Bs William Trịnh (trái) và Bs Quang Phú Hồ Source: Supplied

 

 

Bác sĩ William Trịnh là vị bác sĩ thứ hai trong cộng đồng người Việt tại Sydney vinh dư đón nhận Huy Hiệu OAM của Nữ Hoàng theo sau Bs Quang Phú Hồ vào năm ngoái cho những cống hiến nổi bật của họ cho xã hội. Trong cuộc đời có những chuyện tình cờ rất nhỏ nhặt có thể làm thay đổi số phận một người, và lan tỏa tới nhiều người. Câu chuyện của hai vị bác sĩ tại Sydney là một minh chứng.

 

Vào kỳ sinh Nhật Nữ Hoàng năm nay cộng đông người Việt tại Sydney vui mừng đón nhận tin vui, Bác sĩ William Trịnh được phong tặng huy hiệu OAM của Nữ Hoàng dành để tưởng thưởng, ghi nhận và trân trọng thành tựu, nỗ lực cũng như đóng góp của ông trong lĩnh vực hoạt động của mình.

 

Năm ngoái Bác sĩ sản khoa Quang Phú Hồ cũng vinh dự được đón nhận huy hiệu này.

 

Cả hai vị bác sĩ cùng rời Việt Nam để ra đi, cùng thành danh thành tài và thành đạt có cuộc sống viên mãn hạnh phúc với gia đình trên đất Úc, và cùng được đón nhận huy hiệu OAM .

 

Tuy nhiên, xuất phát điểm của hai vị bác sĩ này khác nhau, hoàn cảnh ban đầu rất khác nhau và tính cách mỗi người cũng khác nhau, dù vậy họ có chung một thứ: đó là tình thương dành cho con người. 

 

Về mặt tính cách, Bs Quang Phú Hồ có phần nhộn nhạo với biên độ ngôn ngữ của mình đi từ học thuật - academic tới giới thợ thuyền. Ông hồn nhiên với tất cả những ngôn ngữ mình sử dụng như thể đang cầm cái kềm cái kéo ở trong gara hay trên bàn mổ cũng không khác gì mấy, còn Bs William Trịnh thì có phần nhũn nhặn trong lời nói và trong cả cái dáng vẻ trắng trẽo thư sinh của mình.

 

Ở Bs Quang Phú Hồ, xuất thân con nhà nghèo, phải bươn chãi từ nhỏ rồi phải nghỉ học nữa chừng, đi nghĩa vụ ra chiến trường K nhìn thấy cái chết như rạ của đồng đội mình mỗi ngày, rồi thành lao công đào binh cho đến chuyến đi vượt biên ly kỳ thót tim, thì ngược lại Bs William Trịnh là con nhà giàu từ nhỏ tới lớn, mọi thứ đến với ông đều suông sẻ ngay cả chuyến đi vượt biên rất sớm vào năm 1978.

 

Qua đến Úc cuộc đời của hai vị bác sĩ này cũng chưa có điểm chung. 

 

Trong khi Bs Quang Phú Hồ lao vào đi làm đủ thứ việc chân tay từ thợ sơn thợ hàn, thợ đụng để kiếm tiền trả nợ vượt biên và giúp gia đình, ông chẳng mảy may có ý nghĩ sẽ đi học lại cho đến khi ông chạm trán tạo bước ngoặt cuộc đời ông, thì Bác sĩ William Trịnh qua đến nơi vào năm 79 đã có hai chị vượt biên từ năm 78 và học đại học bên Úc dang tay đón chờ. 

 

Cậu bé 13 tuổi Trịnh Hiếu Liêm - William Trịnh chỉ có đi học không phải lo lắng kiếm tiền hay bất cứ vấn đề gì cả vì như ông nói, gia đình may mắn không khó khăn như nhiều khác để phải lỡ mất việc học của mình.

 

Có lẽ anh công nhân bưu điện Quang Phú Hồ sẽ tiếp tục đi làm thợ nếu như không gặp ông chủ nghiêm khắc nhưng có tấm lòng cảm thông đủ để nhìn ra đằng sau sự cà khịa của cậu trai trẻ tị nạn là một cuộc đời thật tội nghiệp đáng thương và tạo điều kiện cho anh công nhân bưu điện quay lại đi học để vào Y khoa. Việc ông chọn Y khoa như là một cách trả công lại cho mẹ ông nói riêng và những bà mẹ mang nặng đẻ đau phải tự xoay sở trong thiếu thốn mà ông chứng kiến ở quê nhà nói chung. Chính vì tình thương mẹ và thương những phụ nữ như mẹ mà dẫn Bs Hồ tới với ngành y và sản khoa.

 

Với Bác sĩ William Trịnh thì khác. 

Ông học giỏi đứng đầu ở trường và vì gia đình gốc Hoa buôn bán lớn ở Cần Thơ nên ông chỉ nghĩ đơn giản sẽ theo nghề thương mại và sẽ vào làm ở Reserved bank - Ngân hàng Trữ Kim Quốc Gia Úc sau khi ra trường.

