Tổng trưởng Ngân khố Úc, Frydenberg. Nguồn: AAP
Chính phủ liên bang dự tính sẽ hủy bỏ việc gia tăng phần góp vào quỹ hưu bổng theo kế hoạch trước. Việc đình hoãn trong phần cưỡng bách đóng góp vào chuyện gia tăng quỹ hưu bổng, theo sau một cuộc duyệt xét quan trọng về hệ thống tiền hưu của nước Úc.
Đây là việc duyệt xét quan trọng đầu tiên, đối với hệ thống lợi tức về hưu tại nước Úc, trong 3 thập niên qua.
Chính phủ liên bang đã đình hoãn quyết định cuối cùng, trong việc gia tăng mức độ đóng góp vào quỹ hưu bổng, cho đến tháng 5 năm sau.
Một phúc trình mang tính chất lịch sử dày 650 trang của cựu Giám đốc Quỹ Tiền Tệ Thế Giới IMF và cũng là Chuyên gia cao cấp Ngân khố, ông Michael Callaghan cảnh cáo rằng, mức độ đóng góp hưu bổng cao có thể làm cản trở việc tăng lương và nay không phải là thời điểm thích hợp, đặc biệt do hậu quả kinh tế sau thời buổi đại dịch và giá nhà tăng cao.
Trong khi đó, Tổng Trưởng Ngân Khố Josh Frydenberg lại cho rằng, viễn tượng cho những người về hưu là tốt đẹp.
Ông Josh Frydenberg nói “Hệ thống hưu bổng của Úc rất tốt đẹp, bền vững và hữu hiệu".
"Nó có thể đương đầu với những biến động của nền kinh tế, cũng như tình trạng lão hóa của xã hội”.
Việc duyệt xét được chờ đợi từ lâu, khiến chính phủ liên bang phải cân nhắc lại sự gia tăng phần đóng góp bắt buộc của giới chủ nhân vào quỹ hưu bổng.
Ông nói thêm “Cũng giống như bất cứ hệ thống phức tạp nào khác, hệ thống hưu bổng cũng cần được cải thiện".
"Nhiều sự chú ý và phân tích chi tiết đã được chính phủ sử dụng, trong việc xem xét các quyết định về chính sách trong tương lai”.
Vấn đề chậm trễ trong việc gia tăng phần đóng góp vào quỹ hưu bổng, đã bị phe Lao động đối lập và nghiệp đoàn chỉ trích.
Phụ tá Phát ngôn nhân về Ngân khố của Lao động là ông Stephens Jones cáo buộc chính phủ tìm cách phá họai hệ thống và gây tổn thương cho các công nhân có mức lương thấp.
Ông Stephens Jones nói “Nếu bạn là một thanh niên 25 tuổi, thì việc nầy sẽ khiến bạn mất đi 100 ngàn đô la tiền tiết kiệm hưu bổng, còn giảm bớt phần đóng góp vào quỹ, thì quí vị sẽ gây thiệt hại cho giới công nhân gấp hai lần như vậy".
"Chúng tôi không ủng hộ chính phủ để phá vỡ lời hứa đối với người dân Úc, mà nhất quyết tranh đấu trong chuyện nầy, với nhiều sự ủng hộ của cộng đồng”.
Được biết luật lệ hiện tại đề nghị gia tăng từ mức 9,5 lên 10 phần trăm vào tháng 7 sắp tới, trước khi gia tăng từ từ lên 12 phần trăm vào năm 2025.
Giám sát viên về Tiểu thương và Xí nghiệp Gia đình Úc Châu, là bà Kate Carnell, hoan nghênh việc tạm hoãn nầy.
Bà Kate Carnell nói "Xin hãy minh bạch, vào lúc nầy các tiểu thương đang hoạt động rất khó khăn đến mức đưa ra thông điệp rằng, chính phủ sẽ tăng chi phí của họ, về căn bản điều này làm được, đó chỉ là một chi phí mới, mà tôi nghĩ sẽ cản trở việc nầy".
"Nếu chi phí của nhân viên đó tăng 10 đô la một tuần, thì đó là 10 đô la một tuần tôi không thể tăng lương cho họ, vì tôi không có một cây tiền”.
Việc duyệt xét đề nghị rằng, người dân Úc nên được bình đẳng khi được hỗ trợ lúc về hưu, trong khi cũng cho rằng nên hủy bỏ thuế hưu bổng đối với những người giàu có.
Phúc trình tìm thấy, có 16 triệu người Úc với gần 3 ngàn tỷ đô la trong quỹ hưu bổng.
Đây là quỹ hưu bổng lớn hàng thứ tư trên thế giới.
Những người nắm giữ hầu hết tiền trong quỹ hưu bổng và được mức chước giảm thuế, là những người Úc cao niên giàu có.
Chủ tịch của Hội đồng Các Nghiệp đoàn Thương mại Úc, bà Michelle O’Neil, quan ngại về số tiền về hưu của giới phụ nữ, những người khuyết tật và nói chung là những người có lợi tức từ thấp đến trung bình.
Bà Michelle O’Neil nói “Những gì tôi biết ngày nay, là phụ nữ về hưu với số tiền chỉ bằng 47 phần trăm của nam giới, đó là một chuyện gần như cố hữu".
"Điều nầy có nghĩa là, một phụ nữ đi làm sẽ không đủ tiền khi về hưu".
"Nó buộc mọi người phải cứ tiếp tục làm việc, khi cơ thể và năng lực cạn kiệt".
"Đó là một điều kinh khủng tại một nước như Úc, một nơi mà chúng ta thường xem là may mắn trong nhiều trường hợp, khi chúng ta buộc người ta phải làm việc quá tuổi 70, mà lẽ ra họ có thể an hưởng chuyện nghỉ hưu".
"Đây là chuyện không tốt cho những người có lợi tức thấp, cũng như cho giới phụ nữ“.