Tala đã trả 32.000 đô-la cho một công ty tư vấn di cư - hiện cô ấy tuyên bố mình đã bị lừa đảo (SBS)

 

 

AUSTRALIA - Hàng chục di dân cho biết họ đã mất hàng ngàn đô-la sau khi thuê một công ty tư vấn di trú bị cáo buộc là không cung cấp các dịch vụ như đã hứa. Những người làm việc trong ngành này cho biết đây là một sự việc khá phổ biến, do tính phức tạp của hệ thống di trú của Úc, đồng thời cảnh báo những người tìm kiếm dịch vụ di trú hãy cảnh giác với những dấu hiệu đáng ngờ.

 

"Bạn đang tìm kiếm cơ hội xin thị thực bảo lãnh của công ty tuyển dụng? Vậy thì chúng tôi sẽ giúp bạn trên con đường xin thường trú nhân."


 

Đây là một lời đề nghị có vẻ khá đơn giản.
 

Những quảng cáo như thế này được chia sẻ trên mạng xã hội, hứa hẹn với những người di cư đầy hy vọng rằng một công ty có tên là My Ambition Consulting có thể giúp họ ở lại Úc.

 

 

Chuyện của vợ chồng Nisha và Eshwar

Đối với Nisha, người đã di cư đến Úc từ Nepal cách đây sáu năm, đây là một đề xuất hấp dẫn.
 

 

Cô gái 27 tuổi này đang làm việc trong lĩnh vực chăm sóc người cao niên trong khi vẫn đang đi học theo thị thực du học, nhưng ước mơ cuối cùng của cô là trở thành một y tá.


 

Cô chia sẻ thị thực của mình với chồng mình, Eshwar, và cùng nhau, cặp đôi đã quyết định gặp giám đốc điều hành của công ty My Ambition, Abhinaya Bhandari, vào tháng Một năm nay.
 

“Ông ấy hứa với chúng tôi rằng ông ấy sẽ sắp xếp một công ty tuyển dụng bảo lãnh cho chúng tôi. Và ông ấy yêu cầu chúng tôi trả 11.000 đô cho quá trình này."
 

 

Nisha cho biết cô phải mất nhiều năm mới tiết kiệm được số tiền đó.
 

“Chúng tôi phải trả mọi thứ trong lúc ở đây như học phí đại học, tiền thuê nhà, mọi hóa đơn, thực phẩm và mọi thứ. Chúng tôi đã cố gắng hết sức để tiết kiệm được số tiền đó. Ngay cả khi chúng tôi trả cho ông ấy số tiền đó lần đầu, tôi đã nói rằng đó là tiền tiết kiệm của chúng tôi và chúng tôi đã thực sự làm việc chăm chỉ để dành tiền. Nhưng ông ấy nói rằng chúng tôi đừng lo, ông ta giống như là anh trai của chúng tôi và chúng tôi phải tin ông ấy.”

 

 

Cặp đôi này đã được hứa rằng họ sẽ sớm nhận được cuộc gọi từ một công ty, nhưng cuộc gọi đó không bao giờ đến.

 

Sau 8 tuần, cặp đôi này đã đến gặp Abhinaya Bhandari và yêu cầu hoàn lại tiền.

 

Ông ta đồng ý trả lại 10.500 đô-la và gửi cho cặp đôi này ảnh chụp màn hình chuyển khoản ngân hàng được cho là khoản hoàn lại, nhưng số tiền này không bao giờ xuất hiện trong tài khoản của họ.

 

Khi Nisha và Eshwar thắc mắc tại sao họ vẫn chưa nhận được tiền sau nhiều ngày, ông Bhandari thông báo với họ rằng ông đã hủy khoản hoàn lại vì nó không đáp ứng các điều khoản của thỏa thuận mà họ đã ký và đề xuất một cuộc gặp mặt khác.

 

Nisha và Eshwar miễn cưỡng đồng ý gặp mặt, nhưng giám đốc điều hành của My Ambition đã không tham dự và kể từ đó ông ta đã ngừng trả lời cặp đôi này hoàn toàn.

 

Khi cố gắng tìm cách liên lạc với ông ta, họ đã tìm thấy một trang Facebook chứa đầy bình luận từ những người tuyên bố đã bị My Ambition Consulting lừa đảo.

