Thủ tướng Úc, Scott Morrison, tại cuộc họp trực tuyến của nhóm 4 quốc gia Source: AAP.

 

 

 

 

 

Các nhà lãnh đạo từ Úc, Hoa Kỳ, Nhật Bản và Ấn Độ đã đồng ý gửi một tỷ vắc-xin đến châu Á vào cuối năm tới 2022. Bốn quốc gia vốn được biết đến với tên gọi “Bộ Tứ Kim cương” đang phối hợp sử dụng các nguồn lực của mình trong cuộc chiến chống lại đại dịch COVID-19 qua một cuộc họp trực tuyến.

 

 

Tổng thống Hoa Kỳ, Joe Biden, Thủ tướng Úc, Scott Morrison, Thủ tướng Ấn Độ, Narenda Modi, và Thủ tướng Nhật Bản, Yoshihide Suga, đã tham gia Đối thoại An ninh Bộ Tứ đầu tiên, vốn được biết đến với tên gọi là liên minh “Bộ Tứ Kim cương”.

 

 

 

Diễn đàn không chính thức này được thành lập vào năm 2007, nhằm mục đích thống nhất các nền dân chủ hàng hải quan trọng trong khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, nhưng trước đó chỉ họp ở cấp bộ trưởng ngoại giao.

 

 

 

Tổng thống Hoa Kỳ Biden nói rằng cuộc gặp lịch sử này là rất quan trọng để phát triển các chiến lược nhằm bảo đảm an ninh cho khu vực.

 

 

 

Tổng thống Biden phát biểu “Chúng ta có một chương trình nghị sự lớn phía trước, nhưng tôi lạc quan về triển vọng của chúng ta. Quad sẽ là một đấu trường quan trọng cho sự hợp tác ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Và tôi mong muốn nhìn thấy sự hợp tác chặt chẽ với tất cả quý vị trong những năm tới”.

 

 

Trong khi đó, Thủ tướng Scott Morrison nói rằng khi các quốc gia cùng chia sẻ niềm tin và các giá trị chung thì có thể làm được rất nhiều việc.

 

 

Thủ tướng Scott Morrison nói "Đây là cách chúng tôi gìn giữ khu vực ổn định và an toàn cho tất cả người dân Úc, để quý vị có thể sống một cuộc sống tự do trong thế giới của chúng tôi và ở nơi tốt nhất của thế giới đó tại Úc”.

 

 

 

Liên minh vắc-xin COVID-19, biến đổi khí hậu và các công nghệ mới

 

Quan hệ đối tác chiến lược mới và liên minh vắc xin COVID-19 là những kết quả quan trọng đạt được từ các cuộc thảo luận giữa các nhà lãnh đạo.

 

 

 

Nhóm Bộ Tứ (The Quad) đã được thúc đẩy hành động mạnh mẽ hơn bởi nhu cầu đối đầu với những thách thức chiến lược do Trung Quốc đưa ra, cùng với việc các nhà lãnh đạo cam kết không bị ép buộc, tìm ra các giải pháp thực tế thay vì trở thành bức tường ngăn chặn Bắc Kinh và thúc đẩy đa dạng hóa phân phối viễn thông.

 

 

 

Liên quan đến đại dịch COVID-19, The Quad cho biết họ nỗ lực sử dụng các nguồn lực y tế và sản xuất to lớn của mình để mở rộng sản xuất và phân phối vắc-xin coronavirus chủ yếu để hỗ trợ các nước Châu Á-Thái Bình Dương và các thành viên của chương trình COVAX.

 

 

 

 

“Là một phần của dự án tiêm chủng, nhóm 4 quốc gia này đặt mục tiêu cung cấp ít nhất một tỷ vắc-xin COVID-19 trên khắp châu Á vào cuối năm 2022.”

 

 

 

 

 

Ấn Độ là nước sản xuất vắc-xin lớn nhất thế giới và nước này sẽ sử dụng khả năng sản xuất của mình để sản xuất vắc-xin của Mỹ.

 

 

 

Thủ tướng Ấn Độ Modi nói rằng sự đoàn kết khi đối mặt với nhiều thách thức như tiêm chủng vắc-xin trên toàn cầu thể hiện bản chất của Bộ Tứ.

 

 

 

Thủ tướng Modi nói “Chúng tôi đoàn kết với nhau bằng các giá trị dân chủ và cam kết hướng tới một Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do, cởi mở và hòa nhập. Chương trình nghị sự của chúng tôi hôm nay bao gồm các lĩnh vực như vắc-xin, biến đổi khí hậu và các công nghệ mới nổi giúp cho Bộ Tứ trở thành một lực lượng vì lợi ích toàn cầu. Tôi thấy tầm nhìn tích cực này là một phần mở rộng của triết học cổ đại của Ấn Độ 'Vasudhaiva Kutumbakam', xem thế giới như một gia đình”.

 

 

 

Biến đổi khí hậu cũng nằm trong chương trình nghị sự tại cuộc họp lần này, với việc Thủ tướng Nhật Bản Suga nhắc lại về sự hỗ trợ của khu vực khi nước này đối mặt với thiên tai.

 

 

 

Ông Suga chia sẻ  “Ngày 11 tháng 3 vừa qua kỷ niệm 10 năm trận động đất ở phía động Nhật Bản. Chúng tôi đã nhận được sự hỗ trợ lớn từ Hoa Kỳ, Úc và Ấn Độ để ứng phó với thảm họa này. Ông Joe Biden đã đến thăm khu vực bị ảnh hưởng ngay sau thảm họa và một lần nữa tôi xin cảm ơn các bạn”.

 

 

Các nhà lãnh đạo Quad đang có kế hoạch gặp mặt trực tiếp trước cuối năm nay. Thủ tướng Morrison nói rằng những hội nghị thượng đỉnh như thế này cho thấy sức mạnh của khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.



“Khi chúng ta thoát khỏi đại dịch và suy thoái kinh tế toàn cầu này, chúng ta hãy cùng nhau tạo ra một tương lai khác. Chính Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương hiện sẽ định hình vận mệnh của thế giới chúng ta trong thế kỷ 21”.