Úc  được hưởng lợi ích lớn từ các thay đổi sâu rộng đối với các quy tắc thuế toàn cầu vừa được Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) thông qua vào cuối tuần qua.

 

 

 

Úc hưởng lợi lớn từ thỏa thuận thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu. Ảnh minh hoạ

 

 

 

Theo các chuyên gia thuế, Úc được hưởng không ít lợi ích từ các thay đổi sâu rộng đối với các quy tắc thuế toàn cầu vừa được Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) thông qua vào cuối tuần qua, giúp quốc gia này trở thành điểm đến hấp dẫn hơn đối với các công ty nước ngoài.

 

 

Sau nhiều năm đàm phán, ngày 8/10, 136 quốc gia trên thế giới đã đạt được một thỏa thuận về mức thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu là 15 phần trăm đối với các công ty lớn nhằm hạn chế hiện tượng chuyển lợi nhuận ra nước ngoài của các tập đoàn đa quốc gia. Các công ty nhỏ hơn, có doanh thu dưới 750 triệu USD được miễn trừ khỏi các quy định mới.

 

 

Ông Niv Tadmore, chuyên gia thuế của công ty Jones Day, nhận định, với mức thuế doanh nghiệp tối thiểu được thống nhất, sức hấp dẫn của các quốc gia có mức thuế thấp đã giảm xuống, và Úc là quốc gia được hưởng lợi.

 

 

Ông Tadmore phân tích, thuế lâu nay không phải là một trong những lợi thế của nước Úc vì nước này có mức thuế doanh nghiệp cao.

 

 

Nhưng khi mức thuế doanh nghiệp toàn cầu tối thiểu là 15 phần trăm được áp dụng, thuế trở thành một yếu tố ít quan trọng hơn so với các yếu tố khác mà Úc đang có thế mạnh.

 

 

Các điểm mạnh này bao gồm hệ thống chính trị ổn định, một hệ thống pháp luật bảo vệ rất tốt các quyền và lợi ích doanh nghiệp, lực lượng lao động có trình độ học vấn và cơ sở hạ tầng tốt.

 

 

Theo chuyên này, giờ đây nước Úc sẽ không còn phải cạnh tranh trong việc thu hút đầu tư nước ngoài với các quốc gia phát triển với mức thuế suất doanh nghiệp rất thấp.

 

 

Mặt khác, chuyên gia tài chính của tập đoàn KPMG, Alia Lum, cho biết nước Úc cũng sẽ được hưởng lợi từ việc nhiều công ty trong nước Úc sẽ mở rộng hoạt động đầu tư và kinh doanh trong nước khi các quốc gia khác sẽ phải tăng thuế suất hoặc hủy bỏ một số ưu đãi đối với đầu tư nước ngoài.

 

 

Bà Alia nói thêm, mức thuế tối thiểu 15 phần trăm cũng làm giảm áp lực buộc Úc phải cắt giảm thuế doanh nghiệp, khi mức thuế suất đối với các tập đoàn lớn hiện là 30%, cao hơn so với mức trung bình của OECD là 23 phần trăm.

 

 

Tiến sĩ Tadmore, Chủ tịch Ban giám sát của Hiệp hội Tài chính Quốc tế (Alliance for Financial Inclusion - AFI), một tổ chức toàn cầu gồm các chuyên gia về thuế, cũng chỉ ra rằng việc loại trừ ''các ngành khai khoáng'' khỏi phạm vi cải cách thuế lần này là một chiến thắng cho Úc.

 

 

Ông nói, nếu không có việc loại trừ trên, các quốc gia như Trung Quốc hoặc Ấn Độ có thể đã tăng thuế đối với các công ty tài nguyên của Úc.