Hình ảnh một người đàn ông châu Á an ủi người phụ nữ chán nản. Người chồng cố gắng an ủi vợ đang buồn bã chán nản. Ảnh: iStockphoto / amenic181/Getty Images/iStockphoto
AUSTRALIA - Nhân Ngày Thế giới Phòng chống Tự tử, các chuyên gia sức khỏe tâm thần cho biết những công việc có áp lực cao góp phần làm gia tăng xu hướng tự tử. Ở Úc, tình trạng thiếu các dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần là điều có thể nhìn thấy, một nhu liệu ứng dụng mới vừa được phát hành để giúp giải quyết sự thiếu hụt này.
Tự tử vẫn là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu đối với người Úc độ tuổi từ 15 đến 45.
Nghiên cứu mới chỉ ra rằng những người làm những công việc căng thẳng cao dễ bị suy sụp tinh thần và dẫn tới khả năng tự tử cao gấp đôi so với những nhóm tuổi khác trong dân số nói chung.
Các chuyên gia y tế và những người nổi tiếng trong ngành giải trí hoặc dịch vụ tài chính đặc biệt dễ bị ảnh hưởng.
Advertisement
Ruth Limkin, Người sáng lập The Banyans Healthcare cho biết, những người cực kỳ thành công ở bề ngoài không tránh khỏi việc bị rối loạn sức khỏe tâm thần.
"Có một số yếu tố góp phần vào những thống kê rất đáng buồn này. Chẳng hạn như với những công việc áp lực cao thì thường đòi hỏi nhân viên làm việc căng thẳng tập trung cao kéo dài cả về thể chất lẫn tinh thần. Và họ thường chỉ nghĩ rằng là tôi cần phải tiếp tục để hoàn thành, đây là điều tôi cần làm. Do vậy, chúng tôi thực sự mong muốn mọi người nhận thức rõ ràng và chủ động bảo vệ sức khỏe tinh thần cho họ."
Marian Cartwright, Nhân viên xã hội & Nhà trị liệu tâm lý nói rằng việc thường xuyên phải đối mặt với những áp lực công việc cao có thể có những tác động tiêu cực đến sức khỏe tinh thần của một người.
Bà Cartwright cho biết có một số dấu hiệu giúp bạn nhận bản thân hoặc người quen của mình đang bị căng thẳng về tinh thần.
"Các triệu chứng kéo dài của cảm giác buồn bã, cô đơn, thiếu năng lượng và không hứng thú với cái gì hết. Cảm giác chỉ muốn rút lui khỏi các hoạt động và tương tác xã hội mà mình vẫn thường xuyên tham dựC. Có thể có một số hành vi khác thường và tiếp tới là hơi mạo hiểm. Có những thay đổi về giấc ngủ hay là dễ bị kích động hơn. Đó là những điều cần chú ý."
Tổ chức Y tế Thế giới WHO ước tính rằng trong một công ty có 1000 người thì mỗi năm đều có đến 30% nhân viên gặp vấn đề nghiêm trọng về sức khỏe tâm thần, và cứ mười năm thì có một người tự tử với 10 đến 20 người nghĩ đến chuyện tử tử hay tìm cách tự tử.
Tổ chức Y tế Thế giới cũng cho biết người sử dụng lao động nên nâng cao sức khỏe tinh thần cho nhân viên của mình và có kế hoạch hỗ trợ những người có vấn đề về sức khỏe tâm thần hoặc những người có thể có nguy cơ tự tử.
WHO cũng cho biết chỉ khoảng một phần ba số công nhân bị trầm cảm sẽ tham khảo ý kiến chuyên gia sức khỏe tâm thần, bác sĩ hoặc chương trình hỗ trợ nhân viên vì sợ bị kỳ thị.
Tại Úc, dữ liệu mới nhất từ Cơ quan Thống kê Úc (Australian Bureau of Statistics or ABS) cho thấy có đến 52,9% người Úc mắc chứng rối loạn tâm thần kéo dài 12 tháng mà không tìm kiếm sự trợ giúp chuyên nghiệp.
Bà Limkin cho biết nhiều người gặp khó khăn về sức khỏe tâm thần tránh nhận sự giúp đỡ.
"Từ công việc của chúng tôi tại cơ sở chăm sóc sức khỏe Banyans, chúng tôi biết có những người làm những công việc thực sự áp lực cao hoặc giữ vai trò điều hành cấp cao. Họ e ngại với việc tiếp cận điều trị vì họ sợ rằng điều đó có thể ảnh hưởng đến hình ảnh hay cách người ta nghĩ về họ, sợ người ta nghi ngờ về năng lực chuyên môn của họ. Bên cạnh đó, họ cũng khó tìm được thời gian trong lịch trình của mình. Đó là lý do tại sao chúng tôinỗ lực tạo ra các phương thức phù hợp cho mọi người, cho dù đó là chương trình ban ngày hay tại nhà. Bởi vì tại Banyans, chúng tôi tìm mọi cách giúp làm giảm bớt rào cản tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần."
Bà nói thêm rằng nhiều người thuộc nhóm đó thích tìm kiếm các lựa chọn điều trị tôn trọng quyền riêng tư và phù hợp với trách nhiệm của họ.
Patrick McGorry là bác sĩ tâm thần và giáo sư sức khỏe tâm thần chuyên về nhóm tuổi thanh thiếu niên tin rằng khả năng tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần ở Úc là chưa đủ.
