Vildan Ozer và Alex, chồng của bà, ở thành phố Melbourne. Ảnh: SBS News/Rena Sarumpaet
AUSTRALIA - Cộng đồng người Thổ Nhĩ Kỳ hiện theo dõi cuộc khủng hoảng về tiền tệ hiện diễn ra tai quê nhà, khi đồng lira tiếp tục mất giá. Hồi tháng rồi, đồng lira sụt giá đến mức thấp nhất kỷ lục so với Mỹ kim. Mặc dù việc giảm giá của đồng lira khiến nhiều người thu lợi hay lỗ lã, thế nhưng với hàng triệu người ở quê nhà thì đây là điều không tốt cho họ chút nào.
Cư dân Melbourne là bà Vildan Ozer và chồng Alex có nhiều cảm xúc lẫn lộn, khi họ lên kế hoạch về một chuyến du lịch bị trì hoãn từ lâu, để trở lại quê hương Thổ Nhĩ Kỳ thăm gia đình vào năm tới.
Cũng giống như bất kỳ du khách nào, họ yêu thích một tỷ giá hối đoái thuận lợi, khi đồng lira của Thổ Nhĩ Kỳ đã giảm hơn 40 phần trăm so với đồng đô la Úc, trong vòng chưa đầy ba tháng.
Một đô la hiện mua được 9 lira rưỡi, so với 6 lira vào tháng Chín và bà Vildan tỏ ra hào hứng.
Vildan Ozer nói “Chúng tôi có thể ở trong các khách sạn sang trọng lâu hơn dự tính. Chúng tôi có thể mời thêm một số người trong gia đình tham gia cùng chúng tôi, để thụ hưởng những lợi lộc khi đổi tiền từ đồng đô la Úc”.
Đó cũng là cơ hội thuận lợi cho nhân viên công ty du lịch tại Melbourne là ông Marcus Falay.
Marcus Falay nói “Ngay bây giờ đồng Úc kim hiện rất mạnh so với đồng lira của Thổ, quí vị có thể đi nghỉ hè như một vị vương giả tại Thổ Nhĩ Kỳ”.
Cùng lúc đôi vợ chồng ở Melbourne biết rằng, trong khi họ được hưởng những lợi ích, thì đồng lira sụt giá gây thống khổ cho nhiều người trong số 85 triệu dân Thổ Nhĩ Kỳ.
Tỷ lệ lạm phát chính thức đã tăng lên 21 phần trăm, do đồng tiền thấp làm tăng giá hàng hóa nhập cảng.
Nó đang tạo ra một cuộc khủng hoảng kinh tế, trong đó người lao động với mức lương tối thiểu bị ảnh hưởng nặng nề nhất và các nghiệp đoàn yêu cầu chính phủ của Tổng thống Recep Tayyip Erdogan tăng lương.
Hiện nay, người ta thường bắt gặp hình ảnh những người xếp hàng mua bánh mì giá rẻ ở Istanbul.
Bà Vildan Ozer cho biết, những người thân ở Thổ Nhĩ Kỳ không ngừng giúp đỡ những người chung quanh họ.
Vildan Ozer nói “Một số người trong gia đình tôi tại Thổ hiện bàn về chuyện nầy, hiện họ không thể trả được các hóa đơn, không thể mua những thứ như trước đây."
"Lo vấn đề thực phẩm hàng ngày là điều quan trọng hơn bất cứ chuyện gì vào lúc nầy".
'Tôi nghĩ bất thình lình mọi người hiện sống dưới mức nghèo khó, mặc dù trước đây họ cảm thấy hết sức dễ chịu”.
Tiền tệ của Thổ Nhĩ Kỳ đã mất khoảng một nửa giá trị so với đô la Mỹ trong năm nay, chỉ tính riêng trong tháng Mười Một.
Thế nhưng sự trượt dốc bắt đầu sớm hơn nhiều khi các nhà kinh tế chỉ ra rằng, Tổng thống Erdogan đã nhiều năm qua theo đuổi các lý thuyết lạm phát khác thường của ông.
