AUSTRALIA - Úc đang dự đoán chương trình xuất cảng lúa mì niên vụ 2021/22 (từ tháng 10/2021 đến tháng 09/2022) sẽ đạt kết quả tốt trong năm thứ hai liên tiếp.

 

 

Úc dự báo sẽ có sản lượng thu hoạch lúa mì lớn, đạt kỷ lục 32,6 triệu tấn trong năm 2021/22.

 

 

 

 

Lý do sự lạc quan của nước Úc đến từ bối cảnh các nước khác đang phải đối mặt với các biện pháp can thiệp của chính phủ và cắt giảm sản lượng.

 

 

Úc dự báo sẽ có sản lượng thu hoạch lúa mì lớn, đạt kỷ lục 32,6 triệu tấn trong năm 2021/22, thấp hơn một chút so với ước tính năm trước là 33,3 triệu tấn, trong khi xuất cảng được chốt ở mức 23 triệu tấn, theo Cục Kinh tế và Khoa học Tài nguyên và Nông nghiệp Úc (ABARES).

 

 

Việc chính phủ Nga can thiệp vào xuất cảng lúa mì và cắt giảm sản lượng ở Bắc và Nam Mỹ do thời tiết bất lợi đã mang lại lợi thế cho các nhà cung cấp Úc, những người đang phải vật lộn để cạnh tranh về giá khi hai năm trước còn trải qua hạn hán kéo dài và nghiêm trọng.

 

 

Ban đầu, thị trường tin rằng việc giành lại thị phần đã mất của Úc vào năm 2020/21 là thử thách đối với nước này, sau ba năm hạn hán liền trong giai đoạn 2017-2019. Tại thời điểm đó, các doanh nghiệp xay xát bột mì ở Đông Nam Á chấp nhận loại lúa mì Biển Đen rẻ hơn và không còn sẵn sàng trả mức chênh lệch 10-15 USD/tấn để mua lúa mì của Úc.

 

 

Vụ thu hoạch có sản lượng thấp ở Argentina (Á Căn Đình) và các hạn chế xuất khẩu do Nga áp đặt từ cuối năm 2020, cùng với thời điểm bắt đầu năm tiếp thị của Úc, đã mang lại lợi thế cạnh tranh cho các nhà cung cấp của Úc.

 

 

Trong niên vụ 2021/22, Úc theo định hướng đáp ứng cả nhu cầu lúa mì chất lượng thấp và chất lượng cao ở châu Á do nguồn cung lúa mì vụ xuân có hàm lượng protein cao giảm.

 

 

Lý do xuất phát từ tình trạng khô hạn kéo dài ở Bắc Mỹ và nguồn cung lúa mì có hàm lượng protein trung bình đến thấp hơn từ Biển Đen và Argentina  được định giá quá cao trong bối cảnh xuất khẩu bị hạn chế.

 

 

Cạnh tranh giữa những người mua châu Á.

 

Vị trí gần các thị trường châu Á của Úc, quan hệ thương mại với một số quốc gia Đông Nam Á và cầu lúa mì không co giãn ở Đông Bắc Á mang lại cho các nhà sản xuất nước này lợi thế kết hợp cả về cước phí cũng như thuế so với các nước xuất khẩu lúa mì khác.

 

 

Những người mua trong khu vực đều đang cố gắng đảm bảo đầu vào ổn định từ nhà cung cấp có giá cạnh tranh nhất, hiện tại là Úc, trước khi vận chuyển xuất khẩu bị thắt chặt và giá tăng hơn nữa.

 

 

Chẳng hạn, các hãng xay xát bột mì có trụ sở tại Nam Hàn đã mua lúa mì đầu tháng 9/2021 để đáp ứng nhu cầu về lúa mì xay xát xuất xưởng vào giữa tháng 3 năm sau, khác với năm trước, khi họ mua lúa mì cuối tháng 11/2020 để phục vụ nhu cầu lúa mì xay xát xuất xưởng giữa tháng 3/2021.

 

 

Điều này một phần là do lo ngại nguồn cung bị thắt chặt và giá tăng trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt với Trung Quốc, quốc gia được cho là đã đặt mua trước 2 triệu tấn lúa mì Úc vụ mới.

 

 

Trong khi nhu cầu mua của Trung Quốc đối với lúa mì Úc hỗ trợ rất nhiều cho chương trình xuất cảng đang gặp khó khăn của nước Úc trong năm tiếp thị 2019/20, nhu cầu từ những người mua truyền thống khác như Indonesia (Nam Dương), vốn bị mất đi trong những năm hạn hán, đã phục hồi từ đầu niên vụ 2020/21.

 

 

Khi chương trình xuất khẩu cho năm 2021/22 bắt đầu, các nhà cung cấp của Úc tin rằng nhu cầu tăng không chỉ đối với người mua ở Á châu mà còn ở cả Trung Đông, tiếp tục giúp thúc đẩy năng lực xuất cảng mạnh mẽ trong suốt năm tiếp thị của họ.

 

 

Một thương nhân ở Tây Úc cho biết: “Nếu Trung Quốc không mua, thì sẽ có người khác mua lúa mì của chúng tôi, vì vậy chúng tôi không thực sự cần phải dựa vào bất kỳ công ty nhập cảng nào”.

 

 

Một điểm đến, nhiều mặt hàng.

 

Người mua ở Đông Nam Á, có lẽ là khu vực nhạy cảm với giá cả nhất, đã dựa vào lúa mì Biển Đen và Argetina dùng làm thức ăn chăn nuôi hoặc trong hỗn hợp bột mì trong vài năm trước đó cho đến cuối năm 2020, khi lúa mì Úc trở nên cạnh tranh nhất.

 

 

Trong những năm gần đây, những người mua ở Đông Nam Á đã trở nên hiệu quả và linh hoạt trong việc chuyển đổi giữa lúa mì nhập cảng từ nhiều nơi để giảm thiểu chi phí sản xuất.

 

 

Giờ đây, với việc lúa mì ở Biển Đen và Argentina không có sức cạnh tranh mạnh, điều này cũng mở ra cánh cửa cho Úc phục vụ cho thị trường lúa mì có hàm lượng protein thấp đến trung bình trong khu vực.

 

 

Úc cũng đang kỳ vọng tỷ lệ lúa mì có hàm lượng protein thấp, hay còn gọi là lúa mì Australian Standard White. Điều này là do kết quả tốt trong thu hoạch mùa vụ lấn át sự quan tâm hàm lượng protein tự nhiên, và thêm vào đó, thời tiết ẩm ướt trong những tháng mùa đông ngăn cản nhiều người trồng trọt phun nitơ trên đồng ruộng, giúp tăng lượng protein của lúa mì.

 

 

Nước Úc cũng chuẩn bị sẵn sàng để bổ sung và bù đắp một phần sự thiếu hụt lúa mì có hàm lượng protein cao trong thu hoạch lúa mì vụ xuân kém chất lượng ở Bắc Mỹ. Trong bối cảnh thiếu hụt toàn cầu về lúa mì có hàm lượng protein cao, Trung Quốc được cho là đã đặt mua một số loại lúa mì cứng từ bờ biển phía đông của Úc trong khi các nhà máy xay bột ở Nam Hàn cũng có lựa chọn tương tự, S&P Global Platts từng báo cáo trước đó.

 

 

Tuy nhiên, các nguồn tin cho biết lúa mì vụ xuân của Bắc Mỹ không thể thay thế hoàn toàn bằng lúa mì cứng nguyên chất của Úc do các đặc tính và chức năng khác nhau trong sản phẩm cuối cùng được xay.

(Nguồn: SPGlobal)