Bộ Trưởng Di Trú Úc, Alex Hawke, Nguồn: AAP
“Chúng ta không nên ngăn cản những người xuất chúng trở thành công dân Úc.”
Tổng trưởng Di trú Alex Hawke đã công bố thêm một số sự linh hoạt trong việc cấp quốc tịch cho những người giữ visa tài năng và các vận động viên tham dự Đại hội Thể thao Khối thịnh vượng chung.
Sự linh hoạt này cũng áp dụng cho các thành viên thủy thủ đoàn, doanh nhân cao cấp, nhà khoa học và các nghệ sĩ ưu tú.
Ông Hawke cho biết quốc tịch Úc là một đặc quyền hiếm có.
Ông nói “Một số công dân Úc tiềm năng có nhu cầu làm việc và đi lại đặc biệt, điều đó không nên ngăn cản họ hội đủ điều kiện. Đó là lý do tại sao tôi đã chỉ đạo Bộ Nội vụ áp dụng sự linh hoạt hơn khi xét duyệt yêu cầu cư trú của những người hội đủ điều kiện”.
“Chúng ta không nên ngăn cản những người xuất chúng trở thành công dân Úc, chỉ vì những yêu cầu đặc biệt của chính công việc họ đang làm khiến họ trở nên xuất chúng.”
Hiện tại, những người nộp đơn xin nhập quốc tịch Úc phải sống tại Úc với visa hợp lệ trong ít nhất 4 năm, và không được phép ra nước ngoài quá 12 tháng trong thời gian đó.
Họ cũng phải là thường trú nhân hoặc công dân New Zealand hội đủ điều kiện, và không vắng mặt ở Úc quá 90 ngày trong vòng 12 tháng trước khi nộp đơn.
Theo yêu cầu cư trú đặc biệt, những người hội đủ điều kiện chỉ phải sống tại Úc ít nhất 480 ngày thay vì ba năm.
Trang mạng của Bộ Nội vụ viết “Hiện tại, yêu cầu cư trú đặc biệt có thể áp dụng cho một loạt các ứng viên thực hiện các chuyến du lịch quốc tế quan trọng do công việc của họ, và vì lợi ích quốc gia của Úc bao gồm các vận động viên thể thao đại diện cho nước Úc, thành viên thuỷ thủ đoàn, doanh nhân cao cấp, nhà khoa học nghiên cứu và các nghệ sĩ,”
Ahmad Tabish, một công dân Ấn Độ, người đã được lựa chọn cho chương trình visa Tài năng Toàn cầu vào tháng 7/2020, hoan nghênh thay đổi này.
Ông nói với SBS Hindi “Điều này sẽ khuyến khích tất cả những người giữ visa tài năng đóng góp hiệu quả hơn trong các lĩnh vực tương ứng của họ, vốn thường liên quan đến việc thực hiện các chuyến thăm chính thức ở nước ngoài vì lợi ích quốc gia của Úc.”
Ông Tabish cho biết các nhà nghiên cứu thường xuyên đến các trường đại học và trung tâm nghiên cứu ở nước ngoài để làm việc, hội thảo và hội nghị.
“Động thái này sẽ đóng góp to lớn vào việc tăng năng suất trong các ngành mục tiêu và giúp cho nền kinh tế Úc tăng trưởng.”