Hiện trường vụ cháy rừng tại Taree, New South Wales, Australia. Ảnh: THX/ TTXVN
(Theo BNEWS.VN)
Nghiên cứu của Quỹ Bảo vệ Thiên nhiên Quốc tế (WWF) cho hay, trong vòng 30 năm tới, kinh tế Úc sẽ bị ảnh hưởng lớn thứ năm trên thế giới do biến đổi khí hậu, sau Mỹ, Nhật Bản, Anh và Ấn Độ.
Nghiên cứu mới nhất của WWF cho biết, biến đổi khí hậu là mối đe dọa lớn đối với sự ổn định tài chính của Úc và có thể khiến nước này thiệt hại ít nhất 29 tỷ AUD (19,43 tỷ USD) mỗi năm trong điều kiện các hoạt động sản xuất vẫn diễn ra bình thường.
Nghiên cứu trên cho hay, trong vòng 30 năm tới, kinh tế Úc sẽ bị ảnh hưởng lớn thứ năm trên thế giới, sau Mỹ, Nhật Bản, Anh và Ấn Độ, do không có các hành động đối phó với biến đổi khí hậu.
Sử dụng mô hình kinh tế và môi trường mới để đánh giá tác động của biến đổi khí hậu trong điều kiện kinh doanh bình thường, các nhà phân tích nhận định Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Úc sẽ mất 29 tỷ AUD/năm vào năm 2050.
Kinh tế gia Joshua Bishop của Tổ chức WWF Úc cho rằng, những hàng rào bảo vệ bờ biển đang bị xói mòn ước sẽ gây ra tới 98% tổng thiệt hại kinh tế ở Australia trong tương lai.
Bà Bishop nói thêm các rặng san hô, rừng ngập mặn, rong biển và đầm lầy lớn ngăn sự di chuyển của nước và bảo vệ dân cư chống lại hiện tượng nước dâng do bão, nhưng chúng hiện đang dần suy thoái.
Là một quốc gia mà hầu hết dân số, cơ sở hạ tầng và các hoạt động dịch vụ đều tập trung tại các khu vực ven biển, Úc sẽ dễ bị tổn thương do mực nước biển dâng cao hoặc các các cơn bão lớn.
Nghiên cứu của WWF cũng cho thấy các số liệu có thể còn tồi tệ hơn nếu tính cả tác động của cuộc khủng hoảng cháy rừng vừa xảy ra tại Úc.
Nghiên cứu cho biết trong năm vừa qua, thế giới đã chứng kiến những hiện tượng tự nhiên khắc nghiệt. Nguồn cung nước giảm, các loại côn trùng thụ phấn như ong cũng giảm, đồng nghĩa với việc ngành nông nghiệp tiếp tục bị ảnh hưởng.
Trong thời gian tới, giá một số mặt hàng lương thực chủ chốt có thể tăng gần 10%. Giá gỗ dự kiến tăng 8%, bông tăng 6%, hạt cải dầu tăng 4%, trong khi giá trái cây và rau quả tăng 3%...
Mặc dù vậy, nghiên cứu chỉ ra rằng môi trường sẽ được cải thiện nếu các quốc gia ưu tiên sử dụng các thiết bị kỹ thuật thân thiện với môi trường, phát triển năng lượng tái tạo và tăng cường hành động vì khí hậu.
Việc chú trọng bảo vệ các nguồn tài nguyên và vùng ven biển cũng giúp các quốc gia, đặc biệt là Úc, tiết kiệm được hàng tỷ USD do suy giảm kinh tế.
Tổng giám đốc Tổ chức WWF Quốc tế, Marco Lambertini, kêu gọi thế giới cần hành động khẩn cấp để tránh những hệ lụy có thể xảy ra đối với nền kinh tế toàn cầu.
Ông Lambertini nói nghiên cứu đột phá này cho thấy bảo tồn thiên nhiên không chỉ là vấn đề đạo đức mà còn là vấn đề xã hội và kinh tế. Ông khẳng định người dân trên khắp thế giới đã chứng kiến tác động của biến đổi khí hậu thông qua việc giá lương thực tăng, hạn hán, thiếu hụt hàng hóa, lũ lụt cực đoan và xói mòn bờ biển…
Tuy nhiên, đối với các thế hệ tiếp theo, mọi thứ sẽ trở nên tồi tệ hơn nhiều lần, với hàng nghìn tỷ USD bị “trôi tuột” khỏi nền kinh tế thế giới vào năm 2050.