Tòa Án Liên Bang đã ra phán quyết rằng lệnh cấm xuất cảng gia súc sống năm 2011 là vô lý và vô hiệu lực. (Nguồn: AAP)

 

Các nhà chăn nuôi gia súc ở Lãnh thổ phía Bắc đang tiến đến cơ hội được đền bù số tiền đáng kể, sau khi Tòa án Liên bang ra phán quyết rằng việc đình chỉ xuất cảng mục súc sống của chính phủ Lao Động hồi năm 2011 là "vô lý".

 

Cựu Bộ trưởng Nông nghiệp, Thượng nghị sĩ Joe Ludwig, hồi tháng 6 năm 2011 đã ký quyết định đình chỉ buôn bán gia súc sống đến Indonesia trong sáu tháng, sau khi một chương trình của ABC Four Corners phát sóng cảnh ngược đãi động vật trên tàu. Năm 2014, một vụ kiện tập thể lên tới 30 bên, đã đòi bồi thường số tiền gần 600 triệu đô la.

 

Trong một quyết định mang tính bước ngoặt, Tòa án Liên bang Úc đã phán quyết lệnh cấm xuất khẩu mục súc sống hồi năm 2011 là vô hiệu, chấm dứt một cuộc chiến pháp lý kéo dài sáu năm đối với các nhà sản xuất gia súc Bắc Úc.

 

Người chăn nuôi gia súc Colin Brett, có gia đình là nguyên đơn chính trong vụ án, nói rằng ông vẫn không tin là họ đã chiến thắng.



"Quá đỗi bất ngờ khi chúng tôi đã chiến thắng, đã mất một thời gian dài và một quãng đường dài, nhưng chúng tôi đã được giúp đỡ trong hành trình đó."

 

Trong phán quyết đưa ra, Thẩm phán Tòa án Liên bang Steven Rares đã phác thảo lệnh cấm xuất khẩu mục súc sống là không hợp lệ, vì không thể bao gồm các ngoại lệ cho các nhà xuất khẩu đã đề ra một vòng lặp hệ thống khép kín. Ông Rares nhận thấy không có nỗ lực nào được ông Ludwig đưa ra để xem xét giải pháp đàm phán với chính phủ Indonesia, hoặc là thảo luận với người đồng cấp Indonesia trước khi thực hiện lệnh cấm.

 

Đồng sở hữu của Công ty gia súc Brett, Hamish Brett, nói rằng quyết định của chính phủ là thiếu sót.



"Chín năm là một thời gian dài. Khi tôi thức dậy và nhìn thấy thông tin được đưa ra thật bất ngờ. Vâng, thật tốt khi cuối cùng cũng có được một kết quả tuyệt vời, và tôi hy vọng phía Indonesia cũng sớm biết điều này, để cho các đối tác thương mại của chúng tôi thấy rằng đó là một quyết định tồi tệ của chính phủ của chúng tôi và họ sẽ phải bồi thường."

 

“Cựu giám đốc điều hành của Hiệp hội người chăn nuôi gia súc ở Lãnh thổ phía Bắc, Tracey Hayes, nói rằng phán quyết của tòa án liên bang cho thấy các nhà lãnh đạo phải có trách nhiệm khi đưa ra quyết định”.

 

"Tôi rất vui mừng khi nói về các sự kiện mà thẩm phán đã làm đúng. Chính phủ cần có trách nhiệm với những quyết định đã đưa ra. Quyết định này làm cho chính phủ và những người ra quyết định có trách nhiệm hơn. "



Chính phủ liên bang đã đồng ý đền bù mọi thiệt hại hoặc chi phí mà ông Ludwig phải chịu trách nhiệm.

 

Mặc dù giành chiến thắng, nhưng bà Hayes nói rằng lệnh cấm đã làm tê liệt ngành chăn nuôi gia súc.
 


"Sự thật là không cần phải ban hành lệnh cấm. Có thể ban hành những thay đổi cần thiết ở một số cơ sở ngoài khơi. Quyết định đưa ra đã ảnh hưởng đến sinh kế của nông dân chúng tôi và nhiều người khác trong chuỗi cung ứng."



Bộ trưởng Nông nghiệp đương nhiệm, ông David Littleproud, đã thừa nhận quyết định của tòa án. Ông nói rằng chính phủ liên bang sẽ đọc bản án trước khi đưa ra bất kỳ bình luận nào, nhưng không loại trừ việc kháng cáo.

 

Những người ủng hộ phúc lợi động vật cũng tôn trọng phán quyết. Chuyên gia về phúc lợi động vật Siobhan O'Sullivan cho biết cô đang cố gắng lạc quan rằng quyết định này không làm giảm đi sự thật rằng việc xuất khẩu động vật sống là không tốt.

 

"Việc xuất khẩu động vật sống không chỉ là vấn đề rất lớn đối với các động vật trên tàu trong quá trình vận chuyển trên khắp thế giới, trong nhiều trường hợp chúng dường như phải đối mặt với cái chết kinh hoàng ở quốc gia mà chúng được đưa đến."