Thủ tướng Scott Morrison gặp gỡ một nhân viên trong buổi đi thăm phòng thí nghiệm của AstraZeneca, ở Macquarie Park, Sydney vào hôm ngày 19 tháng Tám, 2020. Nguồn: AAP

 

 

 

 

Chính phủ Úc có thể phê duyệt việc sử dụng vắc-xin coronavirus do Đại học Oxford và AstraZeneca phát triển trước cuối tháng 1/2021, theo thông tin của AstraZeneca Australia.

 

 

Một phát ngôn nhân của công ty nói với SBS World News rằng vắc-xin có thể được chấp thuận trước ngày 31/1, và được phân phối vào tháng Ba năm nay.

 

 

Chính phủ liên bang đã ký một thỏa thuận với AstraZeneca cho gần 54 triệu liều vắc-xin vào năm 2021, với 20 triệu liều sẽ được sản xuất tại Úc bởi CSL.

 

 

Thông tin được đưa ra sau khi Anh quốc trở thành nước đầu tiên phê duyệt vắc-xin do Đại học Oxford và AstraZeneca phát triển, với hy vọng sẽ giúp nước này ngăn chặn làn sóng lây nhiễm của biến thể coronavirus mới.

 

 

Mặc dù có sự đồng ý của Cơ quan quản lý các sản phẩm chăm sóc sức khỏe và thuốc của Vương quốc Anh (MHRA), các câu hỏi xoay quanh dữ liệu thử nghiệm của vắc-xin này khiến nó khó có thể được chấp thuận nhanh chóng ở Âu Châu và Hoa Kỳ.

 

 

Hiện có sự không chắc chắc về mô hình sử dụng vắc-xin AstraZeneca/Oxford hiệu quả nhất, kể từ khi các dữ liệu được công bố hồi tháng trước cho thấy tỷ lệ thành công 90% sau khi tiêm một nửa liều, theo sau là một liều đầy đủ, nhưng chỉ 62% cho hai liều đầy đủ.

 

 

Một quan chức liên quan đến quyết định của MHRA nói rằng hiệu quả của vắc-xin tăng lên khi các liều được tiêm cách nhau ba tháng.

 

 

“Hiệu quả cao đến 80% nếu liều đầu tiên cách liều thứ hai 3 tháng, đó là lý do cho khuyến nghị của chúng tôi,” ông Munir Pirmohamed, chủ tịch nhóm chuyên gia về vắc-xin COVID-19, nói với các phóng viên.

 

 

Tiến sĩ Keith Chappell, nhà virus học đến từ Đại học Queensland, cho biết mặc dù vắc-xin của Astrazeneca có tỷ lệ thành công thấp hơn của Pfizer – được ghi nhận là 95% trong các thử nghiệm – đây không phải là vấn đề.

 

 

Ông nói “Mức độ hiệu quả 60% vẫn là một con số tuyệt vời. Nó tốt hơn rất nhiều so với rất nhiều loại vắc-xin cúm”.

 

 

Bên cạnh đó, vắc-xin của Astrazeneca có thể được bảo quản ở nhiệt độ cao hơn so với vắc-xin của Pfizer, vốn cần được bảo quản ở nhiệt độ cực lạnh -70 độ C mọi lúc.

 

 

“[Việc vận chuyển vắc-xin Pfizer] có thể là một cơn ác mộng đối với hậu cần. Vắc-xin của Astrazenca được bảo quản lạnh và có lợi thế to lớn, đó là nó có thể được vận chuyển đến nhiều khu vực ... cho các cộng đồng ở nông thôn.”