Bộ trưởng Nội vụ Clare O'Neil sẽ công bố một kế hoạch vào thứ Hai nhằm có thể đưa tình trạng di cư trở lại con số trước đại dịch vào năm tài chính tiếp theo. Nguồn: AAP / Lukas Coch
AUSTRALIA - Kế hoạch khắc phục hệ thống di trú mới sẽ nhắm vào các sinh viên quốc tế giả mạo và chủ nhân sử dụng người lao động vô đạo đức nhằm cố gắng giảm bớt mức tăng di dân nói chung.
Sinh viên quốc tế và các nhà tuyển dụng có lịch sử bóc lột công nhân ngoại quốc sẽ phải đối mặt với sự giám sát chặt chẽ hơn khi chính phủ liên bang cố gắng kiềm chế mức độ di dân từ mức cao chưa từng thấy xuống vừa phải hơn, và sẽ cải cách hệ thống di trú hiện nay.
Di dân ngoại quốc ròng đạt đỉnh điểm trong năm tài chính vừa qua khi có tới 500,000 người đến Úc, nhiều hơn hàng trăm ngàn người so với những năm trước.
Nguyên nhân phần lớn là do sự trở lại của sinh viên quốc tế và khách du lịch, sau khi dân số Úc bị sụt giảm trong đại dịch COVID-19. Mặc dù mọi thứ nhìn chung đã trở lại bình thường nhưng số lượng di dân dự kiến sẽ vẫn tăng cao và chính phủ muốn giảm mức này xuống một cách “bền vững”.
Tổng trưởng Nội vụ Clare O'Neil sắp công bố một kế hoạch mới có thể đưa số lượng di dân trở lại con số trước đại dịch vào năm tài chính tiếp theo và giảm một nửa số lượng di dân ròng xuống còn 250,000 người vào năm 2025.
Bà nói: “Chiến lược di trú của chúng tôi là một kế hoạch táo bạo nhằm đưa hoạt động di dân trở lại bình thường đối với tất cả người dân Úc”.
Một đánh giá hồi tháng 3 do cựu công chức liên bang Martin Parkinson thực hiện đã đề ra 38 khuyến nghị, sau khi phát hiện hệ thống di trú của Úc không "phù hợp với mục đích".
Hệ thống di trú không những không thu hút được những di dân có tay nghề cao mà còn tạo điều kiện cho việc bóc lột lao động đối với những di dân bị trả lương thấp hơn.
Đánh giá cũng chỉ ra sự lạm dụng hệ thống visa sinh viên quốc tế, cho phép những người giả mạo sinh viên ghi danh vào các khóa học có chứng chỉ, nhưng chỉ nhằm tạo cơ hội bổ sung cho thị trường lao động Úc, và do đó đe dọa toàn hệ thống giáo dục quốc tế mà Úc đang có danh tiếng tốt.
Đáp lại, chiến lược di trú của chính phủ đã vạch ra tám hành động để cải cách hệ thống, bao gồm thúc đẩy các visa cho di dân có tay nghề, hạn chế bóc lột người lao động, đơn giản hóa quy trình cấp visa và đặc biệt là giải quyết hệ thống giáo dục quốc tế.
Bởi vì sinh viên chiếm phần lớn trong số di dân, chính phủ đề xuất áp dụng biện pháp giám sát chặt chẽ hơn đối với đơn xin visa du học, tăng yêu cầu về tiếng Anh tối thiểu đối với visa sinh viên và rút ngắn thời hạn với visa làm việc sau khi học, nhằm ngăn cản di dân có thể kéo dài thời gian ở lại Úc, nếu họ không có triển vọng trở thành thường trú nhân vì điều này có thể làm tăng nguy cơ bị bóc lột.
Chỉ riêng các yêu cầu về tiếng Anh mới sẽ khiến hàng chục ngàn sinh viên và người tốt nghiệp sẽ không được nhận visa.
Giám đốc điều hành Trường Đại học Úc Catriona Jackson hoan nghênh kế hoạch của chính phủ và cho biết kế hoạch này sẽ “giúp sinh viên định hướng dễ dàng hơn”.
Trong khi đó, chính phủ đã có hành động đối với những chủ nhân bóc lột người lao động nhập cư: đó là đưa ra các đạo luật có hình phạt mới để trừng phạt họ, đề xuất các biện pháp bảo vệ chống lại việc hủy visa đối với di dân bị bóc lột và ưu tiên cấp visa bảo vệ cho nhóm người này.
Chiến lược di trú mới cũng cam kết phát triển một danh sách ghi danh công khai các nhà tài trợ visa việc làm đã được phê duyệt, để tăng cường sự giám sát và đề xuất cải thiện việc giám sát, cũng như tuân thủ sau khi di dân lao động đến Úc, thông qua các nỗ lực phối hợp với hệ thống thuế vụ Úc.
Tổng trưởng Ngân khố Jim Chalmers nói chiến lược mới được xây dựng cẩn thận để cân bằng nhu cầu của đất nước với lợi ích kinh tế.
Ông nói với các phóng viên hôm Chủ nhật: “Chúng tôi muốn bảo đảm rằng di trú không phải là sự thay thế cho việc đào tạo huấn luyện người Úc mà đó là sự bổ sung”.
“Chúng ta sẽ luôn cần nhiều kỹ năng hơn trong nền kinh tế và chiến lược di dân là nhắm mục tiêu tốt hơn vào làn sóng di dân, ngăn chặn những hành vi sai trái và bảo đảm chúng ta có được những di dân cần thiết để phát triển nền kinh tế, bao gồm cả việc bảo đảm rằng chúng ta có được những kỹ năng mà đất nước đang cần."