Những cánh hoa tại một buổi lễ cầu nguyện cho các nạn nhân của nạn bạo lực gia đình , Nguồn: AAP

 

 

Các nạn nhân đang chạy trốn bạo lực gia đình giờ đây sẽ có quyền độc lập nhiều hơn về tài chính, khi các ngân hàng đưa ra điều kiện linh hoạt hơn về việc mở tài khoản riêng.

 

Khi Lisa McAdams chạy trốn khỏi bạo lực gia đình, cô không có nhiều cơ hội để được hỗ trợ về tài chính.

 

"Khi tất cả số tiền còn lại trong túi của tôi chỉ là 33 đô la, nhưng tôi lại không thể mở tài khoản ngân hàng tại địa chỉ mà tôi không mong muốn cung cấp. Tôi đã ở trong một nơi tạm lánh, vì vậy tôi không thể dùng địa chỉ đó. Thế là tôi bị kẹt. Có những người bạn ở nước ngoài nói rằng họ sẽ gởi tiền cho tôi, nhưng họ không biết gửi vào đâu. Tôi chẳng có tài khoản riêng, chỉ có tài khoản chung với anh ấy kể từ khi chúng tôi di cư đến đây. Vì vậy, tôi không có tài khoản riêng để Centrelink hoặc bất cứ ai gửi tiền cho tôi. Và khi không có tiền thì tôi chẳng có lựa chọn nào."

 

Thứ Năm tuần trước (28/5) các ngân hàng đã thông báo về thay đổi yêu cầu ID để mở tài khoản ngân hàng. Theo đó, người nộp đơn yêu cầu mở tài khoản chỉ cần cung cấp một tài liệu tham khảo, từ bác sĩ hoặc người quản lý trung tâm tị nạn. Trước kia, yêu cầu được đặt ra là phải cung cấp khoảng 100 điểm ID.

 

Tổng giám đốc điều hành Hiệp hội Ngân hàng Úc, bà Anna Bligh nói với ABC rằng động thái mới này rất quan trọng.



"Việc sở hữu tài khoản ngân hàng riêng là rất quan trọng để mọi người cảm thấy rằng bản thân họ được độc lập và có khả năng tài chính. Đối với những người đã trải qua và đang chạy trốn bạo lực, đó là một tâm lý quan trọng, là bước đầu tiên để được tự do."

 

“Trong khi đó, số liệu từ Cục Thống kê và Nghiên cứu về Tội phạm New South Wales cho thấy số vụ tấn công bạo lực gia đình được Cảnh sát bang ghi nhận vào tháng 4 năm nay thấp hơn một chút so với cùng kỳ năm ngoái”.

 

Nhưng Giám đốc điều hành Jackie Fitzgerald lo ngại rằng điều này có thể là do các trường hợp không được báo cáo:

"Tôi nghĩ rằng đó là một tình huống khá đặc biệt. Có thể là nhiều vụ bạo lực gia đình đang xảy ra trong cộng đồng nhưng lại không được báo cáo cho cảnh sát."

 

Bà McAdams đồng ý rằng việc cách ly xã hội đang giúp ngăn chặn tình trạng bạo lực.



"Nếu quý vị cách ly ở nhà suốt 24/7 thì sẽ không có cơ hội cho người bên ngoài lạm dụng. Và tôi nghĩ rằng một khi tất cả chúng ta bắt đầu quay trở lại làm việc, dù chỉ là từng bước, và có thể tự do di chuyển nhiều hơn - tôi nghĩ rằng tình trạng lạm dụng sẽ tăng lên trong tháng Sáu, tháng Bảy, khi kẻ lạm dụng có cơ hội tiếp cận đối tượng."

 

Bà nói rằng việc ngân hàng triển khai các điều kiện linh hoạt khi mở tài khoản là một bước đi đúng hướng, nhưng vẫn còn nhiều điều hơn cần làm.



"Mọi việc chỉ vận hành tốt khi các trung tâm nhận cuộc gọi và các giao dịch viên ở tuyến đầu biết rõ về tình trạng bạo lực gia đình và các chính sách liên quan. Nếu ai đó bước vào và yêu cầu mở một tài khoản, mà những người ở tuyến đầu chưa áp dụng các điều kiện linh hoạt, bởi vì họ chỉ mới nhìn thấy thông tin trên trang wed, thì tình hình sẽ không khá hơn. Mọi người cần hiểu rõ về điều khoản cũng như có thể truy cập nó."



Và Ngày Nhận thức về Bạo lực Gia đình LGBTI đầu tiên của Úc đã được phát động hôm 28/5 vừa qua nhằm nâng cao nhận thức về bạo lực gia đình ở mức độ cao trong các mối quan hệ LGBTI (đồng tính-chuyển giới-song tính).

 

Nếu quý vị hoặc ai đó mà quý vị quen biết có nguy cơ bị bạo lực gia đình, trong trường hợp khẩn cấp, hãy gọi 000 và yêu cầu gặp cảnh sát.

 

Hoặc gọi số 1800 737 732, có dịch vụ thông dịch, là đường dây trợ giúp của dịch vụ toàn quốc về tư vấn chống bạo hành trong gia đình và xâm phạm tình dục. Dịch vụ này miễn phí và bảo mật. Làm việc 24 giờ mỗi ngày, bảy ngày một tuần.