Source: AAP / AAP / Jono Searle
Úc nhất quyết bênh vực cho Chương trình Phúc Lợi Dược phẩm PBS, trước việc áp thuế của Mỹ quá cao đối với dược phẩm Úc nhập vào Mỹ. Trong khi đó mức thuế 10 phần trăm của Úc thấp hơn, so với quyết định áp thuế mới của Mỹ đối với Nhật Bản, Hàn Quốc và các quốc gia Đông Nam Á khác, trong lúc Thủ tướng Albanese tuyên bố Úc sẽ không ngừng thúc đẩy yêu cầu miễn trừ, còn Tổng Thống Trump kêu gọi các nước không nên trả đũa.
Úc kiên quyết không đem chương trình PBS ra mặc cả, bất chấp thuế dược phẩm gây lo ngại.
Chánh phủ Úc đang khẩn trương điều tra đợt đánh thuế mới từ Hoa Kỳ, trong đó có thể bao gồm mức thuế lên tới 200% đối với dược phẩm nhập cảng, một hành động đánh giá là 'hết sức đáng ngại'.
Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump vừa ban hành loạt quan thuế mới, qua thư gửi đến nguyên thủ 14 quốc gia, trong đó có Úc, Nhật Bổn, Nam Hàn và nhiều đối tác thương mại thân cận.
Ngoài dược phẩm, ông Trump còn đánh thuế 50% lên đồng đỏ, cùng với mức 25-40% trên hàng hóa từ Malaysia, Kazakhstan, Nam Phi, Lào và Miến Điện.
Riêng với Úc, thuốc men là một trong những mặt hàng xuất cảng lớn nhất sang Hoa Kỳ, với tổng trị giá lên đến 2.2 tỷ Mỹ kim trong năm rồi.
Tổng trưởng Ngân khố Jim Chalmers lên tiếng trên đài ABC, cho biết, “Đây là một diễn biến gây nhiều lo âu. Ngành dược của chúng ta lệ thuộc lớn vào thị trường Hoa Kỳ. Do đó, chúng tôi đang cấp tốc tìm hiểu thêm về nội dung các biện pháp quan thuế vừa được loan báo”, Jim Chalmers.
“Chúng tôi sẽ không nhượng bộ, không mặc cả, và chắc chắn không đem Chương trình Trợ cấp Dược phẩm Quốc gia (PBS) ra để đổi lấy sự miễn trừ thuế”.
Được biết Chương trình PBS của Úc là một chánh sách công được xem như biểu tượng xã hội, nơi chánh phủ thương lượng trực tiếp với các hãng thuốc, để người dân được trợ giá thuốc men thiết yếu.
Hệ thống này đã từ lâu là cái gai trong mắt, các tập đoàn dược phẩm lớn của Hoa Kỳ.
Hồi tháng Ba, tổ chức vận động hành lang PhRMA đã mô tả PBS là “một công cụ thương mại thiên lệch và phản cảm,” đồng thời kêu gọi chánh quyền Trump áp thuế trừng phạt để buộc Úc nhượng bộ.
Tuy nhiên, ông Chalmers đã tái khẳng định:
“PBS không nằm trên bàn thương thuyết. Không phải hôm nay, không phải ngày mai. Chúng tôi sẽ giải quyết vấn đề theo trình tự, nhưng nguyên tắc thì không thay đổi".
Còn Thủ tướng Anthony Albanese lên tiếng về đợt áp thuế mới của Hoa Kỳ, tái khẳng định Úc sẽ tiếp tục vận động để được miễn trừ
Trước bước ngoặt mới trong chiến dịch áp thuế toàn cầu của Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump, Thủ tướng Anthony Albanese tuyên bố Úc sẽ không ngừng thúc đẩy yêu cầu miễn trừ, bất chấp áp lực ngày càng gia tăng.
Thị trường chứng khoán Wall Street đã giảm điểm sau khi ông Trump đồng loạt gửi thư đến 14 quốc gia, trong đó có các đồng minh thân cận như Nhật Bổn và Nam Hàn, công bố kế hoạch áp mức thuế cao hơn nhiều đối với hàng hóa nhập cảng, dù thời hạn thực thi được hoãn đến ngày 1 tháng Tám.
