Ca làm việc của một nhân viên y tế, Nguồn: Sergei Bobylev/TASS/Sipa USA
Khi đại dịch COVID-19 xảy ra, rất nhiều nhân viên y tế là đối tượng phải hi sinh sự an nguy của mình cho công việc chăm sóc người bệnh. Cho đến nay, những tổn thất ấy vẫn chưa hoàn toàn qua đi, nhiều người đã chịu tổn thương cả về mặt thể chất lẫn tinh thần, và họ vẫn lo lắng khi các hạn chế bắt đầu dỡ bỏ.
Khi đại dịch COVID-19 ở Úc bước vào giai đoạn đỉnh điểm, các nhân viên y tế là lực lượng phải chịu thử thách đến giới hạn cuối cùng.
Madison (*), một nhân viên y tế làm việc tại khoa cấp cứu tại phía nam Sydney. Bà nói đó là những ngày thực sự kinh hoàng.
“Ngay từ đầu, số nhân viên y tế chăm sóc bệnh nhân đã thiếu, và kể từ đó, chúng tôi lúc nào cũng phải ôm đồm tất cả mọi việc. Chẳng hạn như chúng tôi có nhân viên chuyên biệt cho khu vực xét nghiệm COVID, nhưng nếu có nhiều người cùng đến làm xét nghiệm, thì hầu như là không thể làm xuể, và chúng tôi phải kéo thêm nhân viên từ các khoa khác sang để hỗ trợ, và từ đó kéo theo cả bệnh viện ai cũng phải làm thêm việc.”
Trong khi hầu hết nhân viên các ngành nghề đã có thể thở phào nhẹ nhõm khi thời kỳ đỉnh điểm đại dịch đã qua, nhưng nhân viên y tế thì dường như những ngày tháng khó khăn ấy vẫn chưa dừng lại.
Cuộc điều tra về 19 ca tử vong do coronavirus tại nhà dưỡng lão Newmarch vẫn đang được tiến hành.
Một cuộc khảo sát do Hiệp hội Dịch vụ Chăm sóc Người Cao niên (LACS) thực hiện cho thấy có khoảng 31% nhân viên từ 74 cơ sở chăm sóc cao niên trên cả nước đã báo cáo về mức độ tổn thất tinh thần đang ngày càng tệ hơn.
Giám đốc Hiệp hội Tim Hicks, nói Hiệp hội đang cố gắng cung cấp hỗ trợ.
“Có những cơ sở chăm sóc người cao niên báo cáo rằng số lượng xin nghỉ ốm đã giảm mạnh và cam kết nhân viên của họ sẽ làm hết năng suất. Nhưng tất nhiên kết quả đó đến với một cái giá phải trả, đó là nhân viên sẽ mệt mỏi hơn và áp lực hơn. Và những cuộc gọi yêu cầu hỗ trợ đã tăng lên rất nhiều, chúng ta cần thêm sự trợ giúp cho nhân viên từ cấp quản lý.”
Một số cơ sở chăm sóc người cao niên báo cáo có sự thiếu hụt các thiết bị bảo hộ cá nhân PPE, và vì thế đã làm cản trở công tác cấp cứu cho những ca nhiễm COVID-19.
Như y tá Madison nói, nhân viên y tế đã phải hi sinh sự an toàn của họ khi nguồn cung ứng khẩu trang N95 bị thiếu hụt.
“Chúng tôi thường xuyên không có khẩu trang. Kho chứa thiết bị bảo hộ phải được khóa vì bị người ngoài vào ăn cắp. Áo khoác bảo hộ mà nhân viên y tế bắt buộc phải sử dụng cũng hết. Chúng tôi phải tự xoay xở tìm những loại áo choàng khác, khẩu trang thì cũng chỉ dùng khẩu trang thường, và cuối cùng thì chúng tôi là những người bị đẩy vào tình thế nguy hiểm.”
Hiệp hội Dịch vụ Chăm sóc Người Cao niên (LACS) đã cung cấp hỗ trợ nhân viên y tế thông qua chương trình hỗ trợ nhân viên, trao đổi và huấn luyện hoặc hỗ trợ được nghỉ phép trong đại dịch.
Và chính phủ liên bang cũng đã công bố gói hỗ trợ trị giá 234.9 triệu đô-la hồi tháng Ba.
Giám đốc Hiệp hội Tim Hicks nói lĩnh vực chăm sóc người cao niên rất hoan nghênh gói hỗ trợ này, nhưng ông cũng cho hay việc đánh thuế tiền trợ cấp chỉ làm cho vấn đề thêm nghiêm trọng
“Vẫn còn sự chênh lệch rất lớn giữa chi phí cho COVID-19 mà các trung tâm dịch vụ chăm sóc người cao niên phải bỏ ra và mức độ hỗ trợ của chính phủ. Và áp lực tài chính sẽ khiến các cơ sở cung cấp dịch vụ rất khó để tiếp tục hoạt động.”
Trong một khảo sát khác, do hãng luật Slater and Gordon thực hiện, khoảng 65% của 500 nhân viên y tế nói sức khỏe tâm thần của họ đã bị ảnh hưởng bởi COVID-19.
Luật sư Campbel Woollacott là người đang hỗ trợ các nhân viên lấy trợ cấp tài chính, ông cho biết
“Một số tổn thương phổ biến thường thấy là do liên tục gặp áp lực căng thẳng, chẳng hạn tổn thương ở vai, lưng, và chúng tôi thấy cả những tổn thương tinh thần có liên quan đến căng thẳng và áp lực mà những người làm việc trong lĩnh vực y tế thường gặp.”
Một số người làm việc trong lĩnh vực chăm sóc người cao niên cho biết họ đang lo ngại khi chính phủ dần dỡ bỏ các giới hạn.
“Khi dỡ bỏ những hạn chế trong xã hội thì chắc chắn chúng ta sẽ không lường trước được chuyện gì sẽ xảy ra. Lĩnh vực chăm sóc người cao niên và các nhân viên đang hết sức quan ngại về khả năng lây nhiễm COVID-19 và từ đó sẽ lại gia tăng nguy hiểm cho những người làm trong lĩnh vực này. Vì thế chúng tôi vẫn tiếp tục phải thực hiện tất cả những biện pháp phòng ngừa mà chúng tôi vẫn làm từ khi còn trong tâm điểm dịch bệnh.”