James Pearson, Giám đốc điều hành của Sở Thương Mại và Kỹ Nghệ Úc Đại Lợi ( Australian Chamber of Commerce and Industry), nguồn: SBS

 

 

 

 

Ngân sách của Tổng Trưởng Ngân Khố Josh Frydenberg không thiếu sự ủng hộ của giới doanh nghiệp, thế nhưng những nhà tranh đấu cho ngoại viện và những bất lợi trong lãnh vực nầy nói rằng, bản ngân sách thiếu sót về nhiều điểm. Đó là một số phản ứng sơ khởi về bản ngân sách mới được công bố.

 

 

Ngân sách 2020 đã được phần lớn cộng đồng doanh nghiệp hoan nghênh, thế nhưng một số khác lại đưa ra những lời cảnh cáo.

 

Ông James Pearson, Chủ tịch Phòng Thương mại và Kỹ Nghệ Úc Châu ủng hộ nhu cầu cho các chủ doanh nghiệp chấp nhận các nguy cơ.

 

Ông cho biết đây là một bản ngân sách tốt cho các doanh nghiệp đã hoạt động từ trước nữa.

 

 

Ông James Pearson nói “Chúng tôi biết các doanh nghiệp trước đây đã từng làm ăn phát đạt, cho đến khi xảy ra đại dịch coronavirus và bị lỗ lã trong năm nay. Họ có thể mang số lỗ đó, bù vào số tiền đã lời lãi trong năm trước".

 

“Đó là việc gia tăng tiền mặt trực tiếp cho họ và giúp họ có thể vay mượn tiền bạc để mua trang thiết bị và đầu tư”.

 

Tuy nhiên có những phỏng đoán cho rằng, việc di dân từ hải ngoại vào Úc sẽ giảm sụt và mức phát triển dân số Úc sẽ chậm lại.

 

Ông James Pearson nói “Đó là vấn đề, vì trong khi chúng ta có thể đẩy mạnh năng suất qua các biện pháp mà tôi đã lưu ý, và chúng ta khuyến khích việc tham gia qua các biện pháp đó, thì chúng ta cần có dân số gia tăng".

 

“Chúng ta cần một mức phát triển dân số mạnh mẽ tại nước Úc, để chúng ta có thể giữ vững mức phát triển kinh tế vững chắc trong tương lai”.

 

Thế nhưng phân tích gia thuộc tổ chức Deloitte, ông Chris Richardson, cho rằng, nạn thất nghiệp là một chủ đề mà bản ngân sách cố gắng đề cập đến.

 

 

Ông Chris Richardson nói “Giảm dân số không phải là một vấn đề, nó là một sự nôn nao lớn".

 

"Vấn đề mà chính phủ đã nói một cách chính xác, là thất nghiệp".

 

"Chúng ta biết câu chuyện lâu đời nhất trong kinh tế học, thất nghiệp tăng nhanh và giảm chậm, thì quí vị hoàn toàn phải chiến đấu trở lại trên con đường việc làm”.

 

Còn bà Jenifer Westacott, là Chủ tịch Hội đồng Doanh nghiệp Úc Châu,  cho rằng tạo ra việc làm là câu trả lời.

 

Bà Jenifer Westacott nói "Đây rõ ràng là kế hoạch ngân sách đúng đắn vào đúng thời điểm, nó sẽ gia tăng sự tin tưởng và tạo niềm cảm hứng ở người dân Úc".

 

"Nó làm cho tiền bạc được chi tiêu vào việc hỗ trợ để kiến tạo công việc, hay đưa người ta trở lại làm việc và giúp các doanh nghiệp đi đúng đường”

 

 

Trong khi đó, ông Ian Yates,  là Chủ tịch của Hội đồng Người Cao Niên (Council on the Ageing), đại diện cho những người cao tuổi Úc nói rằng, có 2 biện pháp kích thích cho tiền già sẽ rất được hoan nghênh.

 

Ông cho biết, kế hoạch có thêm 23 ngàn việc chăm sóc tại gia rất đáng hoan nghênh, thế nhưng đây chỉ là mới bắt đầu.

