Những người Rohingya tị nạn trên một chiếc thuyền gỗ ngoài khơi  Bireuen, tỉnh Aceh, Indonesia. Nguồn: AAP

 

AUSTRALIA - Những nhà tranh đấu cho người tỵ nạn hiện thúc giục Thủ Tướng Anthony Albanese hãy xét lại chính sách về người tỵ nạn tại Indonesia, sau khi Thủ tướng hoàn tất chuyến viếng thăm 2 ngày tại quốc gia nầy. Liệu có hy vọng gì trong vấn đề nầy hay không?.

 

"An ninh quốc gia là về cách ứng phó thích hợp với chủ nghĩa khủng bố".

"Đó cũng là về việc có một chính sách quốc phòng có tầm nhìn xa, mạnh mẽ và được tính toán kỹ lưỡng, cũng như là việc có một cái nhìn không khoan nhượng về quyền bất khả xâm phạm của đất nước này, trong việc bảo vệ biên giới", John Howard.

 

Đó là lời của Thủ Tướng John Howard vào năm 2001, theo sau các cuộc tấn công khủng bố tại Mỹ vào ngày 11 tháng 9 và việc chống khủng bố là mục tiêu cho mọi vấn đề.

 

Vào tháng 10 năm đó, ông còn vài tuần lễ trước khi có cuộc bầu cử.

 

Ông John Howard nói “Đó là về việc quốc gia này nói với thế giới rằng, chúng tôi là một dân tộc rộng lượng, cởi mở, thu nhận nhiều người tị nạn trên cơ sở bình quân đầu người hơn bất kỳ quốc gia nào ngoại trừ Canada".

"Chúng tôi có một kỷ lục đáng tự hào, khi chào đón mọi người từ 140 quốc gia khác nhau".

"Thế nhưng chúng tôi sẽ quyết định ai đến đất nước này và hoàn cảnh nào họ đến đây”.

 

Tình cảm đó đã đặt ra nền tảng và tiền lệ cho chính sách bảo vệ biên giới của nước Úc trong hai thập niên tiếp theo.

 

Đầu năm đó, Chính phủ Liên đảng của Tự do Quốc gia đã từ chối cấp phép cho một tàu Na Uy chở hàng trăm người tị nạn, được cứu thoát khỏi cuộc đàn áp ở Afghanistan, đi vào vùng biển của Úc và gây ra tranh chấp ngoại giao giữa Úc và Na Uy.

 

Những gì xảy ra trong những ngày kế tiếp xác định cách đối xử của Úc, đối với những người đến bằng thuyền trong nhiều năm sau đó.

 

Chính phủ Howard đã giới thiệu cái gọi là “giải pháp Thái Bình Dương”, với việc xử lý và giam giữ ở nước ngoài được sử dụng một cách rõ ràng, để ngăn chận những kẻ buôn lậu người, lấy Úc làm điểm đến.

 

Chính sách này đã bị bãi bỏ dưới thời Chính phủ Lao động của Thủ Tướng Kevin Rudd vào năm 2007, thế nhưng được tái giới thiệu với tên là ‘Chiến dịch Chủ quyền Biên giới’, khi Liên Đảng trở lại nắm quyền vào năm 2013, dưới thời Thủ tướng Tony Abbott.

 

 

Sau đó Chiến dịch Chủ quyền Biên giới được các chính phủ kế tiếp của Malcolm Turnbull và Scott Morrison ủng hộ.

 

Ông Scott Morrison nói “Nếu bị phát hiện không phải là người tị nạn, quí vị sẽ ở lại trại này cho đến khi quyết định hồi hương".

"Quí vị nên biết rằng, ý chí của Chính phủ sẽ không thay đổi về vấn đề này, là quí vị sẽ ở lại đây cho đến khi về nước, hoặc bạn được tái định cư ở một nơi khác ngoài Úc".