 

Một lần đi khám mắt, được Bác sĩ mắt khám cho biết là cận thị và được giúp cắt cái kiếng đeo để nhìn rõ hơn, chỉ vậy thôi nhưng chính thái độ ân cần của vị bác sĩ và kết quả rõ rệt trước và sau khi khám mắt khiến ông nhìn ra chính con người mới là ông thú vị và quan tâm chứ không tiền. Ông giải thích điều này một cách khó khăn bằng Việt của mình.

 

Có thể thấy, cả hai vị bác sĩ cùng đến với ngành y như một nhân duyên chứ không ai định trước đó sẽ hướng đi của mình từ những ngày đầu. 

 

Thế nhưng khi đã bước vào, thì chuyện môn y khoa không chỉ là công việc mà là một phương tiện, một cầu nối, và môi trường để hai ông chia sẻ những gì mình có cho những người khác trong nhiều hoàn cảnh khác nhau.

 

Bác sĩ Quang Phú Hồ tiếp tục việc giúp đỡ các sinh viên xa nhà trong học hành, trong cuộc sống suốt từ lúc ông ra trường. Ông cũng là người thường xuyên chạy bạt mạng cho những ca sinh khó và cả những ca không lấy tiền bất kể ngày đêm.

 

Bác sĩ William Trịnh thì vừa ra trường ông nghĩ ngay đến việc thành lập hiệp hội y khoa Úc Việt tại miền Tây Sydney Australian Vietnamese Health Professionals Association NSW (AVHPA) vào năm 1989 để có thể tiếp nhận những chính sách của chính phủ tới công đồng, và ngược lại truyền tải những vướng mắc yêu cầu thực tiễn từ trong cộng đồng lên chính phủ.

 

Ông cũng là một trong những sinh viên cũ đã quay lại giúp gây quỹ để xây dựng mới phòng khám của trường đại học NSW mà đến giờ vẫn sử dụng tốt. Số tiền gây quỹ lên đến 10 triệu Úc kim vào thời điểm 1993.

 

Chính Bs William là người đầu tiên giúp gây quỹ cho Bs Fred Hollow, vị bác sĩ huyền thoại của Úc, từ rất sớm. 

 

Năm 1988, chỉ sau 9 năm ông đặt chân tới Úc khi nghe tin Bs Fred Hollow có ý định muốn tổ chức những chuyến mổ mắt nhân đạo cho người nghèo ở Việt Nam mà không có kinh phí, Bs William Trịnh -lúc đó vừa mới ra trường và đã có một phòng mạch riêng của mình ở Cabbramatta, đã tự mình tìm đến Bs Fred Hollow để đề nghị giúp gây quỹ.

 

Ông không chỉ giúp một lần mà giúp gây quỹ đến hai lần dù lúc đó tình hình chính trị có có phân tế nhị. Nhưng ông quan niệm, người nghèo và người bệnh khi họ ở tận cùng đáy xã hội thì mọi chủ thuyết chính trị, yêu ghét đã không còn quan trọng cuộc sống của họ và được chữa lành. Vì nếu không cuộc đời họ chỉ có khốn nạn thêm mà thôi. 

 

Dân chúng Úc ngưỡng mộ Bs Fred Hollow và tổ chức của ông trong việc giúp đỡ những bệnh nhân nghèo đem lại ánh sáng cho họ, Bs William đã tiếp nối con đường này qua việc kêu gọi và tập họp những tài nguyên gốc Việt và những tấm lòng để hướng về những người cùng khổ.

 

Bác sĩ nhãn khoa William Trịnh là một thành viên quen thuộc của nhiều tổ chức hội đoàn thiện nguyện. 

 

Ông là thành viên hội đồng quản trị của Hiệp Hội Nhãn Khoa Optometry NSW / ACT từ năm 1998 đến 2001, là giảng viên thỉnh giảng tại Trường đại học UNSW và giám sát viên Phòng khám Quang học UNSW, và hướng dẫn thực tập cho hàng trăm sinh viên tại phòng khám của ông ở Cabrammatta.

 

Ông là thành viên sáng lập và là chủ tịch của tổ chức từ thiện Australian Health Humanitarian Aid, gọi tắt là AHHA một tổ chức không mấy xa lạ với cộng đồng người Việt tại Úc Châu.

 

Tổ chức AHAH mỗi năm tổ chức những chuyến đi về Campuchia và trước đây là Việt Nam để mổ thiện nguyện miễn phí cho hơn 8.000 bệnh nhân phẫu thuật đục thủy tinh thể, cùng hơn 9.000 ca mổ hàm ếch và các chữa trị nha khoa cho trẻ em trong suốt gần 20 năm qua. 

 

Ông hào hứng nói về việc xây dựng trám xá và trường học cho dân nghèo không giấy tờ ở Biển Hồ phần lớn trong số đó là người Việt.

 

Có lẽ với nhiều người sẽ dễ hiểu khi hoàn cảnh tạo nên số phận, trãi qua lận đận nhọc nhằn nên việc thông cảm và chia sẻ có cái gì đó là điểm chung dễ hiểu hơn.

