Nguồn: SBS

 

AUSTRALIA - Trong một cuộc phỏng vấn độc quyền với SBS News, Ngoại trưởng Đài Loan Joseph Wu cảnh báo Úc nên “chú ý nhiều hơn” đến sự hiện diện ngày càng gia tăng của Trung Quốc ở Ấn Độ - Thái Bình Dương, và mô tả hiệp ước an ninh mới giữa Bắc Kinh và Quần đảo Solomon là mối đe dọa đối với hòa bình và ổn định trong khu vực.

 

Trong một cuộc phỏng vấn độc quyền với SBS News, ông Wu nói rằng đảo quốc của ông là một trong những mục tiêu hàng đầu của Trung Quốc, nhưng mối đe doạ đang tiến gần hơn đến nước Úc.

 

Ông nói “Mối đe doạ đang ở ngay trước cửa nhà quý vị, và tôi chắc chắn rằng bất kỳ sự hiện diện quân sự nào của Trung Quốc ở Quần đảo Solomons đều là mối quan tâm lớn cho quý vị.”

“Các quốc gia cùng chí hướng như Hoa Kỳ, Úc và Nhật Bản cần chú ý nhiều hơn đến các hoạt động quân sự của Trung Quốc ở Thái Bình Dương.”

 

Hiệp ước an ninh được ký kết giữa Quần đảo Solomon và Trung Quốc đã châm ngòi cho các tranh luận về chính sách đối ngoại và an ninh quốc gia trong chiến dịch bầu cử Úc, và khiến nhiều người lo lắng về tác động của thoả thuận này đối với Úc và Hoa Kỳ.

 

Có lo ngại rằng hiệp ước này đánh dấu bước đầu tiên hướng tới một căn cứ quân sự của Bắc Kinh ở Quần đảo Solomon, bất chấp lời trấn an từ phía Thủ tướng Manasseh Sogavare của nước này và từ phía Trung Quốc.

 

Về phần mình, Bắc Kinh cho biết hiệp ước an ninh là nhằm thúc đẩy “ổn định xã hội và hòa bình lâu dài ở Quần đảo Solomon”.

 

Phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên tuyên bố: “Hiệp ước an ninh giữa Trung Quốc và Quần đảo Solomon là công khai, minh bạch và không nhắm vào bên thứ ba nào khác. Nó không mâu thuẫn với hợp tác của Quần đảo Solomon với các đối tác khác hoặc các cơ chế hiện có trong khu vực. Nó phục vụ lợi ích chung của Quần đảo Solomon và khu vực Nam Thái Bình Dương.”

 

Vị trí của Quốc Đảo Solomon Islands với Úc và Đài Loan. Nguồn: SBS

 

 

Ông Wu cho biết ông muốn Đài Loan là một phần của sự hợp tác rộng lớn hơn ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, và mong các đối tác như Úc “hợp tác chặt chẽ hơn” để ngăn Trung Quốc gia tăng sự hiện diện trong khu vực.

 

Ông nói “Khi chúng ta thấy chủ nghĩa độc tài tiếp tục bành trướng sang Thái Bình Dương ... thì điều này đang mang một nhân tố bất ổn vào khu vực.”

“Và chúng tôi cũng đang nhìn thấy xu hướng chủ nghĩa độc tài cố gắng tiêm nhiễm hệ tư tưởng này và cơ chế kiểm soát của nó vào các nước Thái Bình Dương, cụ thể nhất là những nước cắt đứt quan hệ ngoại giao với Đài Loan.”

“Hãy nhìn vào Quần đảo Solomon - nó ở ngay ngưỡng cửa của Úc. Và Úc là một người bạn rất tốt của chúng tôi và khi Úc quan tâm điều gì thì chúng tôi sẽ quan tâm điều đó.”

“Nếu Trung Quốc tiếp tục mở rộng ảnh hưởng của mình sang Thái Bình Dương hoặc cuối cùng là hiện diện quân sự, thì đó sẽ là yếu tố chính khiến các nước cùng chí hướng lo ngại”.

“Chính phủ Scott Morrison đã bênh vực cách xử lý các mối quan hệ với Quần đảo Solomon và Thái Bình Dương, bất chấp những lời chỉ trích từ Lao động rằng hiệp ước an ninh là một “sự thất bại về chính sách đối ngoại”.

“Phát ngôn nhân đối lập đặc trách đối ngoại Penny Wong hồi tháng Tư nói rằng đây là “sai lầm tồi tệ nhất trong chính sách đối ngoại của Úc ở Thái Bình Dương kể từ sau Thế chiến thứ hai”.

 

Joseph Wu, Bộ Trưởng Ngoại Giao Đài Loan thông báo kế hoạch viện trợ nhân đạo cho  Ukraine ở thủ đô Đài Bắc (Taipei). Nguồn: LightRocket / SOPA Images/SOPA Images/LightRocket via Gett

 

Ông Wu không cho rằng tình hình nên được mô tả là một “thất bại” vì “quân đội Trung Quốc vẫn chưa xuất hiện ở quần đảo Solomon”.

 

“Nhưng sự hiện diện quân sự, nếu điều này trở thành hiện thực ... Tôi chắc chắn rằng đó sẽ là mối quan tâm an ninh rất nghiêm trọng của chính phủ Úc.”

 

Ông Triệu nói: “Tin đồn rằng Trung Quốc sẽ xây dựng một căn cứ quân sự ở quần đảo Solomon là thông tin sai lệch hoàn toàn do một số cá nhân có động cơ ngầm bịa đặt.”

 

Theo một cuộc khảo sát gần đây của The Age, 72% trong số 1,408 cử tri được hỏi tỏ ra “quan tâm” hoặc “rất lo ngại” về thoả thuận này.

 

Đài Loan có mối quan hệ ngoại giao mạnh mẽ với Quần đảo Solomon trong gần 4 thập niên, và đã cung cấp hỗ trợ tài chính cho quốc gia Thái Bình Dương này.

 

Nhưng chính phủ Sogavare đã cắt đứt quan hệ với Đài Loan vào tháng 9/2019 để thiết lập quan hệ ngoại giao với Trung Quốc, làm tăng nguồn đầu tư nhưng cũng gây ra sự phản đối và bất ổn trong nội bộ nước này.