(Ảnh: SBS)
Tuần lễ kỷ niệm ngôn ngữ và văn hóa của các quốc gia bản địa diễn ra hàng năm vào tháng Chín, được đánh dấu bằng màn trình diễn đặc biệt gồm ca hát, nhảy múa và kể chuyện trên vùng đất Gadigal ở Sydney.
Tám em nhỏ này đang ở rất xa quê hương của mình, một cộng đồng xa xôi với khoảng 300 cư dân ở vùng Roper Gulf Region thuộc Lãnh thổ phía Bắc, được gọi là Barunga.
Với các học sinh tiểu học, độ tuổi từ 11 đến 12, khung cảnh và âm thanh của Sydney là một trải nghiệm mới.
Nhưng các em không chỉ đến đây với tư cách là khách du lịch - những học sinh nhỏ tuổi Thổ dân này có những điều rất đặc biệt để chia sẻ.
Các em là tác giả của một cuốn sách tên là Shordi Krik 'Con lạch ngắn', được viết bằng ngôn ngữ địa phương Kriol, và tiếng Anh.
Các em cũng đã đưa câu chuyện vào âm nhạc và sẽ hát bài hát này trước khoảng 100 khán giả trực tiếp tại địa điểm mang tính biểu tượng nhất của Úc - Nhà hát Opera House Sydney.
Nhưng quy mô khán giả thực tế lớn hơn nhiều và trải dài trên khắp lục địa, với khoảng 300 nghìn người dự kiến sẽ theo dõi buổi phát trực tiếp từ các trường học, thư viện địa phương và các địa điểm khác.
Khán giả của các em có thể rất đông nhưng câu chuyện mà các em viết vẫn gắn kết với nhau.
Shordi Krik' kể lại trải nghiệm của các em nhỏ Thổ dân khi khám phá các tuyến đường thủy địa phương ở Barunga.
Cuốn sách được xuất bản như một phần sáng kiến của Quỹ giữ gìn ngôn ngữ Thổ dân, một tổ chức từ thiện làm việc tại các cộng đồng Thổ dân xa xôi trên khắp nước Úc.
Tác giả Wayne Quilliam nói “Văn hóa của Thổ dân rất quan trọng. Quan trọng nhất là đưa nó vào thế giới hiện đại, thông qua văn học, chia sẻ nó với các cộng đồng khác”.
Các chương trình nhằm mục đích cung cấp nhiều sách hơn cho cộng đồng và trao quyền cho người dân các Quốc gia Thứ nhất xuất bản câu chuyện của riêng họ, bằng ngôn ngữ Thổ dân.
Trong hai năm qua, người đàn ông Wiradjuri Ben Bowen đã là Giám đốc điều hành của Quỹ bảo tồn ngôn ngữ Thổ dân.
Ông cho biết đây là một ngày đặc biệt dành cho các cộng đồng được kết nối trên khắp đất nước, bất chấp khoảng cách.
"Việc tổ chức một sự kiện ở Wangal /Eora Country thực sự quan trọng để có thể chia sẻ lại câu chuyện đó và mang những câu chuyện này về quê hương, để kết nối với công việc mà tất cả các cộng đồng đang làm."
Năm nay tổ chức này đang kỷ niệm 12 năm Ngày giữ tiếng Thổ dân hàng năm.
Đây là cơ hội để nêu bật công việc họ làm trong cộng đồng và nhận ra tác động của nó.
Nhiếp ảnh gia, tác giả và người đàn ông Palawa nổi tiếng Wayne Quilliam là một trong những đại sứ của họ.
Ông là một người ủng hộ nhiệt tình trong gần 20 năm.
"Điều này rất quan trọng đối với tôi, trong vai trò là người kể chuyện, sử dụng các phương tiện khác nhau, để làm việc với trẻ em ở những vùng nông thôn xa xôi, để các em thấy rằng không có giới hạn nào đối với những gì chúng ta có thể làm.”
"Trước đây chúng ta bị hạn chế về mặt ranh giới, vì thiếu công nghệ. Bây giờ, bọn trẻ có thể tạo ra câu chuyện của riêng mình, rồi chia sẻ với những đứa trẻ ở Wreck Bay New South Wales, hoặc những đứa trẻ ở Barunga này...”
“Những câu chuyện đó giờ đây đã vượt qua mọi ranh giới không gian."