Báo cáo kêu gọi khởi động lại kế hoạch di dân vào Úc. Nguồn: Getty
Các nhà kinh tế kêu gọi chính phủ cho phép dòng di dân đi vào Úc ngay khi thấy an toàn, nói rằng sẽ có những hậu quả tài chính đáng kể nếu Úc không khôi phục được lượng di dân về mức trước đại dịch.
Trong vòng 20 năm trước khi đại dịch COVID-19 xảy ra, mỗi năm nguồn di dân chiếm tới 57% mức gia tăng dân số của Úc.
Trong cùng thời kỳ 2 thập niên đó, di dân đóng góp hơn 20% tỉ lệ tăng trưởng về năng lực sản xuất của nền kinh tế.
Nhưng việc đóng cửa biên giới quốc tế đã khiến số lượng di dân giảm xuống thấp nhất kể từ sau Đệ nhị Thế chiến, và các nhà kinh tế cảnh báo nếu không khôi phục nguồn di dân về mức trước COVID thì sẽ gây ra những hậu quả tài chánh trầm trọng.
Ông Tom Forrest là giám đốc điều hành tổ chức Urban Taskforce.
‘Có ba yếu tố thúc đẩy sự tăng trưởng kinh tế, còn được gọi là ba chữ Ps: đó là sự tham gia kinh tế, năng suất và dân số. Di dân đóng góp vào tất cả 3 yếu tố này và chỉ cần bạn mất đi bất kỳ phần nào trong 3 mặt này, thì bạn đang mất đi năng lực kinh tế của quốc gia’.
Một nghiên cứu mới do một tổ chức phi lợi nhuận và công ty B-I-S Oxford Economics tung ra nói di dân giảm sút do COVID-19 sẽ khiến dân số Úc mất đi 1,1 triệu người trong 10 năm tới.
Điều này sẽ dẫn đến một lực lượng lao động nhỏ hơn - ước tính chỉ còn khoảng 822.000 người vào trước năm 2024 – cũng như sẽ làm chậm mức độ tăng trưởng và giảm quy mô của nền kinh tế Úc xuống khoảng 80 tỷ đô-la.
Phúc trình nói trong số các thường trú nhân có tay nghề, có tới 92% tham gia vào thị trường lao động, trong khi so sánh với dân số trong độ tuổi lao động nói chung tại Úc, chỉ có 66% tham gia vào thị trường lao động, có nghĩa rằng nhóm thường trú nhân có tay nghề đóng thuế nhiều hơn số trợ cấp họ nhận.
Ông Forrest nói điều này đặc biệt cần thiết để trả các món nợ liên quan đến đại dịch của chính phủ cũng như tài trợ cho các dịch vụ khác.
‘Chúng ta đang có nhiều người bước sang tuổi 65 và rời khỏi lực lượng lao động, nhiều hơn số người 18 tuổi và tham gia lực lượng lao động, vì vậy chúng ta có trách nhiệm phải đánh thuế để chi tiêu vào việc chăm sóc sức khỏe cho nhóm nhân khẩu cao niên này, nhưng hiện nay lực lượng lao động có thể đóng thuế lại đang bị thu nhỏ. Đó là lý do tại sao chúng ta cần di dân nhằm củng cố quy mô của thuế vụ và củng cố quy mô của nền kinh tế, từ đó chúng ta có thể chi trả cho sự chăm sóc những người Úc cao niên, một sự chăm sóc mà họ đáng được hưởng.’
Bà Cath Scarth là giám đốc điều hành của cơ quan giáo dục, việc làm và định cư AMES.
Bà nói di dân đóng một vai trò quan trọng trong việc lấp đầy những công việc mà người Úc không đủ khả năng hoặc không muốn làm.
‘Các nhà tuyển dụng đến với chúng tôi và nói 'bạn có tuyển được ai không?', đặc biệt tại một vài lĩnh vực đang chứng kiến sự thiếu hụt kỹ năng rất lớn, chẳng hạn như chăm sóc người khuyết tật hoặc chăm sóc cao niên. Bạn biết đấy, ở Victoria chúng tôi còn phải làm rất nhiều để giúp tìm người cho các công ty kỹ thuật vì có quá nhiều công trình xây dựng đang mọc lên.’
Sinh viên quốc tế cũng rất quan trọng đối với sự phục hồi kinh tế của Úc.
Chính phủ các tiểu bang và vùng lãnh thổ đang nỗ lực tạo điều kiện cho các sinh viên quốc tế quay trở lại trước cuối năm nay, doanh thu từ nguồn này ước tính đã hỗ trợ hơn 240,000 việc làm tại địa phương trong năm 2018-19.
