Nguồn: SBS

 

 

AUSTRALIA - Chính phủ Úc sẽ sớm trình dự luật về cấm trẻ em dưới 16 tuổi sử dụng mạng xã hội. Nếu được thông qua, luật sẽ có hiệu lực sau 12 tháng, hạn chế quyền truy cập vào các nền tảng như Facebook, Instagram, TikTok và YouTube. Vậy liệu người lớn có phải cung cấp giấy tờ tùy thân cho các nền tảng mạng xã hội do trẻ em phải xác minh độ tuổi hay không?

 

Các bộ trưởng liên bang đã viết thư cho các nhóm phụ huynh và trường học về kế hoạch cấm trẻ em dưới 16 tuổi sử dụng mạng xã hội.

 

Chính phủ sẽ sớm trình dự luật này, hướng đến những lợi ích tương tự như lệnh cấm điện thoại di động trong trường học.

 

Nếu được thông qua, luật sẽ có hiệu lực sau 12 tháng, hạn chế quyền truy cập vào các nền tảng như Facebook, Instagram, TikTok và YouTube.

 

Các nguồn tài nguyên giáo dục và sức khỏe trực tuyến vẫn có thể truy cập được.

 

Các thử nghiệm về hệ thống xác minh độ tuổi đang được tiến hành và dự kiến kết thúc vào đầu năm 2025.

 

Sáng ngày 13/10, Đài phát thanh ABC đã hỏi Thủ tướng Anthony Albanese rằng liệu người lớn có phải cung cấp giấy tờ tùy thân cho các nền tảng mạng xã hội do trẻ em phải xác minh độ tuổi hay không.

 

Thủ tướng Albanese đã trả lời về vấn đề này như sau:

“Chúng ta có một năm cho việc này, và một trong những điều chúng tôi đang làm là tiến hành thử nghiệm cũng như xác minh độ tuổi. Đó là lý do tại sao chúng tôi cần thời gian để thử nghiệm, để bảo đảm rằng chúng tôi làm đúng, và không có hậu quả ngoài ý muốn."

 

 

Tuần qua, nội các đã đồng ý giới hạn độ tuổi sử dụng mạng xã hội là 16 tuổi, Thủ tướng Anthony Albanese đã đưa đề xuất này lên các tiểu bang tại cuộc họp nội các Quốc gia vào thứ Sáu ngày 8/11.

 

Ông Albanese cho biết việc ban hành luật cấm sẽ đặt trách nhiệm lên các nền tảng mạng xã hội để hạn chế trẻ em truy cập, giảm bớt áp lực cho các gia đình.

 

Tuy nhiên, hiện có nhiều ý kiến tranh cãi xung quanh vấn đề này.

 

Mia Richardson, 14 tuổi, không thể nhớ nổi cuộc sống của mình trước khi có mạng xã hội. Cô bé nằm trong số ngày càng nhiều thanh thiếu niên vốn xem mạng xã hội là một phần trong cuộc sống của mình.

Mia cho biết, “Lớn lên cùng mạng xã hội, em nghĩ mạng xã hội đã thay đổi rất nhiều quan điểm của em và bạn bè em. Chúng em đã dần quen với mạng xã hội, sẽ rất khó để loại bỏ nó ngay lập tức”.

 

Jesse Alexander-Gordon đang học lớp 12, bản thân cũng sử dụng mạng xã hội, ch biết mặc dù nhiều người sử dụng mạng xã hội vì những lý do chính đáng, em vẫn nghĩ rằng các công ty truyền thông xã hội cần phải hành động nhiều hơn để bảo vệ những người trẻ tuổi dễ bị tổn thương.

 

Và tiếp theo là câu chuyện của Liv Evans. Năm 14 tuổi, Liv Evans đã có tài khoản mạng xã hội đầu tiên.

 

Thế nhưng, cô bé đã không thể sống đến sinh nhật lần thứ 16 của mình.

 

Ông Robb Evans, cha của Liv, nói “Mọi chuyện bắt đầu bằng một số vụ bắt nạt ở trường, và sau đó trở nên đen tối với mạng xã hội. Không phải bắt nạt trên mạng, mà tình hình ngày càng trở nên tồi tệ hơn khi con bé dùng mạng xã hội xung quanh vấn đề hình ảnh cơ thể bản thân, tìm cách để trở nên tốt hơn, và cuối cùng thì con bé tìm cách kết thúc cuộc đời mình, trên mạng xã hội.”

 

 

Cha của Liv là một trong số nhiều người ủng hộ việc giới hạn độ tuổi sử dụng mạng xã hội.

 

Thủ hiến Nam Úc, Peter Malinauskas, cho biết bằng chứng về tác hại của mạng xã hội đối với giới trẻ là rõ ràng.

“Đã đến lúc các chính phủ vào cuộc và hành động. Chúng ta không thể để các công ty truyền thông xã hội công nghiệp hóa chứng nghiện của những người trẻ tuổi vì lợi ích tài chính của họ, mà không quan tâm đến việc trẻ em được nuôi dạy như những gì chúng xứng đáng được hưởng. Để có những mối quan hệ lành mạnh, để có cảm giác lạc quan về bản thân và tương lai của mình.  Và đó là lý do tại sao chúng ta sẽ hành động.”

 

 

Trong khi đó, Tiến sĩ Stephanie Wescott, đến từ Khoa Giáo dục, Văn hóa và Xã hội thuộc Đại học Monash, cảnh báo lệnh cấm có thể gây ra những hậu quả không mong muốn.
 

“Đối với nhiều người trẻ, đặc biệt là những người trẻ có bản sắc thiểu số, phương tiện truyền thông xã hội là một nơi thực sự quan trọng đối với họ. Đó là nơi họ có thể kết nối, giao lưu và thực hiện nhiều công việc hình thành bản sắc. Vì vậy, việc loại bỏ không gian này có thể gây hại cho những người trong cộng đồng đó."

 

 

Giáo sư về Khoa học Thông tin tại Đại học RMIT, Lisa McGivern, cho biết vẫn chưa rõ lệnh cấm sẽ hoạt động như thế nào.
 

“Tất cả chúng ta có thể sẽ phải xác minh được độ tuổi của mình và chứng minh rằng mình đã đủ tuổi để sử dụng các nền tảng này. Ví dụ như tải ID lên một trang web kỹ thuật. Trong một số trường hợp, có những công nghệ mới về việc xác định độ tuổi khi nhìn vào khuôn mặt của một người nào đó, nhưng rất nhiều tính năng kỹ thuật này vẫn đang trong quá trình phát triển.”

 

 

Trong lúc chờ dự luật được thông qua, nếu thực hiện thành công, Úc sẽ là quốc gia đầu tiên áp dụng giới hạn độ tuổi tối thiểu cho việc sử dụng mạng xã hội.