"Nếu chọn không hồi hương, thì quí vị sẽ ở đây một thời gian rất dài”.

 

Được biết chính sách này thường bị chỉ trích là vừa khắc nghiệt vừa vi phạm nghĩa vụ của Úc theo luật quốc tế, trong đó quy định rõ ràng rằng bất kỳ ai cũng có quyền xin tị nạn khỏi bị đàn áp.

 

Việc đẩy những chiếc thuyền chở đầy người xin tị nạn trở lại vùng biển quốc tế, rõ ràng là vi phạm Công ước Người tị nạn năm 1951, nhưng trong thập niên qua, Úc đã thường xuyên làm điều này.

 

Giáo sư Daniel Ghezelbash là Phó Giám đốc Trung tâm Kaldor về Luật Người tị nạn Quốc tế.

 

Ông giải thích cách thức nước Úc có thể lách né Công ước.

 

Ông Daniel Ghezelbash nói “Đầu tiên là sự bí mật và sự che đậy, chúng tôi không biết chính xác điều gì đang diễn ra, rồi các hoạt động cưỡng chế và phản hồi nầy đang diễn ra ở đâu".

"Rất khó để tiếp cận những người tị nạn và những người tầm trú, họ đang phải đối mặt với những trở ngại này".

"Vì vậy rất khó để có được bằng chứng cho thấy, chúng ta cần buộc chính phủ phải chịu trách nhiệm về hành động của họ".

"Ngoài ra còn có rất nhiều cách diễn giải pháp lý sáng tạo, hoặc thứ mà tôi gọi là ‘chủ nghĩa siêu hợp pháp’, trong đó Chính phủ giải thích các nghĩa vụ Quốc tế của mình, theo cách bật đèn xanh cho các hành động của mình".

"Những tuyên bố chẳng hạn như ‘thực tế là một số nghĩa vụ của chúng tôi không áp dụng, khi hành động vượt ra ngoài biên giới của Úc hoặc trên biển’, chuyện nầy rất giả tạo và không được quốc tế ủng hộ".

"Thế nhưng họ cung cấp hành động bao che bổ sung này, để Chính phủ Úc có thể tiếp tục khẳng định thực tế là, họ đang tuân thủ các nghĩa vụ Quốc tế trong khi thực tế có thể không có gì cả”.

 

Ông nói rằng, một tác dụng khác của chính sách là ảnh hưởng đến người tầm trú tại mọi nơi trên thế giới.

 

Ông Daniel Ghezelbash nói “Đây là chiến dịch quốc tế thực sự có sự phối hợp công khai, nhằm cố gắng xây dựng sự ủng hộ và thúc đẩy các chính sách của Úc như một hình mẫu và quan điểm này nếu được các nước khác làm theo, nó sẽ hợp pháp hóa cách tiếp cận của Úc".

"Đáng buồn là điều này đã rất thành công và chúng tôi đã chứng kiến ​​các chính sách đẩy lùi tàu thuyền phổ biến trên khắp thế giới và gần đây là mô hình thanh lọc ở nước ngoài, với thỏa thuận giữa Anh và Rwanda cùng các động thái tương tự đang diễn ra, ở cả Đan Mạch và Áo để áp dụng việc thanh lọc ngoài khơi kiểu Úc”.

 

Được biết trong thập niên vừa qua, ngày càng có nhiều người tầm trú đến Indonesia.

 

Bà Fabia Claridge, từ nhóm ‘People Just Like Us’, tạm dịch là ‘Những Người Cũng Giống Như Chúng ta’ ước tính con số của họ vào khoảng 14 ngàn người.

 

Bà kêu gọi chính phủ Lao động mới được bầu chọn, đưa họ vào một cuộc tiếp nhận nhân đạo đặc biệt trong một lần duy nhất.

 

Bà nói “Những người này là bộ mặt của chính sách 'ngăn chặn thuyền bè' hay ‘Chiến dịch Chủ quyền Biên giới’.