"Chúng ta đang ở trong tình trạng chỉ có 50% người Úc được tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần khi họ cần. Nhưng mà nó cũng thường bị trì hoãn và việc tiếp cận cũng không dễ dàng gì. Do vậy mà chất lượng chăm sóc sức khỏe tâm thần ở ta thấp hơn nhiều so với những gì chúng ta mong đợi ở một quốc gia thuộc vào nhóm giàu có nhất thế giới như Úc, khi so sánh điều này với dịch vụ chăm sóc bệnh ung thư."
Hướng tới Ngày Thế giới Phòng chống Tự tử, Tổ chức Phòng chống Tự tử Úc đã ra mắt ứng dụng đa ngôn ngữ miễn phí "Ngăn chặn tự tử: Những gì cần nói" "Prevent A Suicide: What to Say", và trang web "Tiếp tục sống" "Hold onto life" để giúp mọi người hỗ trợ bản thân và những người thân yêu của họ đối với vấn đề sức khỏe tâm thần mà họ đang đối mặt .
Theo Cơ quan Thống kê Úc ABS, một triệu người Úc đã có ý định tự tử và ba triệu người đã từng thực sự nghĩ tới điều đó trong đời họ.
Giáo sư David Horgan người sáng lập nhu liệu ứng dụng này và là thành viên của Tổ chức Phòng chống Tự tử Úc cho biết sẽ không bao giờ có đủ chuyên gia để giúp đỡ số người có ý định tự tử.
Giáo sư Hogan nói rằng những người có ý định tự tử khó có thể thực hiện điều đó nếu họ nhận được nhiều tin nhắn ủng hộ từ những người thân yêu của họ.
"Nó được thiết kế đơn giản đến mức ngay khi mọi người nhắc đến gia đình và bạn bè của họ rằng họ ước gì mình không thức dậy vào buổi sáng hoặc ước gì mình không còn sống. Tất cả những gì bạn cần phải làm là cầm lấy điện thoại và truy cập vào một trong các dịch vụ đó. Và chỉ với một click, bạn có thể chuyển một tin nhắn văn bản mà bạn cho là phù hợp, vào điện thoại của mình và tin nhắn đó sẽ đi vào phần Tin nhắn trên điện thoại của bạn. Và bạn có thể gửi nó nguyên trạng hoặc sửa đổi nó để làm cho nó cá nhân hơn."
Gần 40% dân số Úc từng có mối quan hệ thân thiết với người từng nghĩ đến chuyện tự tử, hay tìm cách hay chết vì tự tử.
Hơn 65.000 người Úc tìm cách tự kết liễu đời mình hàng năm và hơn 8 người trong số họ thành công mỗi ngày.
Báo cáo mới nhất của Phòng chống tự tử Úc cho thấy người Úc bản địa chết vì tự tử với tỷ lệ gấp đôi dân số nói chung do bị phân biệt đối xử, bị tước đoạt tài sản trong quá khứ, bị cưỡng bức đi khi còn là trẻ em, đàn áp văn hóa và bị loại trừ.
Báo cáo cũng cho thấy những người LGBTIQ có tỷ lệ mắc bệnh tâm thần và tự tử cao hơn so với dân số nói chung ở Úc do phải trải qua sự phân biệt đối xử và kỳ thị.
Ông McGorry nói rằng xét đến mức độ thiệt hại của vấn đề sức khỏe tâm thần ở Úc, tự tử vẫn còn chưa được thảo luận một cách công khai.
"Tôi không nghĩ rằng các hướng dẫn truyền thông hiện tại là phù hợp với mục tiêu chúng tôi muốn hướng tới. Tôi nghĩ họ đã củng cố cảm giác xấu hổ và kỳ thị với đề tài tự tử khiến người ta ngại nói về nó một cách cởi mở. Các hướng dẫn này nói một cách hời hợt rằng, nói về tự tử không sao cả, thế nhưng thật sự thì họ lại không muốn nó được nói tới. Chẳng hạn như nếu vấn đề xuất hiện trên trang nhất của các tờ báo thì các hướng dẫn nói rằng không khuyến khích sử dụng từ 'tự tử' trong câu chuyện, và họ thường đưa tin về một cái chết do tự tử mà không đề cập đến điều đó, sự thật là vậy."
Ông McGorry tin rằng giới truyền thông nên cởi mở hơn về việc đưa tin về vụ tự tử, những thiệt hại mà nó gây ra và cách phòng ngừa nó.
Ông nói thêm rằng đây là một vấn đề sức khỏe cộng đồng lớn cần được giải quyết khẩn cấp.
"Nếu chúng ta nghiêm túc về việc ngăn chặn tự tử, chúng ta phải hiểu và giải quyết các yếu tố xã hội dẫn đến sự tuyệt vọng và tự tử. Những điều này ngày càng trở nên tồi tệ hơn ở những người trẻ tuổi do tình trạng khó khăn về kinh tế và sự bấp bênh của cuộc sống đối với họ. Giới trẻ ngày nay đang đối mặt với chi phí thuê nhà khổng lồ, giá nhà, yêu cầu cao đối với tay nghề của lực lượng lao động, ảnh hưởng của các phương tiện truyền thông xã hội và vấn đề biến đổi khí hậu, những xu hướng lớn này đang khiến giới trẻ cảm thấy cuộc sống của họ bấp bênh."
Nếu bạn hoặc ai đó bạn biết cần hỗ trợ, hãy gọi Beyond Blue theo số 1300 224 636 hoặc gọi Lifeline theo số 13 11 14.