Các vách đá của Vịnh Đại Úc - Great Australian Bight. (ABC Eyre Peninsula: Jodie Hamilton)

 

 

NAM ÚC - Một thượng nghị sĩ Đảng Tự do đang dẫn đầu một nỗ lực mới nhằm bảo vệ vĩnh viễn  Vịnh Great Australian Bight khỏi hoạt động khai thác dầu khí bằng cách đưa nơi này vào danh sách Di sản Thế giới.

 

Thượng nghị sĩ Nam Úc, Andrew McLachlan, đã nêu vấn đề này tại Thượng viện, yêu cầu chính phủ Khối thịnh vượng chung và Tiểu bang Nam Úc khẩn cấp xem xét đưa địa danh này vào danh sách Di sản Thế giới.

 

Ông cho biết đây là cách duy nhất để vĩnh viễn bảo vệ khu vực này trong tương lai.

 

Hiện tại không có giấy phép khoan thăm dò nào được  cấp cho bất kỳ công ty nào để thực hiện hoạt động thăm dò và khai thác tại địa điểm này.

 

Nhưng hồi năm 2018, có sáu công ty dầu mỏ của Úc và quốc tế, bao gồm Chevron và BP, có lợi ích tại Vịnh này.

 

Tuy nhiên, những công ty này đã lần lượt rút lui.

 

Công ty Equinor của Na Uy là công ty cuối cùng hủy bỏ kế hoạch vào năm 2020, sau một cuộc biểu tình toàn quốc tập hợp những người lướt sóng và đi biển đòi 'Đấu tranh Vì Vịnh Bight' ('Fight for the Bight').

 

 

Những người biểu tình đã xuống nước ngoài khơi  Port Lincoln cùng với tổ chức Hòa Bình Xanh – Greenpeace - phản đối việc khoan dầu ở Vịnh Great Australian Bight  hồi năm 2018. (ABC Eyre Peninsula:  Jodie Hamilton)

 

 

Làn sóng phản đối đã bùng phát khi mô hình môi sinh giả định về khả năng tràn dầu từ công ty Equinor được lan truyền rộng rãi.

 

Mô hình giả định cho thấy miền Nam nước Úc cho đến tận Bãi biển Bondi đều có thể bị ảnh hưởng bởi một sự cố tràn dầu.

 

Nhưng ông McLachlan cho biết, luôn có khả năng một công ty khác sẽ xem xét các hoạt động khoan dò.

 

Ông nói tại Thượng viện, "Đã đến lúc Khối thịnh vượng chung và tiểu bang Nam Úc phải nghiêm túc và khẩn cấp theo đuổi việc công nhận Vịnh Great Australian Bight là Di sản Thế giới".

 

Trước đó, ông McLachlan đã phản đối một động thái tương tự của Đảng Xanh vào năm 2020 sau khi công ty Equinor rút khỏi hoạt động khoan thăm dò trong khu vực này.

 

Ông cho biết ông không ủng hộ động thái đó vì ông không đồng ý với điều khoản về một lệnh cấm toàn quốc đối với tất cả các dự án dầu khí mới ngoài khơi, và ông muốn chính quyền Nam Úc hỗ trợ cho nổ lực này.

 

Hơn 560 người đã tham gia cuộc biểu tình Đấu tranh vì Vịnh Bight -  Fight for the Bight - ở Esperance. (Nguồn: Dan Parish)

 

 

Ông McLachlan cho biết, "Tôi đã lắng nghe và tham vấn cộng đồng, và giờ đây tôi tin rằng việc công nhận Vịnh Great Australian Bight là Di sản Thế giới là con đường phía trước"

 

Ông đã đến thăm khu vực Bán đảo Eyre cùng với giám đốc điều hành của tổ chức Surfers for Climate, là Josh Kirkman, cách đây hai tháng, gặp gỡ những người dân ở Port Lincoln, Streaky Bay, và Elliston, đã phản đối hoạt động khoan dò do Equinor đề nghị.

 

 

Cư dân Streaky Bay, là Josh Kirkman, người chơi lướt ván Heath Joske, và Thượng nghị sĩ Andrew McLachlan. (Nguồn: abc.net.au)

 

 

Lợi ích kinh tế

Ông Kirkman cho biết người dân muốn được bảo đảm rằng khu vực này sẽ được bảo vệ vĩnh viễn và họ sẽ không phải tiếp tục biểu tình mỗi khi có một kế hoạch thăm dò khai thác mới.

 

Ông McLachlan cho biết việc giữ gìn Vịnh Bight nguyên sơ sẽ mang lại lợi ích kinh tế.

 

Ông McLachlan cho biết "Tôi nghĩ rằng chúng ta, với tư cách là một cộng đồng, cần quyết định rằng đây là một trong những nơi đẹp nhất trên hành tinh".

"Rủi ro quá lớn đối với một khu vực địa lý quan trọng và thiết yếu như vậy của hành tinh chúng ta."

 

Khu vực này đã được bảo vệ như một công viên biển, nhưng, ông McLachlan cho biết việc được công nhận là Di sản Thế giới sẽ mang lại sự bảo vệ lâu dài.

 

Vịnh Great Australian Bight được bảo vệ như một công viên biển. (ABC Eyre Peninsula: Jodie Hamilton)

 

 

Ông McLachlan nói "Chúng tôi cần được bảo vệ thêm nữa vì các công viên biển có khả năng bị thay đổi về mặt luật pháp, mặc dù điều đó không chắc xảy ra".

 

Ông cho biết bước tiếp theo sẽ là việc đàm phán với chính quyền Nam Úc và Tây Úc để giành được sự ủng hộ của họ.

 

Ông Kirkman cho biết tổ chức Surfers for Climate, Wilderness Society, và Surfrider Foundation đã làm việc với các cộng đồng địa phương để bảo vệ Vịnh này đã hơn năm năm qua.

 

 

Địa điểm mang tính biểu tượng của Úc

 

Ông Kirkman cho biết, "Các cộng đồng sẽ cảm thấy căng thẳng khi họ phải liên tục đấu tranh để bảo vệ một thứ nguyên sơ như Vịnh Great Australian Bight",

"Tám mươi lăm phần trăm sinh vật biển sinh sống ở đó không được tìm thấy ở bất kỳ nơi nào khác trên hành tinh này, nên địa điểm này là một hệ sinh thái rất độc đáo.”

 

"Cơ hội để được công nhận là Di sản Thế giới là 'Cuộc chiến Vì Vịnh Great Australian Bight' cuối cùng để thực sự bảo vệ địa điểm này như một khu vực mang tính biểu tượng của Úc và nó sẽ vẫn được nguyên vẹn cho các thế hệ tương lai."

 

Ông cho biết lợi ích kinh tế sẽ chảy vào cộng đồng thông qua du lịch bằng cách bảo vệ khu vực này.

 

Phát ngôn viên của Bộ Công nghiệp, Khoa học và Tài nguyên cho biết hiện tại không có giấy phép nào được phê duyệt cho bất kỳ công ty nào để hoạt động ở Vịnh Great Australian Bight.

 

(BBT Danviet - abc.net.au)