"Họ đã bị đuổi trở lại hoặc bị ngăn cản đến Úc, mặc dù nhiều người trong số họ có gia đình ở Úc".

"Một nửa trong số họ đến từ Afghanistan, mà chúng tôi biết họ không thể quay trở lại".

"Nhiều người là Hazaras từ Afghanistan, những người khác là người Rohingya không quốc tịch và không có nơi nào để đi".

"Thêm nữa Indonesia không phải là quốc gia ký kết Công ước Liên hiệp quốc”.

 

Bà nói thêm rằng, theo sau 2 năm đại dịch khởi phát khiến vấn đề di trú ngưng lại, con số thu nhận người tỵ nạn gia tăng có thể mang lại lợi lộc cho lực lượng lao động và cho nền kinh tế Úc nói chung.

 

Bà nói Fabia Claridge nói “Các nhà kinh tế nói rằng, họ muốn số thu nhận người tỵ nạn là 190 ngàn người mỗi năm, và mức thu nhận người tỵ nạn tại Úc khá cao trên dưới 200 ngàn người mỗi năm".

"Nhận 14 ngàn người là chẳng có vấn đề gì, chỉ là một giọt nước giữa đại dương và có thể dễ dàng thực hiện”.

 

Còn giáo sư Ghezelbash vạch ra những cơ hội khác, khiến gia tăng mức thu nhận người tỵ nạn từ Indonesia, có thể đưa đến tân chính phủ Úc.

 

Giáo sư Ghezelbash nói “Chính phủ đảng Lao động Albanese thực sự có cơ hội thiết lập lại mối quan hệ, không chỉ với Indonesia mà còn trong khu vực Á Châu Thái Bình Dương".

"Chúng tôi đã thấy một số bước tiến rất tích cực về vấn đề đó và điều này sẽ tạo cơ hội cho chúng tôi, tham gia có ý nghĩa hơn với các nước láng giềng, để nâng cao năng lực và bảo vệ người tị nạn cũng như quyền của người tị nạn được bảo vệ trong khu vực của chúng tôi".

"Theo nhiều cách thức, chúng tôi đã được coi là một chút sai lầm trong khu vực, khi nói đến những vấn đề này".

"Chúng tôi đã đi một mình và loại bỏ trách nhiệm bảo vệ người tị nạn sang các quốc gia khác trong khu vực”.

 

Trong khi đó bà Sophie McNeill thuộc tổ chức Theo dõi Nhân quyền cho biết, đã có những dấu hiệu đáng khích lệ từ chính phủ Albanese, chẳng hạn như cấp visa bắc cầu cho gia đình tỵ nạn Tamil là Nadesalingam.

 

Bà Sophie McNeill nói “Có một số dấu hiệu thực sự dễ chịu và tôi nghĩ rằng người Úc đã gửi một thông điệp mạnh mẽ trong cuộc bầu cử rằng, họ không còn muốn các chính sách tàn ác và vô nhân đạo nữa".

"Chúng tôi đã thấy Chính phủ Morrison cố gắng giải quyết những vấn đề này, ngay cả trong những ngày cuối cùng của họ".

"Vì vậy tôi nghĩ người Úc đã gửi một thông điệp mạnh mẽ rằng, họ không còn quan tâm đến việc chính trị hóa những vấn đề này, hoặc thực hiện các chính sách tàn ác như vậy".

"Chúng tôi thực sự hy vọng rằng dưới thời Bộ trưởng Nhập cư mới Andrew Giles, sẽ có một chính sách nhân đạo hơn và mong muốn được hợp tác, để cố gắng đạt được điều đó càng sớm càng tốt”,.

 

Còn tân Tổng Trưởng Di trú Andrew Giles và tân Tổng trưởng Nội Vụ Claire O’Neill, không thể hồi đáp trong cuộc thảo luận với SBS vào lúc này.