Bộ Trưởng Thương Mại, Simon Birmingham, nói chuyện trong một cuộc họp báo tại Nghị Viện ở thủ đô Canberra. Nguồn : AAP
Trung Quốc đã không hồi đáp những yêu cầu đàm phán thương mại từ phía Úc, liên quan đến việc xuất cảng thịt bò và lúa mạch.
Tổng trưởng Thương mại Simon Birmingham hôm thứ Tư xác nhận rằng người tương nhiệm Trung Quốc đã không trả lời các yêu cầu hội đàm từ phía Úc.
-Trung Quốc đổ lỗi cho các vi phạm về nhãn mác dẫn đến quyết định ngừng nhập thịt bò từ bốn công ty Úc
-Hoàn cầu Thời báo gọi đây là hồi chuông cảnh tỉnh cho nước Úc
-Tổng trưởng Thương mại Simon Birmingham cho biết Bắc Kinh vẫn chưa trả lời các yêu cầu hội đàm từ Canberra
“Tôi không biết vì sao điều đó vẫn chưa xảy ra. Tôi cởi mở, sẵn sàng gặp gỡ và thảo luận bất cứ khi nào chúng tôi có thể,” ông nói với Nine Network.
“Tôi đã yêu cầu một cuộc thảo luận với người tương nhiệm của mình, điều đó vẫn chưa xảy ra, nhưng chúng tôi sẽ giữ cho các đường dây liên lạc mở."
Bang giao giữa hai quốc gia đã trở nên căng thẳng sau khi Thủ tướng Scott Morrison thúc đẩy một cuộc điều tra toàn cầu về nguồn gốc của đại dịch coronavirus.
Trung Quốc nói rằng một số vi phạm trong nhãn mác đã khiến họ quyết định ngừng nhập sản phẩm của bốn công ty – JBS Dinmore, JBS Beef City, Kilcoy và Northern Cooperative Meat Company – chiếm đến 35% lượng xuất cảng thịt bò Úc.
Khoảng 18% sản lượng thịt bò Úc được xuất cảng sang Trung Quốc, trị giá hơn $3 tỷ đô la mỗi năm.
Hôm Chủ Nhật, Trung Quốc cũng đe doạ áp thuế 80% đối với lúa mạch Úc.
Phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên phủ nhận mối liên hệ giữa những hành động trênvà việc Canberra kêu gọi điều tra độc lập về đại dịch COVID-19.
Thế nhưng dân biểu đảng Quốc gia George Christensen cáo buộc Trung Quốc đã bắt nạt và chèn ép Úc.
Ông nói “Tôi rất lo lắng về những gì Trung Quốc đang làm vào lúc này, họ đang làm hại các ngành kỹ nghệ chính của chúng ta, tất cả đều là hành động bắt nạt và chèn ép, và điều này không thể tiếp tục”.
Cựu Đại sứ Hoa Kỳ tại Liên Hiệp Quốc Nikki Haley cũng chỉ trích các động thái thương mại của Trung Quốc đối với nỗ lực điều tra toàn cầu của Úc.
Bà nói “Đây là hành động của Trung Quốc đối với Úc bởi vì họ đã yêu cầu một cuộc điều tra về Tổ chức Y tế Thế giới,”
“Mục tiêu của mọi quốc gia là trở nên ít phụ thuộc vào Trung Quốc hơn để những hành động như thế này trở nên vô dụng.”
Những căng thẳng thương mại mới đã làm dấy lên lo ngại rằng các ngành kỹ nghệ khác của Úc có thể bị nhắm mục tiêu.
Hãng truyền thông nhà nước Trung Quốc, Hoàn cầu Thời báo, viết rằng các hành động này không có nghĩa là Trung Quốc đang trừng phạt kinh tế Úc, nhưng Úc cũng cần phải lưu tâm.
“Đây là một lời cảnh tỉnh cho Úc để xem xét lại các mối liên hệ kinh tế với Trung Quốc,” tờ báo viết.
“Trong khi Trung Quốc là lựa chọn duy nhất để Úc xuất cảng hàng hoá với số lượng lớn, Úc không nhất thiếtphải là lựa chọn duy nhất cho Trung Quốc.”
Chủ tịch Liên đoàn Nông dân Quốc gia Fiona Simson nói rằng sự gián đoạn xuất cảng là đáng lo ngại.
Bà nói “Chúng tôi thừa nhận trong các mối quan hệ lớn như giữa Úc và Trung Quốc, đôi khi các vấn đề sẽ phát sinh,”
“Khi điều đó xảy ra, điều quan trọng là cả hai phía hợp tác với nhau một cách tôn trọng, càng sớm càng tốt, giải quyết thách thức để đạt được kết quả thỏa đáng cho cả đôi bên.”
Hồi đầu tháng này, đại sứ Trung Quốc tại Canberra cảnh báo người dân Đại lục có thể sẽ ngừng mua thịt bò Úc nếu Thủ tướng Scott Morrison tiếp tục kêu gọi điều tra.
Ông Zhao nói “Vấn đề về nguồn gốc và sự lây lan của virus cần được các chuyên gia y tế đánh giá một cách khoa học,”
“Các động thái chính trị trong bối cảnh đại dịch sẽ chỉ làm gián đoạn hợp tác quốc tế nhằm chống lại virus và sẽ không giành được bất kỳ sự ủng hộ nào.”
Tổng trưởng Thương mại Simon Birmingham nói rằng ông hy vọng việc Úc thúc đẩy điều tra về coronavirus sẽ không ảnh hưởng đến các thoả thuận xuất cảng thịt bò và lúa mạch.