Nhiều nguồn tin đã nói với ABC rằng họ lo ngại về vấn đề an toàn tại nhà máy Whyalla Steelworks. (ABC News: Justin Hewitson)
NAM ÚC - Chủ sở hữu của nhà máy luyện thép Whyalla Steelworks, Tậ đoàn GFG Alliance, cho biết họ đang cắt giảm chi phí, bao gồm cả chi phí bảo trì tại nhà máy này, vì họ đang phải đối mặt với tình trạng giá thép sụt giảm trên toàn cầu.
Một phát ngôn viên của công ty cho biết, "Để vượt qua giai đoạn suy trầm của thị trường, chúng tôi đang cắt giảm chi phí cố định bao gồm cả chi phí bảo trì để điều chỉnh theo nhu cầu thấp hơn của thị trường.”
"Chúng tôi đang cắt giảm mọi khoản chi tiêu không cần thiết và ưu tiên các lĩnh vực trọng yếu về an toàn và thiết yếu cho sản xuất".
Diễn biến này diễn ra giữa lúc có một số nguồn tin đã lên tiếng báo động với ABC News về những lo ngại về an toàn tại nhà máy luyện thép.
Với điều kiện giấu tên, một cựu nhân viên của nhà máy thép đã nói với ABC News rằng ông lo sợ rằng ai đó sẽ "bị thương" vì công việc bảo trì phòng ngừa không được thực hiện đầy đủ.
Ông này nói, "Thật không may, ông Gupta, ông ấy có rất nhiều lời, nhưng tôi chưa thấy một hành động nào, ông ấy không chi 1 xu để làm bất cứ điều gì để cải thiện nhà máy đó".
Một phát ngôn viên của công ty do Sanjeev Gupta (trong ảnh) làm chủ cho biết vấn đề an toàn là mối quan tâm hàng đầu.
Chủ tịch điều hành của GFG Alliance, Sanjeev Gupta, đã mua nhà máy luyện thép vào năm 2017 sau khi nhà máy này đã phá sản.
Cựu nhân viên nói trên, đã nghỉ hưu tại nhà máy thép vào tháng Bảy, sau hơn 40 năm làm việc vì "thất vọng với cách họ (GFG) đối xử với mọi người, nhóm công nhân của tôi" và cho biết điều kiện làm việc của công nhân đang xấu đi.
"Tình hình không nên đến giai đoạn này, khi, bạn phải mang theo giấy vệ sinh của riêng mình, bạn không có người dọn dẹp để dọn nhà vệ sinh hoặc phòng ăn cơm.”
"Không thể điều hành một công ty trị giá hàng triệu đô-la bằng cách không trả tiền thuê người dọn dẹp.”
"Thật thảm hại."
Một nhà thầu tại địa phương cho biết công ty của ông đã giảm từ mức trung bình 360.000 đô-la tiền công mỗi tháng với nhà máy thép xuống "gần như không có gì" kể từ tháng Năm.
Ông cho biết, với điều kiện giấu tên, rằng "Họ đã bỏ tất cả các nhà thầu, vì vậy để vận hành nhà máy thành công, họ cần thêm người, nhưng họ chưa tuyển thêm vì họ không đủ khả năng chi trả, tôi đoán vậy.”
"Vì vậy, công việc bảo trì phù hợp cần thực hiện không thể thực hiện được với những người họ đang có".
Trong một tuyên bố, GFG Alliance cho biết an toàn vẫn là ưu tiên số một của họ.
"Trong khi chúng tôi không bao giờ coi nhẹ vấn đề an toàn, chúng tôi có thành tích đặc biệt an toàn trong toàn bộ các hoạt động tại Úc, bao gồm cả tại nhà máy luyện thép Whyalla, nơi chúng tôi đã cải thiện đáng kể vấn đề an toàn kể từ khi mua lại doanh nghiệp này".
Gary Henderson, Quyền thư ký của Liên đoàn Công nhân Úc (Australian Workers' Union) tại tiểu bang, cho biết liên đoàn "rất lo ngại về các biện pháp cắt giảm chi phí đối với hạ tầng cơ sở của nhà máy".
Ông nói "Thật không may, khi lò cao luyện thép ngừng hoạt động trong nhiều tháng và chịu áp lực tài chính đáng kể, họ chỉ cố gắng cắt giảm càng nhiều chi phí càng tốt".