Hàng hóa xuất cảng từ Úc sang Hoa Kỳ hiện đã phải chịu mức thuế cơ bản 10%, mức tối thiểu áp dụng cho mọi đối tác thương mại của Hoa Kỳ.
Ông Albanese cho biết ông không kỳ vọng Hoa Kỳ sẽ nâng thuế với Úc thêm nữa, vì Úc không hề có động thái trả đũa hay tăng thuế đối với hàng hóa Mỹ.
Anthony Albanese nói, “Không, vì chúng ta không tăng thuế. Úc hiện có mức thuế là 10%. Không có quốc gia nào có thỏa thuận tốt hơn Úc. Giờ đây, chúng tôi sẽ tiếp tục lập luận rằng thuế quan là một hành vi tự gây tổn hại về kinh tế, và chúng ta xứng đáng được hưởng chế độ thuế qua lại ở mức bằng không. Nhưng chánh quyền Hoa Kỳ có quan điểm riêng của họ, và cho tới nay, chưa quốc gia nào được miễn trừ”.
Chánh phủ Úc đang tiếp tục vận động hành lang ở nhiều cấp độ để bảo vệ lợi ích thương mại, giữa lúc các nước trong khu vực đều chịu áp lực tương tự từ làn sóng bảo hộ thương mại đang lan rộng từ Washington.
Trong khi đó, Ủy ban Năng suất Liên bang, cơ quan tư vấn kinh tế hàng đầu của chánh phủ cho rằng, Úc có thể hưởng lợi nếu không trả đũa các mức thuế mới của Hoa Kỳ.
Một báo cáo công bố tuần này ghi nhận rằng, “Ngày giải phóng thương mại” của ông Trump với đợt thuế đầu tiên đánh vào thép và nhôm Úc, thực ra có thể giúp nền kinh tế Úc tăng thêm 0.37% GDP, do sự tái cấu trúc dòng thương mại toàn cầu.
Tuy nhiên, báo cáo cũng cảnh báo rằng ảnh hưởng từ thuế dược phẫm sẽ nặng nề hơn, do 40% dược phẩm xuất cảng của Úc là sang Hoa Kỳ, so với tỷ lệ thấp hơn rất nhiều ở thép và nhôm.
Trong khi đó Phó Thống đốc Ngân hàng Dự trữ RBA là ông Andrew Hauser phát biểu trên ABC rằng, ảnh hưởng toàn diện của chánh sách quan thuế hiện tại, có thể sẽ chưa hiện rõ trong nhiều năm tới.
Ông ví tình hình này với kinh nghiệm Brexit ở Anh Quốc, ông nói: “Thoạt đầu, thị trường hoảng loạn. Rồi khi thấy mọi thứ chưa sụp đổ, họ bình tĩnh trở lại. Nhưng rồi, gần mười năm sau, hậu quả thực sự bắt đầu lộ rõ".
Ông lưu ý, thị trường hiện vẫn quá thản nhiên và đó có thể là một sai lầm, khi đánh giá thấp tác động lâu dài của chủ nghĩa bảo hộ kinh tế.
Trong khi đó các quốc gia Nhật Bổn, Nam Hàn và cả vùng Đông Nam Á rúng động, vì thư trừng phạt của Tổng thống Trump
Tổng thống Nam Hàn, Lee Jae Myung, hôm nay tuyên bố, sẽ đẩy mạnh đàm phán với Washington, sau khi nhận được thư trực tiếp từ ông Trump, báo trước mức thuế 25% áp lên toàn bộ hàng hóa xuất cảng Nam Hàn, kể từ 1 tháng Tám.
Ông Trump cũng cảnh cáo các nước không nên trả đũa, nếu không muốn gánh thêm thuế cao hơn.
Phát ngôn nhân Tòa Bạch Cung, là Karoline Leavitt, cho biết, “Tổng thống sẽ gửi thư đến ít nhất 12 quốc gia khác trong những ngày tới. Ông đang thực hiện đúng cam kết về các kế hoạch thương mại riêng biệt, với chánh sách riêng cho từng quốc gia".
(Theo SBS)