Bộ Trưởng Bộ Nội Vụ, Clare O'Neil, nói rằng hệ thống di trú hiện đang “hư hỏng” sau các vụ bê bối xảy ra. Nguồn: AAP / James Ross

 

AUSTRALIA - Các báo cáo gần đây cho thấy bọn tội phạm đang lợi dụng những kẽ hở trong hệ thống di trú Úc. Cần phải làm gì để xử lý tình trạng này? Sau đây là ý kiến của các chuyên gia.

 

Tổng trưởng Nội vụ Clare O'Neil hôm thứ Hai cho biết sẽ có một cuộc đánh giá độc lập về hệ thống di trú Úc, sau loạt bài điều tra của đài số 9 về tình trạng gian lận visa và bóc lột lao động ngoại quốc, trong đó có cả việc công ty di trú của Tạ Quang Huy bị cho là “tiếp tay” cho bọn tội phạm ma tuý.

 

SBS News xác nhận rằng cuộc đánh giá này sẽ được tiến hành riêng biệt với cuộc đánh giá được công bố tại Hội nghị thượng đỉnh về việc làm và kỹ năng hồi tháng Chín, diễn ra trong bối cảnh lo ngại về tình trạng thiếu lao động có tay nghề ở Úc.

bà O'Neil nói với đài ABC hôm thứ Hao rằng “Rõ ràng là có những sự lạm dụng có hệ thống đang xảy ra vào lúc này.”

 

Bà cũng chỉ trích thủ lãnh đối lập Peter Dutton khi ông còn là Tổng trưởng Nội vụ, cho rằng ông “nói chuyện cứng rắn” về biên giới nhưng đồng thời lại lãnh đạo “một hệ thống cho phép những điều này xảy ra”.

 

Theo bà Mary Crock, giáo sư luật thuộc trường Đại học Sydney, thiếu nguồn lực xử lý visa có thể dẫn đến việc bỏ sót những trường hợp lạm dụng hệ thống di trú.

Bà nói “Nếu bạn không có đủ người để đưa ra quyết định, bạn cũng không có số lượng người thích hợp để bảo đảm rằng những vụ lạm dụng sẽ không xảy ra.”

 

Giáo sư Crock cho biết tình trạng tồn đọng hồ sơ visa cũng làm trầm trọng thêm vấn đề, vì “các trường hợp lạm dụng” không thể được giải quyết nhanh chóng. Thay vào đó, người nộp đơn có thể ở lại và làm việc hợp pháp tại Úc theo visa bắc cầu trong khi chờ đợi đơn xin visa của họ được xử lý.

 

Sau khi đắc cử vào tháng Năm, đảng Lao động phải đối mặt với gần 1 triệu hồ sơ visa tồn đọng. Chính phủ Albanese cho biết con số này đã giảm xuống còn khoảng 880.000 hồ sơ, sau khi tuyển dụng thêm 260 nhân viên.

 

Trong Ngân sách liên bang được công bố vào tháng Mười, chính phủ đã cam kết đầu tư 42,2 triệu đô la trong hai năm từ 2022-23 để tăng khả năng xử lý visa.

 

Giáo sư Crock cho rằng cần phải bổ nhiệm nhân viên theo cách mà một người có thể giám sát toàn bộ quy trình của một bộ hồ sơ, và bảo đảm rằng người nộp đơn không tìm cách “lách luật”.

 

Còn theo ông Abul Rizvi, cựu quan chức Bộ Di trú, cuộc đánh giá nên diễn ra trong ít nhất một năm và nên lắng nghe ý kiến từ “tất cả các thành phần trong xã hội”, bao gồm các doanh nghiệp, nghiệp đoàn, chuyên viên di trú và người nhập cư, vì tính phức tạp của hệ thống.

 

Ông Rizvi cho rằng chính phủ cũng nên xem xét cách thức các vụ lạm dụng xảy ra, có bao nhiêu thủ phạm, làm sao để xác định chúng, cũng như cách mà người nhập cư bị bóc lột.

 

Ông cũng kêu gọi các hình phạt cứng rắn hơn, chẳng hạn như án tù, đối với những chủ nhân trả lương thấp hơn mức quy định cho người lao động nhập cư.

Abul Rizvi, cựu quan chức Bộ Di trú, nói “Trừ phi bạn có thể ngăn chặn mức độ ảnh hưởng đến người nhập cư, động cơ tài chính sẽ tiếp tục thúc đẩy những kẻ xấu hành động.”

 

Trong khi đó, chính phủ cho biết cuộc đánh giá được công bố tại Hội nghị thượng đỉnh về việc làm và kỹ năng là nhằm “phát triển một chiến lược tổng thể nêu rõ mục đích, cấu trúc và mục tiêu của hệ thống di trú Úc nhằm bảo đảm hệ thống này đáp ứng lợi ích quốc gia trong những thập niên tới”.

 

Một báo cáo sơ bộ sẽ được gửi cho Bộ trưởng vào ngày 28/2, bao gồm các khuyến nghị cho Ngân sách năm tới.