Một bến than tại Cảng Hoàng Hoa (Huanghua Port). Những thay đổi đối với luật môi trường của Trung Quốc đe dọa doanh số bán quặng sắt, vốn vẫn tiếp tục với tốc độ kỷ lục bất chấp tranh chấp thương mại. Ảnh: Xinhua / Rex / Shutterstock
Tình trạng bế tắc kéo dài cho đến nay làm khoảng 40 tàu chở than của Úc vẫn đang chờ được nhập cảng tại các cảng của Trung Quốc.
Chính phủ Morrison đã nhắc lại mối quan ngại của mình với Trung Quốc về việc chậm trễ trong việc cho hàng chục tàu chở than của Úc chưa được nhập cảng, trong khi Trung Quốc cũng không thông báo chắc chắn về hạn ngạch nhập cảng sẽ áp dụng trong năm nay.
Khoảng 40 tàu chở than xuất phát từ Úc vẫn đang chờ thông quan tại các cảng của Trung Quốc tính đến ngày 8/3 - so với hơn 60 tàu đã phải chờ để được vào cảng hồi tháng Mười Một năm ngoái - trong bối cảnh bế tắc kéo dài.
Phần lớn than được dùng để luyện kim, loại được sử dụng trong sản xuất thép.
Diễn biến này xảy ra khi những thay đổi đối với luật môi trường của Trung Quốc đe dọa doanh số bán quặng sắt, vốn vẫn tiếp tục với tốc độ kỷ lục bất chấp tranh chấp thương mại.
Phân tích các số liệu thương mại của Liên Hiệp Quốc bởi báo Guardian Australia cho thấy sự gia tăng đáng kể trong xuất cảng hàng hóa sang Trung Quốc, chủ yếu là do bùng nổ thương phẩm quặng sắt, nhưng cũng được thúc đẩy bởi mong muốn ngày càng tăng đối với sản phẩm như rượu vang và du lịch của tầng lớp trung lưu ngày càng tăng của Trung Quốc.
Bộ Ngoại giao và Thương mại Úc cho biết chính phủ Úc vẫn “lo ngại về sự chậm trễ ảnh hưởng đến các tàu chở than, trong đó có các tàu từ Úc”.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao và Thương Mại Úc nói với báo Guardian Australia rằng: “Chúng tôi đã nhiều lần nêu mối quan ngại của mình với chính quyền Trung Quốc và tiếp tục làm như vậy.”
"Chúng tôi tiếp tục theo dõi tình hình một cách chặt chẽ."
Phát ngôn nhân về thương mại của đảng Lao Động, Madeleine King, cho biết mối quan tâm hàng đầu của bà là “những tàu chở hàng bị mắc kẹt ngoài khơi mà không có kế hoạch rõ ràng về việc khi nào họ có thể bốc dỡ hàng hóa, và để trở về nhà”.
Bà cũng kêu gọi chính phủ Úc đẩy mạnh nỗ lực đa dạng hóa các mối làm ăn buôn bán, đồng thời lưu ý Trung Quốc sẽ tiếp tục là đối tác kinh tế quan trọng vì “không có thị trường thay thế nào có tầm cỡ như thị trường Trung Quốc”.
Được biết rằng Chính phủ Úc gần đây nhất đã đưa ra lo ngại về các rào cản đối với xuất cảng than vào ngày 2 tháng Ba, trước đó là mối quan ngại về việc các tàu không được cho vào cảng và tác động đến phúc lợi của thủy thủ đoàn vào hôn ngày 8 tháng Hai.
Giới truyền hông hiểu rằng Canberra vẫn chưa nhận được bất kỳ thông tin chính thức nào về hạn ngạch nhập cảng than mà Trung Quốc sẽ áp dụng đối với than Úc cho năm 2021.
Trong khi đó, một số than đang chờ thông quan đã được bán cho Việt Nam và Ấn Độ.
Phát ngôn viên của Bộ Ngoại Giao và Thương Mái Úc cho biết sự bế tắc hiện tại liên quan đến các thỏa thuận thương mại tư nhân và Úc kêu gọi tất cả các bên hãy đạt được giải pháp càng sớm càng tốt.