Lò cao đốt than của nhà máy đã ngừng hoạt động hơn ba tháng hồi đầu năm nay khi đã bị nguội đi quá nhiều sau khi được tạm dừng theo kế hoạch để bảo trì.
Một chuyến hàng than cốc cho lò cao đã đến vào tuần đầu tháng Chín. (ABC News/Carl Saville)
Lò cao luyện thép của nhà máy cũng đã buộc phải ngừng hoạt động một loạt từ giữa tháng Tám sau khi hết than cốc.
Một chuyến hàng quan trọng đã đến Whyalla vào cuối tuần đầu tháng Chín.
Ông Henderson cho biết Liên đoàn Công Nhân Úc lo ngại về sự an toàn và phúc lợi của người lao động.
Ông Henderson cho biết, "Khi công nhân đi làm và họ thấy những thứ cần sửa chữa nhưng lại không được sửa chữa, về căn bản là dán một miếng băng keo lên đó rồi chuyển sang công việc tiếp theo, thì đó là công việc không nên có",
"Nó đang tạo ra một nơi làm việc không an toàn, và thành thật mà nói, GFG Alliance cần phải làm tốt hơn cho nơi làm việc trong nhà máy.”
"Tôi đã nghe nói về những lo ngại về an toàn liên quan đến đồ bảo hộ lao động, rằng công nhân đang gặp khó khăn trong việc có được mắt kính an toàn, công nhân đang gặp khó khăn ngay cả khi để có được găng tay".
Eddie Hughes, là nghị sĩ của địa phương, cho biết công nhân đã nêu lên với ông những lo ngại của họ về an toàn và "tình trạng của nhà máy".
Ông Hughes nói "Không có gì bí mật, bất kỳ ai làm việc ở nhà máy đó đều biết rằng mức độ bảo trì không tương xứng với bản chất của nhà máy và tuổi thọ của nhà máy".
"Đã có rất ít hoạt động bảo trì phòng ngừa trong một thời gian dài, thực sự một số hoạt động này đã diễn ra từ thời Arrium và thậm chí còn trước đó nữa.”
"Với một nhà máy cũ kỹ, đó là một mối lo ngại thực sự".
Nhà thầu, nhữ đã nhắc ở trên, cho biết ông lên tiếng ngay bây giờ vì "không còn gì khác mà họ có thể treo lơ lửng trên đầu chúng tôi vì công ăn việc làm đã dừng lại".
Một số người đã bày tỏ lo ngại rằng hoạt động bảo trì không theo kịp với tuổi đời của nhà máy. (ABC News: Justin Hewitson)
Nhà thầu này lo ngại tập đoàn GFG Alliance không còn ý định sản xuất thép tại nhà máy Whyalla và sẽ sớm tái cấu trúc mô hình hoạt động của mình.
Ông nói "Bất kể mục đích lâu dài của GFG Allinace là gì, chắc chắn là không sản xuất thép ở đây vì không có cách nào họ có thể tiếp tục hoạt động nhà máy này với số lượng nhân viên hiện tại".
"Người ta đồn rằng GRF Alliance sẽ vận chuyển phôi thép (sản phẩm thép bán thành phẩm) từ nước ngoài và làm ra thành phẩm bằng các máy cán thép của họ, vì vậy họ sẽ chỉ giữ lại các máy cán thép để sản xuất phôi thép ra thành thép thành phẩm".
GFG Alliance cho biết họ "đã đầu tư hơn 1 tỷ đô-la vào hoạt động của nhà máy luyện thép Whyalla kể từ năm 2017, và vẫn cam kết với các kế hoạch đầu tư vào việc sản xuất ra sắt và thép với ít khí thải".
Nhà thầu trên cũng kêu gọi chính quyền Nam Úc hành động nhiều hơn nữa.
Nhà thầu này nói "Có lẽ chính quyền tiểu bang đã hiểu được những gì đang xảy ra, vậy tại sao không có nỗ lực nào để Gupta chịu trách nhiệm nhiều hơn, rõ ràng là ông ta không quan tâm đến thị trấn này".
Vào tháng Tám, tập đoàn GFG Alliance đổ lỗi cho sự suy trầm toàn cầu của thị trường thép khi cắt giảm 48 việc làm tại nhà máy thép.
Một nhà thầu thứ hai ở địa phương đã xác nhận với ABC News rằng họ đã cắt giảm một lượng "đáng kể" lực lượng lao động của mình, hơn một chục nhân viên, do thiếu công việc cần làm tại nhà máy thép.