Nhưng Tổng trưởng Di trú Alex Hawke nói với SBS Punjabi rằng việc học tập của sinh viên quốc tế vẫn xảy ra trên mạng chứ chưa thể trở lại bình thường.
‘Úc có một nền giáo dục chất lượng cao mà mọi người có thể tiếp cận từ trong nước cũng như từ ngoại quốc, và lúc này mọi việc vẫn đang xảy ra tốt đẹp. Chúng tôi muốn nhìn thấy sinh viên và du khách quay lại, và tất cả những người khác nữa, ngay khi mọi thứ được an toàn và thiết thực, nhưng rất tiếc điều đó sẽ không xảy ra vào lúc này.’
Tỉ lệ di dân đang giảm xuống, đặc biệt tại New South Wales, nhà kinh tế trưởng Craig James của Commsec nói tiểu bang đang có tốc độ tăng trưởng kinh tế yếu ớt và dân số tăng chậm nhất trong vòng 25,5 năm.
‘Nếu tốc độ tăng dân số tiếp tục suy yếu, chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến nhu cầu về nhà ở, dù mua nhà hay xây nhà, cũng như sụt giảm nhu cầu đối với các dịch vụ bán lẻ. Việc này cũng ảnh hưởng đến giao thông và cơ sở hạ tầng nữa. Di dân quan trọng với nước Úc và chúng tôi muốn thấy nó được cải thiện theo thời gian.’
Còn bà Cath Scarth nói phần lớn công việc mà AMES thực hiện là hỗ trợ di dân trong quá trình định cư, tìm kiếm việc làm và cuối cùng là mua nhà tại Úc.
‘Họ mang nhiều khát vọng. Bạn biết đấy, di dân và người tị nạn là nhóm khao khát đóng góp trở lại cho cộng đồng, cũng như xây dựng cuộc sống sung túc cho gia đình họ, họ muốn làm việc và đóng góp càng nhanh càng tốt.’
Nhưng nhóm người này cũng có thể phải tham gia vào một thị trường bất động sản thậm chí còn khó định hướng hơn bao giờ hết.
Ông Tom Forrest nói các hội đồng thành phố thuộc Greater Sydney thông qua việc dòng di dân bị giảm mạnh trong dịch bệnh đã giảm bớt các mục tiêu quy hoạch đô thị, vốn cung cấp thêm nhà ở cho người dân.
Ông nay kêu gọi những mục tiêu quy hoạch này phải được tăng thêm trên khắp nước Úc, khi giá bất động sản tại các thành phố đã ngoài khả năng chi trả đối với nhiều người.
‘Nếu bạn giảm nguồn cung về nhà ở, thì rõ ràng điều này sẽ gây áp lực về giá nhà. Nếu có thêm di dân quay lại nữa, thì áp lực về giá nhà ở sẽ càng tăng cao. Đó là điều mà các chính phủ cần phải kiểm soát. Lĩnh vực tư nhân phát triển, lãi suất thấp và nhu cầu đang mạnh mẽ, mọi thứ đều đã sẵn sàng, để có thể xây dựng ngay bây giờ’.
Bà Cath Scarth nói việc đóng cửa biên giới quốc tế và tình hình bất định sẽ là một thách thức khiến khó thu hút di dân trở lại Úc.
‘Chúng tôi không chắc chắn khi nào người ta sẽ mở cửa trở lại, vì vậy có thể phải gần hai năm nữa chúng ta mới có thể đón một số lượng nào đó, có khả năng quay trở lại, ở mức trước đây. Bạn có thể tưởng tượng trong thời gian đó, những người ở nước ngoài, bạn biết đấy, với các kỹ năng thiết yếu, hoặc phụ huynh đang tìm trường học cho con cái họ, sẽ xem xét rất nhiều nơi khác, thay vì nước Úc, chỉ vì họ biết rằng không thể đi vào Úc lúc này.’
Ông Tom Forrest nói cần phải làm nhiều hơn nữa để bảo đảm những người này không đi nơi khác.
‘Chúng tôi không muốn bất kỳ nguy cơ dịch bệnh nào quay trở lại Úc, nhưng chúng tôi muốn các chính phủ suy nghĩ một cách chủ động về biện pháp đưa những di dân có tay nghề cao, những di dân giữa visa tạm thời quay về Úc an toàn, đặc biệt là khi họ đã được tiêm chủng, và thực hiện các bước đi tiếp theo nhằm khôi phục số lượng di dân.’
Chương trình di trú của chính phủ liên bang sẽ được công bố trong Ngân sách vào ngày 11/5 tới.