 

Eshwar nói, “Sau ba tháng, chúng tôi thấy một trang web, trang của kẻ lừa đảo, và mọi thông tin chi tiết về công ty đó đều được hiển thị. Chúng tôi rất sợ hãi, rồi nhận ra rằng chúng tôi vừa bị mắc bẫy lừa đảo và điều này đã xảy ra với nhiều người.”

 

 

Giám đốc điều hành của công ty, ông Abhinaya Bhandari, đã không trả lời SBS.
 

 

Các câu hỏi được gửi qua luật sư của ông cũng bị từ chối.
 

Vào tháng Bảy, hai người này quyết định đưa vấn đề này ra Tòa án dân sự và hành chính New South Wales, nơi phán quyết rằng ông Bhandari phải trả lại toàn bộ 11.000 đô-la dựa trên hợp đồng dịch vụ chưa hoàn thành.
 

 

Nhưng hai người này cho biết họ vẫn chưa nhận được một xu nào.
 

“Chúng tôi bị trầm cảm đến mức gần như phải uống thuốc, nhưng may mắn là chưa phải uống thuốc. Đến tận bây giờ chúng tôi vẫn bị mất ngủ.”

 

 

Chuyện của Tala

 

SBS News biết có hơn 70 người khiếu nại rằng công ty này nợ họ tiền.

 

Cơ quan quản lý bảo vệ người tiêu dùng New South Wales đã xác nhận rằng họ đang điều tra công ty vì bị cáo buộc đã nhận tiền thanh toán và không cung cấp dịch vụ hoặc không cung cấp dịch vụ trong thời gian hợp lý.

 

Trong một tuyên bố gửi đến SBS, phát ngôn viên cho biết, "New South Wales Fair Trading đã nhận được 28 khiếu nại về My Ambition Consulting kể từ tháng Mười hai năm 2023".

 

Tala, tên đã được thay đổi vì lý do riêng tư, đã ký hợp đồng với My Ambition Consulting để kết nối cô với một công ty tuyển dụng sẽ bảo lãnh không chỉ cho cô mà còn cho cả chồng và hai đứa con của cô.

 

Sáu năm trước, cô đã di cư từ Philippines đến Melbourne, để lại đứa con gái lớn của mình ở quê nhà.

“Tôi chưa gặp con gái mình kể từ thời điểm COVID vì chúng tôi không được phép bay ra ngoài. Chúng tôi được phép bay ra ngoài, nhưng chúng tôi không thể quay lại. Vì vậy, lựa chọn duy nhất của tôi là chờ đợi. Đó là lý do tại sao chúng tôi đang tìm kiếm một quy trình thị thực để ít nhất con bé có thể đến và ở với chúng tôi. Vì vậy, khi chúng tôi đăng ký vào năm 2022, chúng tôi rất vui mừng và hạnh phúc vì cuối cùng chúng tôi sẽ được ở bên nhau."
 

 

Nhưng sau khi chờ đợi gần một năm và trả 32.000 đô-la, Tala phát hiện ra rằng đơn đề cử của công ty tuyển dụng do My Ambition Consulting nộp đã bị Bộ Di trú từ chối.
 

 

Khi cô hỏi thêm, Bộ cho biết đơn xin có nhiều lỗi nghiêm trọng, bao gồm cả việc không có hợp đồng lao động.


 

Vào tháng Tám năm 2023, ông Bhandari đã gửi cho Tala một lá thư, mà SBS News đã xem, hứa sẽ hoàn lại cho cô 32.000 đô-la trong vòng 30 ngày - nhưng cô vẫn chưa nhận được khoản tiền hoàn lại này.


 

Tính cả các khoản thanh toán cho Bộ Di trú và cho một luật sư, người mà Tala thuê để giúp thu hồi tiền từ My Ambition, cô đã chi hơn 50.000 đô-la.
 

 

Tala cho biết điều tồi tệ nhất là chuyện này đả ảnh hưởng đến mối quan hệ của cô với chồng và gia đình.
 

 

Cô cho biết cô không thể tự mình nói sự thật với mẹ hoặc con gái mình.
 

“Con gái tôi thực sự không biết chuyện gì đang xảy ra. Con bé cứ hỏi tôi khi nào con sẽ đến đó? Chuyện gì đang xảy ra vậy? Mẹ vẫn sẽ đón con chứ?"

 

 

Chuyện gì đã xảy ra?

 

My Ambition Consulting tuyên bố có các đại lý di trú đã đăng ký làm việc tại công ty để tư vấn cho khách hàng của mình.
 

 

Simon Sen Tao là một trong số họ.
 

