Tiến sĩ Oanh Nguyễn (trái) và Tiến sĩ Minh Bùi (phải) Nguồn: SBS

 

 

AUSTRALIA - Tiến sĩ Minh Bùi từ Đại học Quốc gia Úc (ANU) và Tiến sĩ Oanh Nguyễn từ Đại học Melbourne đã thắng giải thưởng Eureka 2023 trong số 55 cá nhân và đội nhóm được chọn vào vòng chung kết của giải thưởng này.

 

Vào cuối tháng 8 vừa qua, Viện Bảo tàng Úc (Australian Museum) đã công bố 55 cá nhân và tổ chức được chọn vào vòng chung kết Giải thưởng Eureka 2023 - giải thưởng khoa học hàng đầu của Úc.

 

Những người vào vòng chung kết từ hầu hết các tiểu bang và vùng lãnh thổ trên khắp nước Úc được chọn theo bốn hạng mục: Nghiên cứu và Đổi mới (Research and Innovation), Lãnh đạo (Leadership), Tham gia Khoa học (Science Engagement) và Khoa học Trường học (School Science).

 

Trong số 19 cá nhân và đội nhóm thắng giải năm nay, có 2 nhà khoa học người Việt là Tiến sĩ Minh Bùi đến từ Đại học Quốc gia Úc ANU và Tiến sĩ Oanh Nguyễn từ Đại học Melbourne.

 

Giải thưởng Eureka dành cho phần mềm nghiên cứu xuất sắc

 

Tiến sĩ Bùi Minh và Giáo sư Lanfear đã kết hợp kiến thức chuyên môn về khoa học máy tính và sinh học để phát triển IQ-TREE2 - phần mềm mã nguồn mở, miễn phí giúp biến dữ liệu DNA thành những hiểu biết quan trọng về tiến hóa, giúp các nhà hoạch định chính sách đưa ra các quyết định để đối phó và hạn chế sự lây lan của COVID-19.

 

Được sử dụng để tìm hiểu mọi thứ, từ các dạng sống ban đầu cho đến vi-rút gây ra đại dịch COVID-19, công cụ thân thiện với người dùng IQ-TREE được công bố lần đầu vào năm 2019 hiện đã trở thành công cụ chính cho các nhà khoa học nghiên cứu về sự sống trên toàn thế giới.

 

Là cựu học sinh chuyên toán trường Giảng Võ, Hà Nội và khối chuyên Toán-Tin, Đại học Tổng hợp Hà Nội, anh Bùi Minh học chuyên ngành Tin học tại Đại học Quốc gia Hà Nội, sau đó học thạc sĩ tại Cộng hoà liên bang Đức và tiến sĩ tại Cộng hòa Áo, rồi nghiên cứu sau tiến sĩ một vài năm trước khi sang Úc làm việc tại Đại học Quốc gia Úc ANU từ năm 2018.

 

Hiện Tiến sĩ Bùi Minh là giảng viên cao cấp tại khoa Kỹ thuật, Máy tính và Điều khiển học (CECC) tại Đại học Quốc gia Úc ANU.

 

Tiến sĩ Bùi Minh cùng các cộng sự và sinh viên đã phát triển các phương pháp và phần mềm IQ-TREE1 từ năm 2014 tại Áo, rồi IQ-TREE2 khi anh chuyển sang làm việc tại Úc.

 

Tiến sĩ Bùi Minh nói “Chúng tôi rất tự hào là phần mềm này đã được sử dụng rộng rãi trên toàn thế giới, giúp rất nhiều nhóm nghiên cứu về các loài khác nhau, từ người đến động vật, thực vật, và cả côn trùng có nguồn gốc từ cách đây hàng trăm triệu năm.”

“IQ-TREE2 là một trong những phần mềm rất quan trọng giúp chứng thực sự ra đời của một biến thể mới. Các phát hiện này giúp cho các nhà nhà hoạch định chính sách đưa ra được các quyết định để đối phó hoặc hạn chế sự lây lan của đại dịch COVID-19”.

 

 

Giải thưởng Eureka cho nghiên cứu bệnh truyền nhiễm
 

Nhóm nghiên cứu Corona Queens gồm Giáo sư Katherine Kedzierska, Tiến sĩ Oanh Nguyễn và Tiến sĩ Louise Rowntree, đã được ghi nhận vì những đóng góp nổi bật của họ cho nghiên cứu về COVID-19.
 

 

Để đối phó với đại dịch toàn cầu, nhóm Corona Queens đã nhanh chóng thiết lập các chương trình nghiên cứu miễn dịch đa ngành và sáng tạo để làm sáng tỏ các phản ứng miễn dịch phức tạp đối với SARS-CoV-2, đồng thời họ là những người đầu tiên trên thế giới báo cáo về khả năng miễn dịch đối với nhiễm SARS-CoV-2 ở một trong những bệnh nhân COVID-19 đầu tiên của Úc vào tháng 3 năm 2020.

 

 

Giáo sư Katherine Kedzierska, Tiến sĩ Louise Rowntree, và Tiến sĩ Oanh Nguyễn (ngoài cùng bên phải). Ảnh: University of Melbourne

 

 

Giáo sư Kedzierska đã chia sẻ lòng biết ơn của nhóm đối với sự ghi nhận trong bài phát biểu nhận giải của mình.

Giáo sư Kedzierska nói “Chúng tôi muốn cảm ơn tất cả các thành viên trong phòng thí nghiệm của chúng tôi, trong quá khứ và hiện tại, vì đã đóng góp cho tất cả những khám phá trong những năm qua, giúp thúc đẩy đáng kể các nghiên cứu về miễn dịch ở người của chúng tôi, để chúng tôi có thể đi đầu trong nghiên cứu về COVID-19, cùng rất nhiều hỗ trợ từ Viện Doherty và Đại học Melbourne”.