Để chống lạm phát hầu hết các nước đều tăng lãi suất, thế nhưng Tổng thống đã thúc đẩy ngân hàng trung ương Thổ Nhĩ Kỳ làm điều ngược lại.
Ông lập luận rằng, tỷ lệ cao hơn thực sự thúc đẩy lạm phát và kể từ tháng 9 tỷ giá đã giảm từ 19 xuống 15 phần trăm, với một đợt cắt giảm khác dự kiến vào cuối tháng này.
Tiến sĩ Anas Iqtait thuộc Trung tâm Nghiên cứu Hồi giáo và Ả Rập của Đại học Quốc gia Úc, là một trong số nhiều nhà kinh tế đã theo dõi tình hình với sự báo động ngày càng tăng.
Anas Iqtait nói “Vì vậy, những điều này thực sự mô tả cách tiếp cận kinh tế phi chính thống của chính phủ Erdogan".
'Rất khó giải thích lý do đằng sau việc cắt giảm lãi suất, đặc biệt là khi tỷ lệ lạm phát cao, nhưng đây là chính sách mà ông Erdogan đã theo đuổi từ năm 2017".
Kể từ năm 2019, Tổng thống đã loại bỏ 3 ngân hàng trung ương vốn đã cố gắng tăng lãi suất.
Điều này khiến các nhà đầu tư nước ngoài mất niềm tin vào đồng lira, cũng như khả năng hành động độc lập của ngân hàng trung ương.
Vì vậy, các nhà đầu tư đang mua ít lira hơn để đầu tư vào Thổ Nhĩ Kỳ, càng làm suy yếu đồng tiền này.
Ông Erdogan bảo thủ, cũng sử dụng tôn giáo để biện minh cho cách tiếp cận của mình, gọi lãi suất là 'cha mẹ của mọi điều ác' trong một cuộc phỏng vấn năm 2018.
Theo các nguyên tắc tài chính bắt nguồn từ Hồi giáo, tính lãi đối với các khoản nợ được coi là cho vay nặng lãi, do đó là tội lỗi.
Giáo sư kinh tế Veysel Ulusoy của Đại học Istanbul cho biết, điều này không có ý nghĩa về mặt kinh tế.
Veysel Ulusoy nói “Bằng cách hạ giảm lãi suất, ông ta tìm cách cho những người có đạo Hồi ủng hộ ông ta trong suốt diễn biến nầy, rồi cuối cùng chúng ta sẽ đạt được trong cuộc bầu cử”.
Được biết cuộc bầu cử tổng thống sẽ diễn ra vào năm 2023.
Hiện tại chi phí sinh hoạt tăng nhanh, dẫn đến việc đảng Công lý và Phát triển của ông Erdogan, đang giảm dần sự nổi tiếng.
Giáo sư Ulusoy dẫn đầu một nhóm nghiên cứu độc lập, tính toán lạm phát gần 60 phần trăm so với con số chính thức hiện tại là 21 phần trăm.
Vào tháng Hai, cơ quan thống kê chính của chính phủ là Cơ quan Thống kê Thổ Nhĩ Kỳ, đã đệ đơn khiếu nại hình sự đối với Nhóm Nghiên cứu Lạm phát.
Sau đó, Bộ trưởng Tài chính cáo buộc nhóm phát tán dữ liệu sai lệch mà theo ông, có thể được các đảng đối lập sử dụng.
Giáo sư Ulusoy nói rằng, ông hy vọng cuộc điều tra sẽ trở thành một vụ án pháp lý đưa ra trước tòa án xét xử công khai.
Veysel Ulusoy nói “Cảm tưởng của tôi và công chúng là họ đang cố gắng thay đổi con số và họ đang cố gắng làm điều này".
"Nhiều công ty nước ngoài có trụ sở tại Thổ Nhĩ Kỳ, đang viết thư cho chúng tôi để biết tỷ lệ lạm phát mà chúng tôi đang tính toán".
