Bãi biển Coogee Beach hiện đang đóng cửa cho đến khi có thông báo mới nhất. Nguồn: AAP / Steven Markham

 

 

SYDNEY - Những bãi biển nổi tiếng nhất của Sydney đã trở thành tâm điểm chú ý trong tuần này khi hàng trăm quả bóng đen bí ẩn xuất hiện dọc bờ biển gây ra mối lo ngại về sự an toàn.

 

Hôm thứ ba, các mảnh vỡ hình cầu dạt vào bãi biển Coogee khiến bãi biển này phải đóng cửa. Một cuộc điều tra của Hội đồng thành phố Randwick và Cơ quan bảo vệ môi sinh NSW (EPA) đã được tiến hành.

 

Sau đó, xuất hiện thêm những quả bóng đen nổi lên ở bãi biển Clovelly ở Gordons Bay và đầu phía bắc của bãi biển Maroubra.

 

EPA xác nhận vào hôm thứ năm rằng những quả bóng cũng đã được phát hiện ở các bãi biển Bondi, Bronte, Tamarama, Little Bay, Malabar, Frenchmans và Congwong.

 

Tất cả các bãi biển ở Waverley sẽ vẫn đóng cửa cho đến khi tiến hành điều tra thêm.

 

Kể từ đó, những quả bóng đen này tiếp tục xuất hiện ở xa về phía nam đến tận Botany Bay, với cảnh báo rằng nhiều bãi biển Sydney có thể bị đóng cửa do chất gây ô nhiễm.

 

EPA đã xác nhận những quả cầu này là những cục nhựa hắc ín. Nhưng nguyên nhân nào khiến chúng trôi dạt vào bờ?

 

Stephen Beaman, giám đốc điều hành hoạt động quản lý tại EPA, cho biết những cục hắc ín dọc theo các bãi biển của Sydney chủ yếu là dầu hoặc hydrocarbon, một hợp chất hữu cơ có trong nhiên liệu hóa thạch như dầu mỏ và than đá.

Ông nói "Vào lúc này, chúng tôi xác nhận vật liệu này chủ yếu là hydrocarbon hoặc dầu, vì vậy chúng tôi cho rằng mối đe dọa là thấp,”

"Nhưng chúng tôi vẫn muốn cảnh báo mọi người tốt nhất là tránh tiếp xúc với vật liệu này".

 

NSW Maritime cho biết những sự kiện cục hắc ín như thế này chỉ xảy ra ở đâu đó tại Úc trong khoảng mỗi bốn đến năm năm một lần.

 

Theo Giáo sư Matthew England của Scientia từ Trung tâm Khoa học và Đổi mới Hàng hải UNSW, ông cho biết nếu bạn chạm vào cục hắc ín thì bạn nên rửa tay sau đó, vì chất này có thể gây hại nghiêm trọng nếu bạn ăn phải.

 

Giáo sư England nói rằng "mối nguy hiểm thực sự là thông qua chuỗi thức ăn".

"Ví dụ, con người ăn cá đã ăn phải thứ này. Đó là thứ cực kỳ độc hại.”

 

Mặc dù hiện tượng xuất hiện các cục dầu hắc ín trên các bãi biển của Úc là rất hiếm, Giáo sư England cho biết hiện tượng này làm nổi bật một vấn đề rộng hơn.

 

Ông nói "Điều này cho thấy sự phụ thuộc của chúng ta vào nhiên liệu hóa thạch đang gây ra vấn đề này",

"Việc khai thác dầu từ dưới đáy biển và thực hiện việc này trên đại dương, vận chuyển dầu bằng tàu thuyền và thực sự chỉ cần bơm dầu ra là một việc làm nguy hiểm. Và bạn có nguy cơ xảy ra sự cố tràn dầu, và điều này cực kỳ độc hại đối với hệ sinh thái.”

"Đây là một trong những nhược điểm của việc khai thác dầu mà bạn gặp phải — những cục dầu hắc ín này có thể tồn tại trong nhiều thập kỷ và xâm nhập vào chuỗi thức ăn.”