Chính sách khí hậu mới của Ngân Hàng  ANZ sẽ thay đổi cách cho vay của ngân hàng đối với các công ty than đá. (ABC News: Brendan Esposito)

 

 

 

Ngân hàng ANZ của Úc, hôm 29/10, cho biết họ sẽ rút khỏi lĩnh vực than đá, một động thái sẽ ảnh hưởng nặng nề đến lĩnh vực vốn đang đối mặt với biến động trên thị trường xuất cảng và sự không ưa thích ngày càng tăng của công chúng.

 

 

Bắt đầu từ năm 2030, ANZ sẽ không còn tài trợ cho các mỏ than phục vụ nhiệt điện hoặc nhà máy nhiệt điện than, cạnh tranh với 3 ngân hàng lớn nhất khác của Úc đã đưa ra các cam kết tương tự trước đó. Theo một nghiên cứu của Ngân hàng Trung ương Úc, than đá từ lâu đã trở thành trụ cột của nền kinh tế đất nước, trong năm 2018, kim ngạch xuất khẩu lên tới 67 tỷ Úc kim, tương đương hơn 3% GDP của nước này.

 

 

Nhưng, bất chấp sự hỗ trợ vững chắc của chính phủ, nền tảng của ngành này dường như ngày càng mong manh. Nó thực sự phải đối mặt với những cam kết đưa ra trong những tháng gần đây từ các khách hàng chính của họ, đặc biệt là Trung Quốc, Nhật Bản và Nam Hàn, để đạt được mức trung hòa thí thải carbon vào năm 2050. Điều đó có nghĩa là có thể giảm sự phụ thuộc của họ vào nhiên liệu hóa thạch, đặc biệt là than đá, chiếm gần một nửa lượng khí thải carbon dioxide toàn cầu.

 

 

Đối với người Úc, họ ngày càng tỏ ra miễn cưỡng đối với lĩnh vực này, sau những trận cháy rừng chưa từng có đã tàn phá đất nước và một đợt hạn hán kéo dài. Theo một cuộc thăm dò được công bố trong tuần này bởi The Australia Institute, 4/5 người Úc nói rằng họ lo ngại về biến đổi khí hậu và chỉ 12% ủng hộ kế hoạch của Thủ tướng Scott Morrison về kế hoạch phục hồi kinh tế sau Covid-19 dựa trên khí đốt.

 

 

Chính phủ của ông Morrison chậm đưa ra các biện pháp chống biến đổi khí hậu, tránh bất kỳ cam kết nào về trung hòa khí thải carbon, và hứa sẽ tiếp tục hỗ trợ nhiên liệu hóa thạch, đặc biệt bằng cách bật đèn xanh cho các mỏ than mới, bất chấp sự phản đối của dư luận.

 

 

Hôm 29/10, ANZ cho biết rằng họ đã sẵn sàng giúp cắt giảm lượng khí thải carbon. Ngân hàng ày nói "Chúng tôi đang ở một vị trí độc nhất, thông qua các quyết định cho vay của mình, để hỗ trợ khách hàng và các dự án giảm phát thải, đồng thời hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Đây là lý do tại sao chúng tôi đã công bố những thay đổi lớn đối với chính sách về khí thải carbon của mình, hỗ trợ quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế không phát thải vào năm 2050".

 

 

Quyết định này đã được chính phủ đón nhận rất tệ. Bộ trưởng Tài nguyên Keith Pitt kêu gọi ANZ "tập trung vào các khoản vay mua nhà " và không đóng vai trò là một "chiến binh sinh thái". Bộ trưởng Nông nghiệp David Littleproud đã nói rằng các ngân hàng "không nên can thiệp vào thị trường" và đe dọa thu hồi các khoản bảo lãnh tiền gửi của chính phủ nhằm bảo vệ tiền tiết kiệm của khách hàng.

 

 

Về phần mình, ngành công nghiệp than dự đoán rằng bất chấp các mục tiêu cân bằng carbon được đưa ra ở châu Á, nhu cầu sẽ vẫn mạnh ở đó trong 10 năm tới, đặc biệt là ở Ấn Độ và Việt Nam. Hội đồng Khoáng sản Úc Đại Lợi, một nhóm vận động hành lang mạnh mẽ, tin rằng ngành công nghiệp thậm chí có thể đóng góp vào những mục tiêu này thông qua các công nghệ sạch hơn.

 

 

Giám đốc điều hành Tania Constable cho biết những công nghệ này, chẳng hạn như thu giữ carbon, "sẽ rất cần thiết để giúp các nước tiếp tục phát triển kinh tế trong tương lai đồng thời giảm lượng khí thải".