Nhóm nghiên cứu  Arjan Griffioen đang phát triển một loại vắc-xin chống coronavirus tại trung tâm y khoa Đại Học Amsterdam- Amsterdam UMC. Nguồn: ANP

 

 

Nhiều Giám đốc điều hành của các công ty dược phẩm cho biết một hoặc nhiều hơn một vắc xin ngừa coronavirus có thể bắt đầu tung ra thị trường trước năm 2021, vì hơn 100 phòng thí nghiệm trên khắp thế giới đang chạy đua nước rút để phát triển một phương thuốc tốt nhất.

 

Nhiều Giám đốc điều hành của các công ty dược phẩm cho biết vắc xin coronavirus có thể bắt đầu tung ra trước năm 2021, nhưng cảnh báo họ đang đối mặt với thách thức “nan giải” vì ước tính cần 15 tỷ liều để ngăn chặn đại dịch.

 

 

-Hy vọng tràn trề ít nhất một loại vắc xin ngừa coronavirus có thể ra thị trường vào tháng Mười 2020.

-Hơn 100 phòng thí nghiệm đang gấp rút chạy đua, nhiều trong số đó đang ở giai đoạn cuối thử nghiệm lâm sàng.

-Cần ít nhất 15 triệu liều vắc xin, thách thức đặt ra là không đủ ống đựng từng liều và điều kiện bảo quản.

 

 

Hơn 100 phòng thí nghiệm trên khắp thế giới đang tranh giành nhau để đưa ra một loại vắc xin chống lại coronavirus mới, trong đó có 10 phòng thí nghiệm đã đến giai đoạn thử nghiệm lâm sàng.

 

“Hy vọng của nhiều người là chúng ta sẽ có một loại vắc xin, hy vọng sẽ được một số loại, vào cuối năm nay,” Pascal Soriot, người đứng đầu AstraZeneca, nói trong một cuộc họp ngắn.

 

Công ty của ông đang hợp tác với Đại học Oxford để phát triển và phân phối một loại vắc xin đang được thử nghiệm ở Anh.

 

Trong khi đó, Albert Bourla, người đứng đầu Pfizer cho biết, công ty của ông đang tiến hành thử nghiệm lâm sàng với công ty Biontech của Đức về một số loại vắc xin tiềm năng ở châu Âu và Hoa Kỳ, cũng tin rằng ít nhất một loại sẽ sẵn sàng trước cuối năm nay.

 

Ông Bourla nói  “Nếu mọi việc suôn sẻ và may mắn hội đủ, chúng tôi sẽ có đủ bằng chứng về sự an toàn và hiệu quả để chúng tôi có thể... tiêm vắc xin vào khoảng cuối tháng Mười”.

 

Có thể mất nhiều năm để một loại vắc xin mới được cấp phép sử dụng đại trà, nhưng đối mặt với đại dịch COVID-19, các vắc xin thử nghiệm cho thấy an toàn và hiệu quả đối với coronavirus mới có thể giành được sự chấp thuận cho sử dụng khẩn cấp.

 

Liên đoàn các Nhà sản xuất và Hiệp hội Dược phẩm Quốc tế (IFPMA), tổ chức cuộc họp giao ban hôm thứ Năm, đã nhấn mạnh những thách thức “nan giải” mà ngành dược phải đối mặt trong nỗ lực tìm ra vắc xin.

 

‘Chạy đua với thời gian’

Một thách thức, có vẻ đi ngược lại trực giác, là tốc độ lây nhiễm đang giảm nhanh ở châu Âu nơi một số thử nghiệm đang diễn ra.

 

Tiến sĩ Soriot nói  trong một tương lai gần, tốc độ lây nhiễm đó sẽ là quá thấp để tiến hành các thử nghiệm vắc xin lâm sàng đúng cách trong môi trường tự nhiên.

 

Ông cho biết thêm rằng các nghiên cứu được gọi là “thử thách con người” trong đó mọi người cố tình tiếp xúc với virus để kiểm tra hiệu quả, không được coi là có thể chấp nhận về mặt đạo đức với COVID-19.

 

Ông nói  “Chúng tôi đang chạy đua với thời gian".

 

Coronavirus đến nay đã giết chết hơn 355,000 người và lây nhiễm ít nhất 5.7 triệu người trên toàn thế giới chỉ trong vài tháng.

 

Giám đốc IFPMA Thomas Cueni chỉ ra rằng thế giới sẽ cần khoảng 15 tỷ liều vắc xin để ngăn chặn virus, đặt ra những thách thức hậu cần rất lớn.

 

Ông nhấn mạnh rằng ngành kỹ nghệ này đã cam kết bảo đảm quyền tiếp cận công bằng đối với vắc xin trong tương lai, nhưng thừa nhận rằng “chúng tôi sẽ không có đủ số lượng từ ngày đầu tiên, dù đã có những nỗ lực tốt nhất”.

 

Khi một vắc xin có tác dụng được tìm thấy, một trong những trở ngại lớn nhất – có thể gây ngạc nhiên – để đưa ra số lượng cần thiết là không có đủ ống thủy tinh để lưu trữ các liều thuốc.

 

“Không có đủ ống thuỷ tinh trên thế giới,” tiến sĩ Soriot nói và cho biết thêm AstraZeneca, giống như một số hãng khác, đang xem xét khả năng đặt nhiều liều vào mỗi ống.

 

Quyền sở hữu trí tuệ ‘căn bản’

Paul Stoffels, phó chủ tịch và giám đốc khoa học tại Johnson và Johnson, trong khi đó nói rằng nếu cần 15 tỷ liều, một số loại vắc xin khác nhau sẽ cần thiết để đáp ứng nhu cầu ban đầu.

 

Ông nói  “Không phải tất cả các ứng cử viên vắc xin có thể đi khắp thế giới tùy thuộc vào các tính năng, do đó, một chừng mực nào đó từ năm đến 10 chắc chắn sẽ cần thiết để phục vụ toàn thế giới”.

 

Một thách thức nữa có thể là một số vắc xin đang được chế tạo yêu cầu bảo quản ở nhiệt độ rất thấp, điều này có thể khó khăn ở những nơi thiếu hạ tầng cơ sở thích hợp.

 

Trong khi nhấn mạnh sự cần thiết của sự đoàn kết và bảo đảm việc phân phối vắc xin COVID-19 bình đẳng và công bằng, các giám đốc của các công ty dược phẩm thẳng thừng từ chối mọi đề nghị rằng quyền sở hữu trí tuệ nên được miễn trong nghiên cứu vắc xin.

 

Giám đốc GSK Emma Walmsley nói  “Quyền sở hữu trí tuệ – IP chắc chắn là chuyện nền tảng trong ngành công nghiệp của chúng tôi”.

 

Tiến sĩ Soriot trong khi đó chỉ ra rằng các công ty dược phẩm hiện đang đầu tư hàng tỷ đô la với rất ít cơ hội thu hồi chi phí.

 

Ông nói  “Nếu bạn không bảo vệ IP, thì về căn bản, không có động lực cho bất kỳ ai đổi mới”.