xem con rệp varroa đã từng hay hiện đang ở trong tổ ong."
Tiến sĩ Gonzalez cho biết công nghệ này sẽ giúp người nuôi ong đối phó với sự hiện diện của ký sinh trùng.
"Nếu rệp varroa thực sự lây lan trên khắp các tiểu bang, thì việc học cách sống chung với nó sẽ là điều cần thiết. Và liệu loại công cụ quản lý này có cho phép bạn tiếp tục nghề nuôi ong trong tình huống như vậy và vẫn có thể thu được nhiều lợi ích và phúc lợi từ sinh kế của mình. Tất nhiên, đó là một tình huống xấu, như hiện tại đang diễn ra ở New South Wales."