"Họ chỉ ra rằng, họ sẽ tăng mức lương của những người làm việc ở Thổ Nhĩ Kỳ cho họ”.
Trong khi đó, SBS đã liên lạc với tòa đại sứ Thổ Nhĩ Kỳ ở Canberra để bình luận, thế nhưng không nhận được hồi âm.
Tổng thống Erdogan cho rằng, lãi suất thấp hơn và đồng tiền yếu hơn sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, xuất cảng và việc làm.
Tại quán bán thức ăn tráng miệng kiểu Thổ Nhĩ Kỳ ở phía tây nội thành Sydney, người chủ là ông Nev Bagriyanik nói rằng, ông thấy ý tưởng đó có ý nghĩa nào đó.
Ông này làm việc trong lãnh vực dệt may ở Thổ Nhĩ Kỳ, vào đầu những năm 2000.
Ông Nev Bagriyanik nói “Khi đồng lira thấp, các doanh nghiệp phát đạt do chúng ta thường thấy xuất cảng gia tăng mạnh mẽ và là một quốc gia phát triển".
"Về mặt địa lý của Thổ Nhĩ Kỳ, tôi nghĩ thật khó để nước này ở trong một vị thế thực sự mạnh mẽ để cung cấp cho các nước Âu Châu qua việc sản xuất, vì vậy họ chỉ có thể là một Trung Quốc nhỏ bé mà thôi”.
Tuy nhiên, Tiến sĩ Anas Iqtait của đại học ANU ở Úc nhận thấy những điểm khác biệt chính yếu, so với đầu những năm 2000.
Bà cho biết, ngày nay lạm phát đang diễn ra trên phạm vi toàn cầu trong khi năng lượng cao hơn và các chi phí sản xuất khác mà các nhà máy phải trải qua, sẽ lớn hơn bất kỳ lợi thế cạnh tranh nào mà họ sẽ được hưởng từ một đồng tiền thấp hơn.
Tiến sĩ Anas Iqtait nói “Đồng lira của Thổ Nhĩ Kỳ thấp hơn, trong khi nó có thể được một số người coi là sự khuyến khích để xuất khẩu của Thổ Nhĩ Kỳ cao hơn, thì rất có thể điều gì sẽ xảy ra là chi phí do các nhà sản xuất Thổ Nhĩ Kỳ tích lũy, sẽ khiến họ rất khó duy trì khả năng cạnh tranh và đạt được một trong những mục tiêu của ông Erdogan là trở thành Trung Quốc của Châu Âu”.
Trở lại Melbourne, nhân viên du lịch là ông Marcus Falay cảm thấy hậu quả của cuộc khủng hoảng đồng lira theo một cách thức khác biệt.
Hồi năm 2013, ông mua một căn hộ tại trung tâm vùng Cappadocia, để cho mẹ ông về hưu ở đó.
Ông Marcus Falay nói “Tôi có lẽ chỉ bỏ ra khoảng 110 ngàn đô-la cho một căn hộ ở chung cư".
"Và khi chúng tôi xem xét giá trị của nó, chắc chắn rằng nó đã tăng lên bằng đồng lira của Thổ Nhĩ Kỳ kể từ ngày chúng tôi mua nó, thế nhưng khi chuyển đổi giá trị của nó sang đô la Úc, chúng tôi đã thấy lỗ khoảng 30 đến 40 phần trăm”.
Cùng lúc, ông cho biết có những cơ hội mới để mua với giá rẻ hơn nhiều.
Ông nói “Quí vị có thể bỏ ra ít nhất 50, 60 ngàn đô la và mua cho mình một căn hộ 2 hoặc 3 phòng ngủ đẹp ở nhiều vùng khác nhau của đất nước".
'Nó có thể hoạt động theo cả hai cách: có thể là cơ hội cho các nhà đầu tư thực sự và đó là thời điểm hoàn hảo để họ đến đó và bỏ một số tiền vào đó".
"Thế nhưng đồng thời, chúng tôi đang thấy mọi người hiện ngừng thực hiện bất kỳ khoản đầu tư lớn lao nào vào lúc này”.