 

Ông  Ian Yates nói “Kế hoạch không hữu hiệu để giảm bớt danh sách chờ đợi xuống còn 30 ngày, thế nhưng đó là một bước lớn lao đầu tiên dẫn đến sự đầu tư. Chúng tôi trông đợi nó sẽ được tiếp nối, trong bản ngân sách vào tháng  Năm”.

 

 

Ông cho biết rất mong đợi sẽ có thêm các trợ giúp trong việc chăm sóc cao niên vào tháng Năm, theo sau việc công bố phúc trình chung cuộc của Ủy hội Hoàng gia Điều tra về Chăm sóc Người Cao niên.

 

Ông nói rằng, trong khi ông ca ngợi nhu cầu cuả các công nhân trẻ tuổi được giúp đỡ trong thời buổi đại dịch hiện tại, thì ông quan ngại rằng các công nhân cao tuổi không được đối xử một cách công bằng.

 

 

Ông nói thêm “Có các biện pháp nhằm hỗ trợ cho những người trẻ, mà chẳng có các kế hoạch song song cho các công nhân cao tuổi, sẽ khiến cho việc phục hồi kinh tế khó khăn hơn”.

 

 

Còn ông Tony March, là chủ tịch của Liên đoàn Nông Gia Úc Châu,  nói rằng đó là bản ngân sách có tính cách tích cực cho nông dân.

 

 

Ông cho biết, chính phủ đã nhìn nhận rằng các nông dân, cùng những cộng đồng nông thôn và địa phương có thể giúp khởi phát việc hồi phục, sau một thời gian bị cháy rừng, lụt lội và nạn hạn hán trầm trọng.

 

 

Ông Tony March nói “Những gì chúng ta cần giúp trong việc nầy, đó là hạ tầng cơ sở".

 

'Vì vậy ngân khoản 2 tỷ đô-la sẽ dành cho các dự án về nước và ngành xây dựng, chúng ta sẽ xây dựng các đập nước ".

 

"Chúng ta thực sự cần các đập nước nầy, để có thể phát triển lương thực và vải sợi mà người dân Úc đòi hỏi, cũng như cộng đồng quốc tế cần đến”.

 

 

Ông cũng hoan nghênh sáng kiến cung cấp cho những người trẻ Úc là 6 ngàn đô-la để lấy một năm để làm việc trong các cộng đồng nông thôn và không chỉ là người dân Úc không thôi.

 

 

Ông Tony March nói  “Cho những người hiện có visa thêm hai ngàn đô-la, để có thể đi lại và có chỗ ở, trả tiền cho những tiện nghi tại các cộng đồng nông thôn hay địa phương, việc nầy sẽ giúp cho thực phẩm và vải sợi được mang đến các siêu thị, cũng như lên bàn ăn của mỗi gia đình”.

 

 

Trong khi đó, ông Mark Purcell thuộc Hội đồng Úc Châu về Phát triển Quốc tế,  cho biết  ông cho bản ngân sách một điểm B cộng, bởi vì nó tạo ra một nỗ lực mạnh mẽ để giúp đỡ các nước ở Thái Bình Dương, qua kế hoạch trợ giúp thêm trị giá 304 triệu đô-la để đối phó với đại dịch COVID-19.

 

Thế nhưng ông nói rằng, Úc nên cố gắng nhiều hơn tại Á Châu.

 

 

“Á Châu hết sức quan trọng đối với tương lai của nước Úc".

 

Ông Mark Purcell nói "Mọi quan hệ giao thương của chúng ta trong tương lai sẽ dựa vào Đông Nam Á và chúng ta không thấy những nỗ lực thực sự khi đề cập đến các hậu quả của COVID-19, cả về mặt y tế lẫn kinh tế trong số các nước láng giềng quan trọng của chúng ta ở vùng nầy”.

 

Ông cho biết có sự sụt giảm nhỏ trong việc tài trợ và trợ giúp cho các nước ở Tây Á, những cắt giảm cho Hồng Thập Tự Quốc tế, cũng như không tăng việc tài trợ cho Tổ Chức Y Tế Thế Giới - WHO.