Phát ngôn viên này cho biết: “Một giải pháp nhanh chóng sẽ cho phép các tàu được dỡ hàng kịp thời để đáp ứng nhu cầu của người mua và người tiêu dùng Trung Quốc, đồng thời bảo đảm sức khỏe của thủy thủ đoàn trên những con tàu này.”
Mặc dù Trung Quốc có thể mua than ở những nơi khác, nhưng nước này phụ thuộc nhiều vào quặng từ Úc vì Úc là một trong những nhà sản xuất lớn nhất thế giới và gần hơn, và do đó, tiền vận chuyển từ Úc đến Trung Quốc rẻ hơn so với quặng sắt từ các nước sản xuất khác ở Châu Phi và Nam Mỹ.
Úc cũng được hưởng lợi về kinh tế từ sự cố vỡ đập ở Brumadinho, Brazil, vào năm 2019. Công ty khai khoáng Vale, điều hành khu mỏ, đã không thể khôi phục sản xuất về mức sản lượng trước đó.
Điều này cùng với nhu cầu tăng cao từ ngành xây dựng của Trung Quốc, ngành đang trải qua thời kỳ bùng nổ xây dựng hậu Covid, đã tạo ra sự thiếu hụt quặng sắt ở Trung Quốc, khiến giá lên tới 175 đô-la Mỹ / tấn.
Tuy nhiên, trong một lưu ý gởi đến các thân chủ trong tuần này, Marius van Straaten, nhà phân tích thị trường khai khoáng tại ngân hàng đầu tư Morgan Stanley, cho biết các biện pháp kiểm soát khí thải mới đối với các nhà sản xuất máy thép làm cho sản lượng thép làm ra có thể bị cắt giảm tới 2,3% trong năm nay.
Ông nói điều này có thể dẫn đến tình trạng “thị trường cân bằng, hoặc thậm chí dư nguồn cung tính trên cơ sở cả năm”, gây “áp lực giảm đáng kể lên giá quặng tiêu chuẩn 62% Sắt (iron ore 62% Fe)”.
Quan hệ giữa Trung Quốc và Úc đã xấu đi trong vài năm qua, với việc Bắc Kinh phản đối các quy tắc đầu tư nước ngoài ngày càng chặt chẽ của Canberra, lệnh cấm đối với công ty viễn thông Huawei, của Trung Quốc, trong mạng 5G và các luật mới chống can thiệp nước ngoài.
Và, mối quan hệ đã chìm xuống mức thấp mới vào năm ngoái sau khi Bắc Kinh cảm thấy họ là mục tiêu của những lời kêu gọi công khai ban đầu của Canberra về một cuộc điều tra độc lập về nguồn gốc và cách xử lý đại dịch Covid-19.
Nhà chức trách Trung Quốc sau đó đã triển khai các hành động nhắm vào một loạt các lĩnh vực xuất cảng của Úc bao gồm than đá, lúa mạch và rượu vang.
Bắc Kinh cũng đã cảm thấy khó chịu trước những tuyên bố của chính phủ Úc chỉ trích cuộc đàn áp nhắm vào những người bất đồng chính kiến ở Hong Kong, và sự đàn áp nhắm vào người thiểu số Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương - với việc Trung Quốc mô tả những bình luận như vậy là can thiệp vào “công việc nội bộ” của họ.
Trước một dấu hiệu cho thấy căng thẳng đang diễn ra giữa hai nước, Trung Quốc trong một tuyên bố trước Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc, tại Geneva vào hôm thứ Sáu tuần trước, cho biết họ “quan ngại sâu sắc” về hoạt động của các trung tâm giam giữ ngoài khơi của Úc và kêu gọi đóng cửa chúng ngay lập tức.”
Hôm đầu tuần trước, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc, Vương Nghị, đã cụ thể nêu ra tình hình Người bản địa ở Úc, trong khi phủ nhận những tuyên bố rằng Trung Quốc đã tham gia vào một chiến dịch diệt chủng ở Tân Cương.
Vương Nghị nói tại sự kiện báo chí, vào hôm thứ Hai đầu tuần trước, rằng "Nhắc đến nạn diệt chủng, nhiều người sẽ nghĩ đến người Mỹ bản địa của thế kỷ 16, nô lệ châu Phi ở thế kỷ 19, người Do Thái của thế kỷ 20, và thổ dân Úc vẫn đang đấu tranh cho đến tận ngày nay".
(Theo theguardian.com)