Source: SBS

 

 

Victoria và NSW đều đang khuyến khích công chúng đi xét nghiệm coronavirus, trong khi học sinh ở Queensland chuẩn bị trở lại trường. Các nhà lãnh đạo thế giới cam kết hàng tỉ đôla để đẩy nhanh tiến độ bào chế vacxin cho coronavirus, trong khi các nước bắt đầu nới lỏng phong tỏa.

 

Nhà chức trách tiểu bang Victoria đang đối phó với ổ dịch tại một công ty chế biến thịt, với 34 nhân viên bị nhiễm coronavirus.

 

Trưởng ban Y tế Chính Quyền tiểu bang Victoria, Giáo sư Brett Sutton cho biết công ty Cedar Meats chuẩn bị đóng cửa khi phát hiện ca nhiễm đầu tiên và có những biện pháp cần thiết để ngăn chặn lây lan thêm.

 

“Đa số 19 nhân viên đều có triệu chứng và tất cả phải được cách ly cho nên không ảnh hưởng gì đến bên ngoài, và xưởng được đóng cửa, mọi thứ đều được kiểm soát, cho nên tôi nghĩ trường hợp này chúng ta đã làm rất tốt."

 

Số tử vong vì coronavirus ở Úc hiện là 96 người. Giới chức y tế NSW cho biết đã làm xét nghiệm từ 10,000 đến 15,000 người mỗi ngày.

 

Trưởng ban Y tế NSW, Dr Kerry Chant nói chính phủ muốn thấy có thêm người làm xét nghiệm nữa.   

 

“Tôi thúc giục cộng đồng hãy đi làm xét nghiệm nhiều hơn nữa. Mặc dù chúng tôi đặt ra mục tiêu 8.000 một ngày, nhưng tôi muốn bà con hãy đi làm xét nghiệm thêm, 10,000 đến 15,000, càng nhiều càng tốt."

 

Một trường học ở Tây Sydney phải đóng cửa sau khi có 1 học sinh nhiễm bệnh, và một phân viện ở Melbourne cũng phải đóng cửa sau khi có một giảng viên bị nhiễm coronavirus.

 

Tiểu bang Queensland dự trù mở cửa trường học cho lớp mẫu giáo, lớp 1 và lớp 11, 12 sẽ quay lại lớp từ ngày 11 tháng Năm.  

 

Thủ hiến Anastasia Palaszczuk cho biết từ ngày 25 tháng Năm hy vọng hầu hết các trường học sẽ được mở cửa trở lại nếu các ca lây nhiễm vẫn tiếp tục chững lại.

 

“Đương nhiên chúng ta phải cẩn thận phòng khi từ nay đến 25 tháng Năm các ca nhiễm lại tăng lên, nhưng đây là kế hoạch, chúng tôi muốn cho công chúng Queensland yên tâm về trường học cho con của họ.”

 

Kể từ thứ Hai tiểu bang Tasmania bắt đầu cho phép thăm viếng các viện dưỡng lão trở lại, nhưng vẫn giới hạn số người thăm. Thủ hiến Peter Gutwein nói còn phải chờ phiên họp của nội các quốc gia trước khi có quyết định nới lỏng thêm nữa hay không.

 

"Tôi hy vọng sau cuộc họp của nội các quốc gia vào thứ Sáu, tôi sẽ có thể đưa ra lộ trình nới lỏng căn cứ trên lời khuyên y tế. Cuối tuần này mọi người sẽ biết rõ các bước sắp tới là gì."

 

Các nước đóng góp để tìm vacxin 

 

Người dân ở Ý ăn mừng được ra ngoài đường sau hai tháng phải ở trong nhà. Mọi người cẩn thận mang khẩu trang nhưng họ đã có thể đi thăm bà con họ hàng.

 

Hơn 211,000 người Ý bị nhiễm coronavirus, hơn 29,000 người thiệt mạng, nhưng con số tử vong trên thực tế có thể cao hơn.

 

Hoa Kỳ cũng bắt đầu nới lỏng lệnh đóng cửa để hồi phục kinh tế. Nhưng Thống đốc New York Andrew Cuomo nói mở cửa khó hơn lúc đóng cửa.

 

"Đóng cửa tương đối đơn giản. Chỉ việc xuống hầm tặt điện đi là mọi thứ ngưng lại, đóng cửa tiệm đi về nhà. Đơn giản gọn gàng và cả nước đều làm, dừng mọi thứ lại. Nhưng khi mở cửa trở lại phức tạp hơn, chúng ta phải cẩn thận hơn."

 

Điều giới chức phải cân nhắc là nới lỏng các biện pháp ngăn chặn đại dịch có thể cái chết của hàng trăm ngàn người nữa.

 

Viện Thẩm Định Y Tế của Đại học Washington, dự đoán từ nay đến đầu tháng Tám sẽ có gần 135.000 người chết, gấp đôi con số dự đoán hồi giữa tháng Tư.

 

Các nhà lãnh đao thế giới cam kết nhiều tỉ đôla để đẩy nhanh tiến độ tìm ra vacxin. Úc, Anh, Nhật, Canada và Ảrập Saudi đóng góp 12 tỉ rưỡi đôla. Nhật đóng góp nhiều nhất là 1,2 tỉ đôla. Nhưng các nước Mỹ, Nga và Trung Quốc chưa động tịch gì.

 

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nói ông hy vọng Mỹ sẽ tham gia" "Hiện giờ Mỹ còn đứng bên lề, nhưng điều đó không ảnh hưởng gì đến việc phát triển vacxin. Nhưng chúng tôi vẫn tiếp tục nói chuyện với nhau."

 

Ngân quỹ được các nước cam kết trong cuộc họp thượng đỉnh trên mạng do Chủ tịch Ủy hội Âu châu, Ursula von der Leyen chủ trì.

 

“Chúng ta phải bảo đảm có vacxin và không quá đắc cho mọi người. Đó là tại sao chúng ta đều đóng góp cho nỗ lực toàn cầu này."

 

Tại một cuộc họp thượng đỉnh của các nước phi liên kết, NAM, Tổng thống Indonesia Joko Widodo bày tỏ quan ngại là các nước đang phát triển trong khối cần tiếp cận được  thuốc và vacxin, nhưng hiện lại không liên kết với các cường quốc.

 

Nguồn gốc của coronavirus vẫn tiếp tục là đề tài gây nhiều tranh cãi. Giám đốc Chương trình Khẩn Cấp của Tổ chức Y tế Thế giới, Dr Michael Ryan, nói Hoa Kỳ chưa cung cấp bằng chứng gì là coronavirus xuất phát từ phòng thí nghiệm.

 

''Cũng như bất kỳ cơ quan nào làm việc căn cứ trên chứng cứ, chúng tôi muốn nhận được thông tin về nguồn gốc của coronavirus. Đó là thông tin rất quan trọng cho việc kiểm soát dịch bệnh trong tương lai. Nếu có bằng chứng thì chính phủ Hoa Kỳ phải quyết định có chia sẻ nó hay không."

 

Cả Tổng thống Donald Trump và Ngoại trưởng Mike Pompeo đều nói họ đọc được bằng chứng cho thấy coronavirus xuất phát từ Học Viện Siêu Vi Khuẩn Vũ Hán.

 

Hiện toàn cầu đã có hơn 3 triệu rưỡi người nhiễm coronavirus, hơn 250,000 người chết, nhưng hơn 1 triệu người đã bình phục.