Sự thống trị của Coles và Woolworths đang được chú ý. (ABC News: Maani Truu)

 

 

 

AUSTRALIA - Nếu Ủy Ban Cạnh Tranh và Bảo vệ Người Tiêu dùng Úc Đại Lợi (ACCC) thấy rằng một vụ sáp nhập sẽ tạo ra tình trạng độc quyền hoặc trao cho một công ty quá nhiều quyền lực, họ có thể yêu cầu các công ty bán một số bộ phận nhất định của doanh nghiệp.

 

Theo Tạp chí The Conversation, chính phủ Úc đang dần tìm cách đưa quyền thoái vốn thêm vào trong Đạo luật Cạnh tranh và Người tiêu dùng của nước này nhằm giải quyết hành vi chống cạnh tranh, song điều này cũng làm dấy lên mối lo ngại về tác động tiềm tàng của nó đối với doanh nghiệp và nền kinh tế.

 

Theo luật mới đang trong quá trình xem xét, tòa án có thể yêu cầu một công ty bán một phần doanh nghiệp của mình nếu phát hiện công ty đó lạm dụng quyền lực thị trường, trên cơ sở khuyến nghị của Ủy ban Cạnh tranh và Người tiêu dùng Úc Đại Lợi (ACCC).

 

Hiện nay, Ủy ban Cạnh tranh và Người tiêu dùng Úc Đại Lợi xem xét các vụ sáp nhập được đề nghị để bảo đảm chúng sẽ không làm giảm đáng kể tính cạnh tranh. Nếu ACCC thấy rằng một vụ sáp nhập sẽ tạo ra tình trạng độc quyền hoặc trao cho một công ty quá nhiều quyền lực thị trường, họ có thể yêu cầu các công ty bán một số bộ phận nhất định của doanh nghiệp trước khi tiến hành vụ sáp nhập (hay còn được gọi là thoái vốn). Việc thoái vốn chủ yếu đang được sử dụng để giải quyết các vụ sáp nhập làm giảm cạnh tranh.

 

Theo những thay đổi được đề nghị, một công ty có sức mạnh thị trường đáng kể vi phạm Đạo luật Người tiêu dùng và Cạnh tranh có thể bị buộc phải thoái vốn tài sản để khôi phục sự cân bằng và bảo đảm thị trường có tính cạnh tranh. Điều này sẽ làm giảm khả năng người tiêu dùng buộc phải mua các sản phẩm với mức giá quá cao.

 

Liên đảng đối lập đã đề nghị chia tách các siêu thị lớn là Coles và Woolworths, vốn từ lâu đã bị cáo buộc là lợi dụng vị thế thống trị thị trường để tăng giá quá mức đối với người tiêu dùng.

 

Hôm 16/2, Lãnh đạo Liên đảng Peter Dutton đã ám chỉ rằng ông có thể sẽ đưa ra biện pháp thoái vốn nếu Liên đảng thắng cử trong cuộc bầu cử liên bang năm nay, nhằm ngăn chặn các công ty bảo hiểm "lừa đảo" khách hàng bằng cách tính phí bảo hiểm “cắt cổ” hoặc từ chối thanh toán yêu cầu bồi thường.

 

Tiền phí bảo hiểm đã tăng vọt 16,4 phần trăm trong năm 2024 khi cả nước bị lũ lụt và cháy rừng lớn. Các chuyên viên phân tích của công ty tư vấn đầu tư Climate Valuation hồi tháng trước đã cảnh báo rằng cứ mười bất động sản thì có một bất động sản không được mua bảo hiểm vào năm 2035.

 

Lặp lại quan điểm của mình vào hôm 17/2, ông Dutton cho rằng nếu thị trường bảo hiểm không cung cấp được mức bảo hiểm đầy đủ, hoặc giá cả phải chăng cho người dân Úc, chính phủ có trách nhiệm can thiệp và giải quyết sự thất bại của thị trường. Ông cho rằng các công ty bảo hiểm phải là doanh nghiệp có trách nhiệm và làm việc với khách hàng.

 

Trước đây, Chính phủ Thủ tướng Scott Morrison, của Liên đảng, đã ban hành luật cho phép chia tách các công ty năng lượng trong một số trường hợp nhất định.

 

Đảng Lao động hiện nay không ủng hộ quyền thoái vốn. Một lý do là tổ chức SDA, là nghiệp đoàn đoàn lớn ở Úc đại diện cho công nhân làm việc trong các ngành bán lẻ, đồ ăn nhanh và kho bãi ở Úc -  đã phản đối các biện pháp như vậy.

