Đại diện Việt Nam, Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương đã thẳng thắn đưa ra 4 lập luận rõ ràng, khẳng định cáo buộc của nguyên đơn trong vụ việc này là thiếu căn cứ, đề nghị Ủy ban Chống bán Phá Giá Úc Đại Lợi- ADC- xem xét làm rõ trước khi đưa ra quyết định điều tra hay không.

 

 

Trước đó, ngày 29/4/2020, Ủy ban Chống bán phá giá Australia - ADC đã thông báo nhận Đơn kiện chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với dây đai thép phủ màu (painted steel strapping) của Việt Nam và Trung Quốc.

 

Trong vụ việc này, nguyên đơn cáo buộc các chương trình trợ cấp của Chính phủ Việt Nam đã bóp méo thị trường, tạo ra lợi thế chi phí thấp để doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu bán phá giá sang thị trường Úc Đại Lợi.

 

Ngay sau khi nhận được thông tin, Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương Việt Nam đã nghiên cứu đơn kiện; đối chiếu và phân tích với các quy định pháp luật của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và thực tiễn kinh nghiệm điều tra của các nước.

 

Ngày 15/5/2020, Cục Phòng vệ thương mại đã gửi bản lập luận tới ADC phản bác các cáo buộc thiếu căn cứ của nguyên đơn với các nội dung chính như sau:

 

Thứ nhất, Cục Phòng vệ thương mại đề nghị ADC xem xét đảm bảo nguyên đơn có đủ tư cách đại diện cho ngành sản xuất trong nước và thẩm định tính đầy đủ và chính xác của các bằng chứng do nguyên đơn cung cấp; không chấp nhận các bằng chứng lập luận chủ quan thiếu căn cứ, không có cơ sở của nguyên đơn.

 

Thứ hai, Cục Phòng vệ thương mại khẳng định ngành thép của Việt Nam hoạt động theo cơ chế thị trường, Chính phủ không có sự can thiệp làm lệch lạc thị trường. Cục Phòng vệ thương mại cũng dẫn chiếu đến một vụ việc điều tra tương tự của Cơ quan điều tra Canada tiến hành vào năm 2018 đối với sản phẩm ống thép hàn các-bon nhập khẩu từ Việt Nam để cho thấy kết luận khách quan của cơ quan điều tra nước ngoài về việc Chính phủ Việt Nam không có sự can thiệp và kiểm soát giá đối với sản phẩm thép.

 

Thứ ba, Cục Phòng vệ thương mại cho rằng các lập luận của nguyên đơn còn sơ sài, thiếu căn cứ pháp lý, không có tính logic, không đủ căn cứ kết luận ngành sản xuất của Úc chịu thiệt hại đáng kể do hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam.

 

Thứ tư, Cục Phòng vệ thương mại nhấn mạnh do nguyên đơn là nhà sản xuất duy nhất trong nước, sự bảo hộ đối với nguyên đơn có thể tạo ra sự độc quyền của nguyên đơn trên thị trường Úc. Người tiêu dùng Úc Đại Lợi sẽ chịu thiệt hại do không thể lựa chọn hàng hóa có chất lượng tốt và giá cả phải chăng từ các nguồn khác nhau. Vì vậy, ADC cần cân nhắc đến tác động tiêu cực của biện pháp tới lợi ích kinh tế xã hội của Úc.

 

ADC đã tiếp nhận các ý kiến của Cục Phòng vệ thương mại và sẽ ra quyết định chấp nhận hoặc bác bỏ đề nghị khởi xướng điều tra của nguyên đơn vào khoảng cuối tháng 5 năm 2020. Cục Phòng vệ thương mại sẽ tiếp tục phối hợp với Hiệp hội Thép Việt Nam và các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu để theo dõi và xử lý các vấn đề phát sinh của vụ việc.