Công ty di trú của Tạ Quang Huy bị cáo buộc đã hỗ trợ cho tội phạm ma tuý kéo dài thời gian ở lại Úc bằng cách xin visa tị nạn cho những người này. Credit: Facebook/ Ta Quang Huy

 

AUSTRALIA - Công ty di trú do Jack Ta, tức Tạ Quang Huy, điều hành bị cáo buộc đã lợi dụng kẽ hở trong luật di trú để giúp cho tội phạm ma tuý kéo dài thời gian ở lại Úc, theo một cuộc điều tra.

 

Một cuộc điều tra độc quyền của báo The Age, The Sydney Morning Herald và chương trình 60 Minutes tiết lộ rằng công ty của Tạ Quang Huy đang bị các cơ quan thực thi pháp luật nhắm tới vì cáo buộc giúp cho các tội phạm ma túy người Việt tránh bị trục xuất và kéo dài thời gian ở lại Úc.

 

Công ty di trú của Tạ Quang Huy được cho là có liên quan đến 150 hồ sơ xin visa tị nạn không hợp lệ trong nhiều năm qua, và 100% đơn xin tị nạn mà công ty này đã nộp cho khách hàng được xác định là “không có bất kỳ cơ sở nào”.

 

Điều đáng lưu ý là có ít nhất 15 tội phạm ma túy bị kết án nằm trong số những bộ hồ sơ nói trên.

 

Dữ liệu cho thấy công ty di trú của Tạ Quang Huy đã tạo điều kiện cho khách hàng (tội phạm) nộp đơn xin visa tị nạn nhằm kéo dài thời gian ở lại Úc cho họ.

 

Và với tình trạng hồ sơ visa tồn đọng như hiện nay, quá trình này, từ lúc chờ duyệt xét hoặc từ chối, hoặc nộp đơn xin các loại visa khác, và cả tranh cãi ra tòa... quá trình này có thể giúp khách hàng kéo dài thời gian lưu trú ở Úc thêm nhiều năm.

 

Theo ba nguồn tin chính thức nhưng ẩn danh, các cơ quan điều tra lần đầu tiên xác định mối quan ngại về việc tội phạm ma túy ở ngoại quốc dùng dịch vụ di trú của Tạ Quang Huy để nộp đơn xin visa vào năm 2014.

 

Theo các nguồn tin khác không được phép công khai được nhắc đến, các nhà điều tra đã liên kết văn phòng của Tạ Quang Huy với các đơn xin visa bằng cách phân tích địa chỉ IP (một địa chỉ đơn nhất mà các thiết bị điện tử sử dụng để nhận diện và liên lạc với nhau trên mạng máy tính bằng cách sử dụng giao thức Internet).

 

Báo The Age, The Sydney Morning Herald và 60 Minutes đã nhờ một người đóng giả làm tội phạm buôn bán heroin và gặp Tạ Quang Huy để nhờ xin visa cho hai 'đồng nghiệp' người Việt. Đoạn trao đổi được bí mật ghi hình với âm thanh đầy đủ.

 

Khi được hỏi liệu ông có thể giúp hai người này kéo dài thời gian ở lại Úc từ hai đến ba năm hay không, Tạ Quang Huy nói rằng điều đó rất “dễ dàng”.

“Mặc dù họ đang lưu trú bất hợp pháp [tại Úc], có năm hoặc sáu loại visa khác nhau mà họ có thể xin,” ông nói. Và khẳng định "dễ dàng" có được kết quả như mong đợi, trong đoạn ghi hình.

 

---

 

Trong một cuộc phỏng vấn với 60 Minutes, Tạ Quang Huy đã biện minh cho việc nộp đơn xin tị nạn cho các tội phạm ma tuý, rằng “lựa chọn duy nhất và loại visa duy nhất mà họ có thể nộp là visa tị nạn”, nhằm cho phép họ ở lại Úc trong thời gian chờ xét duyệt hồ sơ hoặc nộp một loại visa khác.

 

Tạ Quang Huy còn cho biết ông đã đưa ra lời khuyên hợp pháp cho hơn 1000 tội phạm trồng cần sa người Việt gặp rắc rối về luật pháp, đồng thời khẳng định có “ít nhất 300 tội phạm” có kế hoạch đi từ Việt Nam sang Úc.

 

Trên mạng xã hội, Tạ Quang Huy cũng thường xuyên chụp ảnh cùng và có những bài viết mối quan hệ 'thân mật' với các chính trị gia Úc để quảng cáo cho công ty di trú của mình.

 

Lần gần nhất là ảnh chụp với Tổng Trưởng Di Trú đương nhiệm của chính phủ Lao Động, ông Andrew Giles, giữa tháng Mười 2022.

 

Trong một bài viết trên Facebook cá nhân năm 2019, Tạ Quang Huy nói rằng ông đã có một “bữa ăn tối vô cùng thân mật” với Tổng trưởng Nội vụ khi đó là ông Peter Dutton, và nguyên Thứ trưởng Nội vụ Jason Wood của chính phủ Liên Đảng.

“Chúng tôi bàn về dự luật, chính sách sửa đổi và chắc chắn năm nay sẽ có nhiều sự thay đổi tốt. Chúc mừng bạn Jason Wood đã được lên chức là Thứ Trưởng Bộ Nội Vụ sau khi bầu cử và chắc chắn sau này chúng ta sẽ trao đổi và góp ý vào các chính sách nên sửa đổi và tác giả cũng sẽ tiếp tục đại diện cho các bạn khi hồ sơ phải cần sự can thiệp của Bộ/Thứ trưởng.”

Credit: Facebook/ Ta Quang Huy

 

Tuy nhiên, bài báo của The Age, The Sydney Morning Herald và 60 Minutes không hề khẳng định rằng ông Dutton hoặc ông Wood có liên quan đến các hoạt động mờ ám do công ty của Tạ Quang Huy thực hiện.

 

Theo luật định, khi một đại diện di trú giúp khách hàng khai không đúng sự thật khi xin visa, khi không khai báo việc họ có liên quan đến hồ sơ xin visa, hoặc tuyên bố rằng họ có “mối quan hệ đặc biệt” với bất kỳ quan chức chính phủ nào, là vi phạm quy tắc ứng xử nghề nghiệp.

(Nguồn: SBS)