 

 

* Trường hợp áp dụng luật thoái vốn mới

 

Về nguyên tắc, việc ban hành luật thoái vốn là rất cần thiết. Độc quyền và quyền lực thị trường bắt nguồn từ một ngành công nghiệp có độ tập trung cao, nghĩa là một ngành công nghiệp có một số ít công ty kiểm soát phần lớn thị trường. Thường thì cách duy nhất để ngăn chặn họ lạm dụng thế độc quyền của mình là chia nhỏ họ ra (thoái vốn). Các biện pháp cải tổ khác có thể là để thị trường quyết định trong dài hạn, áp dụng quy định giá, hoặc những biện pháp sửa sai khác, bao gồm các biện pháp cải tổ hoạt động của công ty (ví dụ, những quy tắc chống lại một số hành vi nhất định trong hoạt động kinh doanh), hoặc tiền phạt đối với hành vi chống cạnh tranh. Tuy nhiên, những biện pháp này không giải quyết được gốc rễ của vấn đề.

 

Nước Mỹ có lịch sử lâu dài trong việc sử dụng thoái vốn như một công cụ để chống lại độc quyền và thúc đẩy cạnh tranh. Vào những ngày đầu của luật chống độc quyền (cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20), việc thoái vốn được sử dụng để phá vỡ các tập đoàn lớn thống trị những ngành công nghiệp như dầu mỏ (công ty Standard Oil), thuốc lá (công ty American Tobacco) và hóa chất. Những vụ kiện này thiết lập nguyên tắc rằng việc phá vỡ các công ty độc quyền đôi khi là cần thiết để bảo vệ tính cạnh tranh.

 

Sự tan rã của công ty viễn thông AT&T vào năm 1984 là một trong những ví dụ nổi tiếng nhất về việc thoái vốn trong lịch sử Mỹ. Công ty viễn thông AT&T từng độc quyền cả dịch vụ điện thoại viễn liên và địa phương tại Mỹ, điều này mang lại cho họ quyền lực to lớn đối với thị trường viễn thông. Việc chia tách theo lệnh của tòa án đã buộc AT&T phải thoái vốn khỏi các dịch vụ điện thoại địa phương, được tách thành bảy công ty "Baby Bell" độc lập.

 

Tuy nhiên, việc thoái vốn chỉ “thỉnh thoảng được sử dụng” và chỉ khi đáp ứng được các yêu cầu nghiêm ngặt.

 

Khoảng 20 năm trước, Bộ Tư pháp Mỹ đã theo đuổi một vụ kiện chống lại Microsoft vào cuối những năm 1990, đề nghị chia tách công ty này với lý do lo ngại về sự thống trị của công ty này trên thị trường hệ điều hành máy điện toán. Mặc dù vụ án chưa được hoàn tất đầy đủ do các vấn đề về thủ tục, nhưng nó đã nêu bật những yếu tố mà tòa án xem xét như là các điều kiện tiên quyết trước khi ra lệnh thoái vốn, chẳng hạn như công ty cần phải có sức mạnh thị trường đáng kể và lâu dài, phải có bằng chứng rõ ràng rằng công ty đã tham gia vào các hoạt động phản cạnh tranh, xác định được mối liên hệ trực tiếp giữa hành vi của công ty và tác hại đối với cạnh tranh...Quyền thoái vốn cũng đã tồn tại và đã được sử dụng ở các quốc gia thành viên khác của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), trong đó có cả Vương quốc Anh.

 

 

* Khi nào cần phải thoái vốn?

 

Úc từng áp dụng rộng rãi quyền thoái vốn để phá vỡ các công ty độc quyền về khí đốt và điện trong 30 năm qua. Và có lý do chính đáng để đưa nó thành biện pháp cải tổ chung cho tất cả các ngành công nghiệp, ngay cả khi việc áp dụng sẽ chỉ áp dụng trong một số trường hợp riêng biệt.

 

Điều quan trọng là, việc áp dụng biện pháp này sẽ khuyến khích đáng kể các công ty tuân thủ luật cạnh tranh, đặc biệt là những luật liên quan đến lạm dụng quyền lực thị trường. Những điều khoản này nhằm mục đích ngăn chặn các doanh nghiệp mạnh ngăn cản cạnh tranh bằng cách gây khó khăn cho những công ty mới tham gia thị trường.

 

Hiện tại, các biện pháp trừng phạt đối với những hành vi lạm dụng như vậy được coi là “rất yếu”. Các khoản tiền phạt được mô tả là "nhỏ" và được coi là "chi phí kinh doanh" chứ không phải là biện pháp răn đe thực sự.

 

Một lý do khác là các vụ án thường kéo dài nhiều năm. Ví dụ, vụ án ACCC kiện Safeway từ mười chín năm trước đã phải kéo dài bảy năm cho đến khi có phán quyết của tòa án.Quyền thoái vốn sẽ khiến các công ty phải cẩn thận hơn nhiều trước khi vi phạm pháp luật.