“Đầu năm 2023, ông Bhandari đã liên hệ với tôi để xem liệu tôi có thể trở thành đại lý di trú nội bộ cho công ty của ông ấy hay không."
 

 

Ông Tao đồng ý, nói rằng ông đã từng hợp tác thành công với các công ty khác trước đó.
 

Ông Tao cho biết khi ông bắt đầu, công ty đang phải vật lộn với nhiều đơn xin thị thực bị từ chối và ông được yêu cầu giúp đào tạo các đại lý khác để cải thiện kết quả.
 

 

Ông Tao cho biết ông đã rất sốc khi nhận được cuộc gọi vào cuối năm 2023 từ một luật sư đại diện cho một khách hàng đang theo đuổi hành động pháp lý chống lại công ty.
 

 

Sau đó, ông phát hiện ra rằng hình ảnh của mình đã được chia sẻ trong nhóm người yêu cầu bồi thường trên Facebook, cho rằng ông là kẻ lừa đảo.
 

“Chuyện này khiến tôi đau đầu và căng thẳng quá mức. Tôi phải giải thích với các cộng sự kinh doanh, khách hàng hiện tại và thậm chí cả các thành viên trong gia đình đã nhìn thấy ảnh của tôi trên mạng. Tôi phải giải thích với họ những gì đang diễn ra."
 

 

Ông Tao cho biết ông đã ngay lập tức chấm dứt mối quan hệ với My Ambition Consulting và báo cáo công ty này với Cơ quan đăng ký đại lý di trú (MARA).
 

“Chuyện này đã thay đổi tư duy nghề nghiệp của tôi và cách tôi hành nghề. Tôi trở nên rất thận trọng và lưu tâm rằng tên và số MARA của tôi có thể bị sử dụng sai lần nữa. Do đó, tôi rất thận trọng khi được bất kỳ công ty di trú nào khác thuê."

 


 

Làm sao để tránh bị lừa đảo?

 

Luật sư di trú Christopher Levingston đã hành nghề trong 35 năm và ông cho biết những gì mà Tala, Nisha và Eshwar trải qua không phải là cá biệt.
 

 

Ông cho biết sự phức tạp của hệ thống pháp luật Úc từ lâu đã bị một số người nhắm vào các di dân lợi dụng.
 

“Đó là gian lận, nhưng chính phủ liên bang không thực sự dành nhiều thời gian để xác định những kẻ xấu đó."

 

 

Trong một tuyên bố gửi đến SBS, một phát ngôn viên của Bộ Nội vụ cho biết, "Văn phòng Cơ quan Đăng ký Đại lý Di trú (MARA) cam kết bảo vệ tính toàn vẹn của nghề tư vấn di trú bằng cách hành động chống lại các đại lý di trú đã đăng ký có hành vi làm suy yếu các tiêu chuẩn mà ngành này mong đợi".
 

Lời khuyên chính thức là hãy luôn kiểm tra xem người cung cấp tư vấn di trú có phải là đại lý đã đăng ký hay không.


 

Tuy nhiên, ngay cả điều đó cũng không bảo đảm được độ tin cậy, và bà Helen Duncan, Tổng giám đốc điều hành của Viện Di trú Úc, cho biết các cuộc điều tra của MARA có thể chậm.


 

Bà cho biết các dấu hiệu cảnh báo cần chú ý bao gồm phí quá cao và lời hứa hỗ trợ những việc nằm ngoài vấn đề di trú.
 

“Ngay khi ai đó nói, nếu bạn đưa tôi một số tiền nhất định, tôi sẽ tìm cho bạn một công việc, thì bạn nên bắt đầu cảnh giác vì đó không phải là công việc của một đại lý di trú. Và đó cũng không phải là điều nên xảy ra trong quá trình tuyển dụng."

 

 

Nisha và Eshwar cho biết họ đã học được một bài học cay đắng, đồng thời cảnh báo những người khác tránh vội vã đưa ra bất kỳ quyết định nào liên quan đến các đại lý di trú.
 

“Bất kỳ ai nói rằng họ sẽ tìm công ty bảo lãnh cho bạn, tôi nói rằng họ là kẻ lừa đảo. Nếu bạn có thể tự tìm được người bảo lãnh, thì đó là điều tốt. Nếu một công ty tư vấn hoặc một đại lý MARA nào đó nói rằng họ sẽ tìm được người bảo lãnh cho bạn, thì họ chỉ đang cố gắng ăn cắp tiền của bạn mà thôi.”