Hugh Bayly nói rằng đã đến lúc những người câu cá giải trí phải đóng góp vào việc quản lý nghề cá. (Ảnh: cung cấp bởi Hugh Bayly)

 

 

NAM ÚC - Một số ngư dân thương mại ở Nam Úc đang kêu gọi cải tổ lĩnh vực câu cá giải trí, bao gồm việc áp dụng hệ thống cấp giấy phép và có một ứng dụng chạy trên điện thoại để báo cáo số lượng thủy sản đánh bắt của họ.

 

Tiểu bang Nam Úc và tiểu bang Queensland là những tiểu bang duy nhất mà người câu cá giải trí không bắt buộc phải có giấy phép.

 

Ở những nơi khác, những người này cần giấy phép để đánh cá từ thuyền và ở một số khu vực pháp lý, giấy phép được yêu cầu để đánh cá từ đất liền.

 

Tuy nhiên, những người đánh bắt thủy sản thương mại từ tổ chức nghề cá Marine Scalfish Fishery ở Nam Úc phải trả mức phí cơ bản hàng năm là 3.000 đô-la và những người xin giấy phép hạn ngạch đánh bắt thủy sản phải trả thêm hàng nghìn đô-la.

 

Ông Hugh Bayly, một ngư dân thương mại ở Bán đảo Lower Eyre Peninsula, muốn điều đó cần thay đổi.

 

Ông nói “Thật là không công bằng,”

"Chúng tôi đang trả số tiền khổng lồ để quản lý một nguồn tài nguyên mà mọi người đều có quyền sử dụng và lĩnh vực giải trí không phải trả tiền bạc gì cả."

 

Ông Bayly cho biết hệ thống cấp phép cho người câu cá giải trí có thể giải quyết vấn đề nguồn cá đang suy giảm ở tiểu bang Nam Úc, điều mà ông lo ngại.

 

Ông nói: “Đối với bất kỳ ai có thuyền đánh cá xa bờ, việc thu từ 40 đến 50 đô0la một năm để có giấy phép đánh bắt cá… không phải là yêu cầu quá đáng”.

“Đó là một nguồn tài nguyên quan trọng và tất cả chúng ta phải góp phần quản lý nguồn tài nguyên này.”

"Việc này cũng sẽ góp phần trả lương cho thêm cho nhiều nhân viên của ngành thủy sản hơn nữa để bảo đảm mọi người tuân thủ giới hạn đánh bắt - bạn phải nhớ rằng trữ lượng cá là điều quan trọng nhất."

 

 

Asher Dezsery cho biết những người câu cá giải trí ủng hộ ý tưởng đưa ra một khoản phí. (Ảnh: cung cấp bởi tổ chức câu cá giải trí  RecFish SA)

 

Hỗ trợ từ những người câu cá giải trí

Ông Asher Dezsery, giám đốc điều hành tổ chức câu cá giải trí RecFish SA, cho biết tổ chức này không gặp vấn đề gì với hệ thống cấp phép, miễn là tiền được chuyển thẳng vào lĩnh vực này.

 

Ông nói “Chúng ta đang tụt hậu … về giấy phép câu cá giải trí.”

 

Norm Pope, 73 tuổi, là người câu cá giải trí ở Port Lincoln, người đã đánh cá hơn 50 năm, cho biết nhóm câu cá giải trí ở đây sẵn sàng trả phí để đóng góp cho khoa học và sự bền vững của nghề cá.

 

Ông nói: “Nó đặt chúng tôi ở trạng thái cân bằng với ngư dân thương mại… về mặt nào đó, chúng tôi đang lợi dụng họ”.

"Họ đã trả tiền cho nghiên cứu trong một thời gian dài.”

"Sẽ rất tốt nếu lĩnh vực giải trí bắt đầu đóng góp."

 

 

Việc đánh bắt cá hồng đã bị cấm ở tiểu bang Nam Úc vào năm 2019 trong bối cảnh lo ngại về trữ lượng giảm sút. Lệnh cấm sẽ có hiệu lực đến năm 2026 ở một số khu vực. (Facebook: Mr Barra)

 

 

Ông Dezsery cho biết hệ thống này đã sẵn sàng và sẽ dễ dàng khai triển.

Ông nói "Hệ thống này sẽ có cùng một mô hình - vì vậy bạn có thể có vé ngày, vé tuần, vé cuối tuần hoặc vé hàng năm,"

 

“Tất cả cơ sở vật chất đều đã có sẵn, chỉ còn vấn đề chính quyền tiểu bang đưa vào thực hiện”.

 

Tuy nhiên, phát ngôn nhân của chính quyền tiểu bang cho biết ý tưởng này chưa được xem xét.

 

Phát ngôn nhân này cho biết: “Nếu muốn điều tra thì cần phải có sự hỗ trợ rõ ràng từ cộng đồng câu cá giải trí và đại diện của họ”.

 

 

Jeff Schmucker cho biết cần thu thập thêm dữ liệu từ lĩnh vực câu cá giải trí. (ABC News: Che Chorley)

 

 

Tranh luận về báo cáo bắt buộc

Ngư dân Jeff Schmucker, từ hiệp hội Marine Scale Fishing, ở vùng West Coast, cho biết ông ủng hộ giấy phép câu cá giải trí và nói rằng phí cấp giấy phép sẽ được sử dụng để tạo ra một ứng dụng chạy trên điện thoại để báo cáo bắt buộc số lượng cá được đánh bắt.

 

Ông nói rằng điều đó sẽ cho phép Bộ Công nghiệp và Tài nguyên Cơ bản hiểu được loại cá nào đang được đánh bắt và có thể giúp tránh được các vấn đề nảy sinh trong khâu quản lý như vấn đề đã dẫn đến lệnh cấm đánh bắt cá hồng của tiểu bang vào năm 2019.

 

Ông nói “Vấn đề là, dữ liệu đánh bắt cá cảu ngư dân thương mại của chúng tôi rất tốt, chúng tôi báo cáo hàng ngày… chúng tôi có dữ liệu và quản lý theo thời gian thực,”

"Lãnh vực đánh bắt cá giải trí không có dữ liệu thực tế.”

“Trước đây việc này đã được thực hiện bằng các cuộc khảo sát qua điện thoại, nhưng điều đó đã khá lỗi thời.”

"Lĩnh vực giải trí chưa được tính đến... trong phạm vi mà chúng tôi cần để quản lý nghề cá."

 

Ông Dezsery cho biết tổ chức câu cá giải trí Recfish SA không ủng hộ ý tưởng này.

 

Ông nói: “Tôi không biết liệu việc báo cáo bắt buộc có phải là giải pháp hay không và nó chắc chắn sẽ làm mất đi văn hóa chung của việc câu cá giải trí”.

“Báo cáo bắt buộc không tồn tại ở những nơi khác ở Úc.”

"Đó là một giải pháp khá phi thực tế."

 

Ông Dezsery cho biết ngư dân câu cá giải trí đã dẫn đầu về tính bền vững.

 

Ông nói: “Cứ bốn người ở Nam Úc thì có một người đang câu cá giải trí.”

“Về mặt hải sản bền vững, mọi người đánh cá đều đang đánh bắt hải sản của chính mình và họ đang tiêu thụ hải sản đó.”

 

Ông Pope cho biết tổ chức câu cá giải trí RecFish Port Lincoln không tin vào giải pháp phải cần có báo cáo bắt buộc.

 

(LH, Danviet.com.au - Theo abc.net.au)