Australia - Đại học công nghệ Sydney (UTS) xây dựng trường học không nhựa, dùng nước tái chế, năng lượng tái tạo, mái và tường bằng vật liệu xanh... hướng đến giáo dục bền vững.
Đại học công nghệ Sydney (University of Technology Sydney - UTS) gồm hệ thống các tòa nhà được chứng nhận Green Star trong đó bao gồm các tòa Trung tâm UTS, tòa Vicki Sara, tòa Dr Chau Chak Wing, Engineering and IT Building... Điểm chung của các tòa nhà là đều sử dụng nguồn nước tái chế, năng lượng tái tạo; mái và tường bằng vật liệu xanh, cảnh quan khuôn viên trồng các loại cây chịu hạn để giảm thiểu việc sử dụng nước. Xe đạp là phương tiện chính dùng di chuyển trong trường.
Tòa nhà Trung tâm UTS khai trương vào tháng 8/2019. Tòa nhà nằm bên cạnh công viên trung tâm Sydney, thừa hưởng nguồn năng lượng và khí mát từ công viên này. Tòa nhà có ba khu vườn trên mái, hai sân thượng, góp phần đa dạng sinh học cho khuôn viên trường, giúp kiểm soát nhiệt độ và cách nhiệt cho các tầng dưới.
Nơi đây còn có khu ẩm thực PappaRich miễn phí dành cho sinh viên và cán bộ nhân viên của trường. Khu ẩm thực sử dụng vật liệu bao bì thân thiện môi trường như giấy, tre, bìa cứng, nhựa dẻo PLA bằng bột ngô...
UTS cam kết đảm bảo tính bền vững trong quá trình giảng dạy và học tập, nghiên cứu và các hoạt động trong khuôn viên trường.
Trung tâm UTS sử dụng mái che nắng tự động, tận dụng ánh sáng tự nhiên giúp tiết kiệm năng lượng. Nhà vệ sinh sử dụng nước tái chế để xả. Bậc thang và bàn ghế ngồi học dùng gỗ xây dựng được chứng nhận bền vững, thân thiện môi trường. Ghế đá dùng năng lượng mặt trời, có khả năng sạc điện thoại không dây, cho phép sinh viên sạc điện thoại hoặc laptop bằng cách đặt thiết bị lên ghế đá.
Tiếp đó là tòa nhà Vicki Sara, khai trương vào tháng 4/2015, được trao xếp hạng thiết kế Ngôi sao xanh 6 sao do Hội đồng công trình xanh Australia chứng nhận. Tòa Vicki Sara bao gồm một mái nhà xanh, hệ thống thu gom và xử lý nước mưa để tưới vườn, nước nóng năng lượng mặt trời cùng nhiều tính năng bền vững. Tòa nhà còn được công nhận với một số giải thưởng về thiết kế và kiến trúc.
Điểm nổi bật của Vicki Sara Building là mặt tiền cong, tấm ốp làm từ hơn 75% kính tái chế, lớp phủ tự làm sạch, phản xạ nhiệt. Hình dạng bậc thang và mái cho phép ánh nắng mặt trời chiếu vào quanh năm, kể cả mùa đông. Hệ thống chiếu sáng trong toàn bộ tòa nhà là sự kết hợp của đèn LED tiết kiệm năng lượng và phụ kiện T5 với ánh sáng ban ngày và cảm biến chuyển động. Việc tiêu thụ năng lượng được giảm thiểu thông qua sử dụng "mê cung nhiệt", bằng cách hút không khí trong lành vào một buồng, sau đó làm mát thiết bị trong phòng và giữ cho nhiệt độ hoạt động không đổi, từ đó giảm chi phí vận hành.
Cầu thang liên kết từng tầng, khuyến khích mọi người chọn cầu thang bộ thay vì thang máy. Nước mưa thu gom từ các mái của tòa nhà, lưu trữ trong bể chứa dưới hầm, dùng xả nhà vệ sinh và tưới cho cây. Mỗi tầng đều có trạm chiết rót chai nước và vòi uống nước tự động. Các tấm pin mặt trời trên mái tầng 8 giúp cung cấp nước nóng cho cả tòa nhà.
Phòng thí nghiệm công nghệ cao của UTS được đặt tại Vicki Sara Building, sức chứa đến 220 học sinh sử dụng cùng một lúc. Màn hình kỹ thuật số ở vị trí nổi bật, hiển thị thông tin về hiệu suất và tính năng bền vững. Tất cả đồng hồ điện, gas và nước trong tòa nhà đều được kết nối với Hệ thống Quản lý Năng lượng trong toàn khuôn viên trường.
Bên trong tòa nhà Tòa nhà Dr Chau Chak Wing, khu vực văn phòng, học tập có không gian mở và tường kính, cho phép ánh sáng tự nhiên xuyên qua khu vực làm việc. Điều hòa không khí đặt dưới sàn cải tiến tiết kiệm năng lượng, cung cấp không khí mát xuống nơi có người. Khoảng 2.000 cảm biến và máy đo được lắp đặt trong tòa nhà, cho phép các nhà nghiên cứu truy cập dữ liệu trực tiếp để nghiên cứu chất lượng không khí trong nhà, hiệu suất bền vững. Đồ nội thất cũng được lựa chọn, phân loại, có lượng khí thải VOC thấp, được thiết kế để dễ dàng tháo rời và tái chế.
Theo đại diện UTS, trung tâm công nghệ thông tin của trường có hơn 9,000 máy tính. Để giảm thiểu việc sử dụng năng lượng, từ năm 2012, UTS cài đặt phần mềm Greentrac trên máy tính để bàn, cho phép máy tính được tắt hoặc tắt nguồn tập trung. Cụ thể, màn hình sẽ chuyển sang chế độ chờ sau 15 phút không sử dụng; ổ cứng sẽ quay xuống tốc độ thấp hơn nếu máy không dùng trong 10 phút... Theo UTS, nhờ đó mỗi năm trường giảm 1,86 GWh mức sử dụng điện, tiết kiệm trên 250,000 đô-la chi phí; giảm lượng thải carbon và rác thải điện tử ra môi trường.
Tại UTS, hầu hết thiết bị công nghệ thông tin khối lượng lớn đều được cho thuê hoặc bán lại nhằm mục đích tái chế. Trường cũng tái sử dụng các thiết bị vẫn hoạt động tốt nhập về từ nơi khác. Một số thiết bị được quyên góp cho tổ chức từ thiện. Các thiết bị lỗi thời hoặc bị hỏng được gửi đến đơn vị tái chế rác thải điện tử với tỷ lệ thu hồi 98 phần trăm.
(Ảnh: UTS)