AUSTRALIA - Ngày 19/9, Bộ trưởng Quốc phòng Úc, Peter Dutton, cho biết Canberra đã “thẳng thắn, cởi mở và trung thực” với Paris về những lo ngại của họ về một thỏa thuận mua tàu ngầm lớn của Pháp trước khi phá bỏ hợp đồng.

 

 

 

Úc quyết tâm chi đậm để thay thế hạm đội tàu ngầm già cỗi của nước này.

 

 

 

 

Phát biểu với kênh truyền hình Sky News, Bộ trưởng Dutton cho biết chính phủ của ông đã “thẳng thắn, cởi mở và trung thực” với Pháp rằng họ lo ngại về thỏa thuận trên, vốn vượt quá ngân sách và chậm hơn nhiều năm so với kế hoạch. Ông nhấn mạnh: “Với tình hình thay đổi ở Ấn Ðộ Dương - Thái Bình Dương, không chỉ bây giờ mà trong những năm tới, chúng tôi phải đưa ra quyết định vì lợi ích quốc gia của chúng tôi và đó chính xác là những gì chúng tôi đã làm”.

 

 

Ông Dutton cũng xác nhận Úc có thể xem xét thuê hoặc mua tàu ngầm hiện có từ Mỹ hoặc Anh để thu hẹp khoảng cách cho đến khi các tàu ngầm tự chế của nước này được bàn giao vào cuối năm 2030.

 

 

Truyền thông tại Úc cũng dẫn lời của Thủ tướng Scott Morrison cho biết ông không hối hận về quyết định đặt lợi ích của đất nước lên trên hết sau khi huỷ hợp đồng tàu ngầm với Pháp.

 

 

Thủ tướng Scott Morrison nhấn mạnh và không tiết lộ chi phí của hợp đồng mới, chỉ nói đó không phải là dự án giá rẻ. Ông nói "Tôi không hối tiếc về quyết định đặt lợi ích quốc gia của Úc lên trước tiên. Đây là vấn đề mà tôi đã đưa ra thảo luận trực tiếp vài tháng trước và chúng tôi tiếp tục nói về vấn đề đó, bao gồm cả các bộ trưởng quốc phòng và những người khác. Tôi hiểu sự thất vọng của Pháp nhưng Úc phải luôn đưa ra quyết định tốt nhất".

 

 

Ông Morrison cho biết mình đã thông báo cho Pháp về thỏa thuận mới lúc 20 giờ 30 phút ngày 15/9. Sau đó, ông Morrison, Tổng thống Mỹ, Joe Biden, và Thủ tướng Anh, Boris Johnson, công bố nó lúc 7 giờ sáng 16/9 (giờ Canberra).

 

Theo ông Dutton, Canberra không thể mua các tàu của Pháp vì đòi hỏi phải sạc pin trong khi các tàu ngầm của Mỹ thì không cần.

 

 

Trước đó, Pháp đã rất tức giận trước quyết định của Úc rút khỏi thỏa thuận mua tàu ngầm của Pháp trị giá nhiều chục tỉ USD để quay sang mua các tàu chạy bằng năng lượng hạt nhân của Mỹ. Paris đã triệu hồi các đại sứ từ Canberra và Washington về nước để tham vấn, đồng thời cáo buộc các đồng minh “nói dối” về kế hoạch của họ. Ðây là lần đầu tiên Pháp triệu hồi đại sứ từ Mỹ kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ vào năm 1778.

 

 

 

 

Một quan chức của Tòa Bạch Ốc cho biết chính quyền của Tổng thống Joe Biden lấy làm tiếc về động thái của Pháp và sẽ làm việc với Pháp trong những ngày tới để giải quyết những bất đồng của họ.  Về phần mình, Ngoại trưởng Úc, Marise Payne, cho biết bà hiểu “sự thất vọng” của Pháp và hy vọng sẽ làm việc với Pháp để đảm bảo nước này hiểu “giá trị mà chúng tôi đặt lên mối quan hệ song phương”.

 

 

 

Trong diễn biến lên quan, Tổ chức Hiệp ước Bắc Ðại Tây Dương (NATO) đã hạ thấp nguy cơ xảy ra tranh chấp trong liên minh giữa Pháp với Mỹ và Úc, khi nói rằng vụ việc này không có khả năng ảnh hưởng đến hợp tác quân sự trong khối.

 

 

 

Phát biểu với báo giới tại thủ đô Athens (Hy Lạp), Chủ tịch Ủy ban quân sự NATO, Ðô đốc Rob Bauer nói: “Có thể có những tác động hoặc hậu quả, nhưng vào lúc này tôi không thấy việc này sẽ có tác động đến sự gắn kết trong nội bộ NATO. Trước hết, Úc là một đối tác nhưng không thuộc NATO. Có nhiều thỏa thuận giữa các quốc gia có thể ảnh hưởng đến NATO về mặt chính trị. Tuy nhiên, hiện tại điều này sẽ không ảnh hưởng đến sự hợp tác quân sự trong liên minh NATO”.