Tổng Chưởng Lý  Christian Porter thảo luận về các mức phạt cứng rắn hơn dành cho chủ doanh nghiệp trả lương thiếu cho công nhân. Nguồn: AAP

Tổng trưởng Tư pháp Christian Porter đã cảnh cáo các công ty Úc sau khi Coles trở thành doanh nghiệp mới nhất bị phát hiện trả thiếu tiền lương cho nhân viên.

Chuỗi siêu thị khổng lồ này đã trả thiếu 20 triệu đô la cho các nhân viên quản lý tại các siêu thị và cửa hàng bán rượu của mình trong 6 năm qua.

Highlights:

-Coles bị phát hiện trả thiếu 20 triệu đô la cho các nhân viên quản lý

-Tổng trưởng Tư pháp Christian Porter đề nghị các biện pháp mạnh mẽ hơn nhằm xử lý tình trạng trả lương thiếu

-Các hình thức bóc lột nhân công nghiêm trọng sẽ phải đối mặt với án tù và các khoản phạt đáng kể.

Vụ bê bối của Coles xảy ra cùng lúc với việc ông Porter công bố một văn bản dự thảo trong đó xem xét các biện pháp nhằm giải quyết tình trạng trả lương thiếu cho người lao động.

Dự thảo đề nghị hình phạt trong đó các chủ doanh nghiệp phải hiển thị một thông báo công khai thừa nhận sai phạm của mình. 

Các giám đốc của các công ty này có thể bị loại khỏi vị trí quản lý, đồng thời các doanh nghiệp thất bại trong việc ngăn chặn tình trạng trả lương thiếu có thể bị cấm tuyển dụng lao động nhập cư.

“Các doanh nghiệp Úc giờ đây chắc chắn đã nhận được thông điệp rằng họ cần vãn hồi trật tự trong nội bộ của họ,” ông nói.

“Bằng không họ hoàn toàn sẽ bị ép buộc trong tương lai bởi một bộ luật mạnh mẽ, cứng rắn và đầy đủ nhất về việc trả lương thiếu mà nước Úc từng chứng kiến.”

Ông Porter nhấn mạnh hình phạt đối với các công ty như Coles và Woolworths là không thể tránh khỏi dưới bộ luật mới chặt chẽ hơn.

Tuy nhiên, thủ lãnh đối lập Anthony Albanese muốn Liên đảng hành động nhiều hơn để ngăn chặn tình trạng trả lương thiếu ngày càng gia tăng tại Úc.

Ông nói “Họ sẵn sàng bảo vệ cho hành vi mà chúng ta đã thấy trở nên quá phổ biến,”

“Họ không có gì để nói về sự bóc lột này, nó là như vậy đấy.”

Chính phủ Morrison cũng sẽ đưa ra các dự luật mới trong những tuần tới nhằm hình sự hoá các hình thức bóc lột nhân công nghiêm trọng, với án tù và các khoản tiền phạt đáng kể.

Ông Porter cho biết mặc dù đa số các trường hợp trả lương thiếu là không cố ý, nhưng đây vẫn là một vấn đề nghiêm trọng vì nó thể hiện sự cẩu thả và không tuân thủ luật pháp tại nơi làm việc.

Ông nói “Điều đó không làm cho nó trở nên bớt tồi tệ hơn, đặc biệt là đối với những người bị trả lương thiếu.”

Các biện pháp mới đến từ Nhóm chuyên trách Lao động Nhập cư (Migrant Worker Taskforce), được thành lập hồi năm 2016 sau khi chuỗi cửa hàng tiện lợi 7-Eleven bị phát hiện trả lương thiếu cho nhân viên.

Chính phủ cũng đang cân nhắc tạo ra một vai trò chính thức cho Uỷ ban Fair Work để giúp hòa giải tranh chấp giữa các chủ doanh nghiệp và người lao động.