Một ngày nắng nóng ở thành phố Melbourne với dự báo thời tiết cho biết nhiệt độ có thể lên đến gần 40 độ C. (AAP)

(Theo SBS Việt ngữ)

Các chuyên gia cảnh báo rằng độ che phủ cây xanh hiện suy giảm tại hầu hết các tiểu bang của Úc, dẫn đến hiệu ứng “đảo nhiệt đô thị”. Họ kêu gọi chính phủ và cả người dân tăng cường không gian xanh lên 30%.

Nước Úc vừa trải qua năm 2019 “nóng nhất và khô nhất trong lịch sử”, thế nhưng các chuyên gia và nhà quy hoạch đô thị cho rằng chỉ một hành động đơn giản như trồng thêm nhiều cây xanh có thể giúp “hạ nhiệt” cho các thành phố.

“Chúng ta biết một chiến lược đã được thử nghiệm thành công, là việc trồng thêm nhiều cây xanh và mái nhà xanh trong các không gian đô thị có thể giúp giảm nhiệt độ bề mặt lên đến 40%,” Tiến sĩ Tony Matthews, giảng viên cao cấp của Đại học Griffith nói với tạp chí Architecture & Design.

“Chúng ta cần gán một giá trị kinh tế và xã hội cao hơn cho cây cối và không gian xanh trong đô thị.

Sẽ thật tuyệt nếu các cư dân có thể góp phần phủ xanh ngôi nhà của họ, và được chính phủ hỗ trợ thông qua một chương trình ưu đãi.

Một sáng kiến quốc gia mang tên Greener Spaces Better Places đã tập hợp các chuyên gia học thuật, cơ quan chính phủ và ngành kỹ nghệ nhằm tăng cường các mảng xanh.

Nghiên cứu của nhóm này cho thấy nhựa đường và các mái nhà màu tối đã tạo nên hiệu ứng đảo nhiệt đô thị (urban heat island effect), hấp thụ nhiệt và tỏa nhiệt trở lại, khiến cho nhiệt độ mặt đất có thể tăng lên đến 55 độ C vào những ngày nắng.

Bên cạnh đó, một bản phúc trình mang tên Where Should All The Trees Go của nhóm này cũng phát hiện rằng, độ che phủ cây xanh đã giảm tại hầu hết các tiểu bang và lãnh thổ thuộc Úc – giảm đến 9% tại Tasmania trong thập niên vừa qua.

Mảng xanh tại một số khu vực có thể mất đi vì những ngôi nhà ngày một lớn hơn và đất vườn thu hẹp lại, trong khi ở những nơi khác thì do cháy rừng và hạn hán tàn phá những thảm thực vật lớn.

Theo ông Marco Amati, phó giáo sư về quy hoạch quốc tế thuộc Đại học RMIT, trách nhiệm không chỉ thuộc về các nhà đầu tư và hội đồng thành phố.

“Có rất nhiều khu dân cư tạo thành không gian nơi số cây xanh có thể được tăng cường và cải thiện,” ông Amati nói. “Vì thế chúng ta cần một chiến dịch nhằm giúp người dân nhận thức được tầm quan trọng của cây xanh trong vườn nhà họ.”

Chỉ trồng cây thôi thì chưa đủ

Bà Leigh Staas là người quản lý dự án Which Plant Where – một công trình nghiên cứu kéo dài 5 năm nhằm tìm hiểu cách thực vật ứng phó với những môi trường khắc nghiệt.

Bà kêu gọi tăng cường độ che phủ cây xanh trong các đô thị lên 30%, nhưng phải chọn đúng loại cây.

Bà Staas nói “Mặc dù việc trồng cây ngày càng được xem là một phương pháp hiệu quả về chi phí nhằm cải thiện khả năng thích ứng và tính bền vững của các thành phố đối với biến đổi khí hậu, nhưng phương pháp này sẽ vô hiệu nếu cây trồng không thể chịu đựng điều kiện sống mới và bị chết,”.

“Việc tăng cường sự đa dạng của cây xanh trong các thành phố là quan trọng nhằm bảo đảm rằng cảnh quan đô thị của chúng ta có thể đương đầu với các thử thách của biến đổi khí hậu, đặc biệt là hạn hán và sâu bệnh.”

Theo Reuters, thành phố Melbourne đã cam kết tăng độ che phủ của cây từ 22% lên 40% trước năm 2040, nhằm giảm bớt những tác hại đối với sức khỏe do sốc nhiệt gây ra.

Tuy nhiên, bà Julie Arrighi, cố vấn khí hậu của hội Hồng Thập tự, cho rằng thách thức lớn nhất không phải là chi phí trồng cây, mà là chi phí chăm sóc.

Bà Arrighi nói “Trồng cây là một chuyện – bạn còn phải bảo đảm rằng chúng được tưới nước nữa,”