 

Còn với Bs Willam Trịnh, cái gì để đưa ông đến với thiện nguyện và giúp người ngay từ những ngày đầu tiên khi vừa mới tốt nghiệp ra trường?

 

Hai mươi năm liên tục làm việc thiện nguyện là một việc chẳng dễ dàng. 

 

Những bệnh nhân mà ông bỏ thời gian đi về để khám chữa bệnh là những người Việt ở những vùng lam lũ nhất ở Việt Nam; là những người sống lênh đênh trên Biển Hồ, không một mãnh giấy tùy thân từ lúc sinh ra cho đến lúc chết, và sự hiện diện của họ trên cõi đời này không ai màng đến và không ai ngó ngàng.

 

Những con người sứt sẹo không lành lặn và đói ăn. Cái gì đã níu ông, Bs William Trịnh, một con người có cuộc sống sung sướng giàu có từ nhỏ tới lớn để đến với những người nghèo tận cùng của xã hội? 

 

Cái gì đã khiến ông có thể cúi xuống thật gần và thương xót vô cùng những phận người rất khác với mình? 

 

Chính số phận của họ, chính cái nghèo và sự bi thảm của họ đã giữ ông ở lại và đã níu ông đi về với họ suốt 20 năm qua?

 

 

Quan niệm sống của ông là cần phải cho đi. Thế giới luôn có mọi thứ cho mình để tìm tòi và làm ra và khi mình làm ra được cần phải cho đi để giúp cho những người dưới mình cũng được phần nào quà tặng cuộc sống. Theo ông tiền bạc có quyền lực nhưng biết cách sử dụng quyền lực đó đem lại hạnh phúc cho người khác mới thật sự là người nắm được quyền lực trong tay.

 

Bác sĩ Willam Trịnh có một gia đình hạnh phúc. Vợ ông là Stephanie Trịnh là chuyên viên IT. Con trai ông từ nhỏ đã được cha cho theo những chuyến làm việc từ thiện đã vào hoạt động này từ lúc còn ngồi trên ghế nhà trường bằng những buổi hòa nhạc gây quỹ của học sinh. 

 

Có hai từ mà bác sĩ hay nói với con mình đó là RA – Respect and Appreciatiom Tôn trọng xung quanh mình và biết trân trọng những thứ mình có. 

 

Với Bs Quang Phú Hồ, ông đã vượt qua những thử thách của cuộc đời mà không làm hoen ố tâm thiện của mình. Và sự thành đạt như một kết quả và cái duyên để ông tiếp tục việc chia sẻ của mình.

 

Ở Bs William, ông sinh ra trong một gia đình sung túc, những khó khăn mà cả thiên hạ đều vấp phải dường như không mấy chạm được tới ông. Và ở trong nhung lụa như vậy ông không xa lạ với nỗi đau khổ của dân nghèo. Những việc ông làm cho người khác là của nã và sự giàu có mà ông để lại trong cuộc đời này không ai có thể lấy đi được.

 

Hai cuộc đời rất khác biệt của hai vị bác sĩ được nhận huy hiệu OAM thì có thể thấy rằng chính sự thương người và thiện lành mới là tài sản quý giá nhất mà một đời người có thể làm ra. Và đó là thứ tài sản mà không chỉ cho người đó một cuộc đời hạnh phúc mà còn có thể đem lại hạnh phúc niềm vui cho nhiều người khác. 

 

Và trên hết những con người tình cờ mà hai ông đã gặp - vị bác sĩ nhãn khoa khám mắt cho cậu sinh viên trẻ William Trịnh và ông chủ nghiêm nghị nhưng đầy sự mẫn cảm về tình người mà Bs Quang Phú Hồ gặp khi còn là anh công nhân bưu điện ngỗ ngáo, đã không biết rằng những việc làm bình thường của họ đã có một ảnh hưởng như thế nào lên hai vị bác sĩ tương lai. 

 

Thật là lùng là chỉ từ những việc tốt đơn thuần, như là sự ân cần với bệnh nhân khi khám mắt như vị bác sĩ mắt đã khám cho William Trịnh, và sự thông cảm thấu hiểu của người chủ đã lắng nghe đằng sau vẻ ngỗ ngáo của cậu trẻ tị nạn Quang Phú Hồ để có một quyết định đúng cho ông, đã lan tỏa thành nhiều việc tốt hơn đến với nhiều người hơn qua chính hai con người mà họ đã giúp đỡ này.

 

Trong cuốn sách mới ra 'Muôn Kiếp Nhân Sinh' của Nguyên Phong -  tác giả của Hành Trình về Phương Đông xuất bản trước năm 75, có nói đến việc cái đập cánh của một con bướm có thể làm lay động ở phần bên kia của thế giới. 

 

Huy hiệu OAM mà Bs Willam Trịnh đã nhận năm nay và Bs Quang Phú Hồ vào năm ngoái có thể ví như kết quả từ sự lay động của cánh bướm thiện lành năm xưa từ những người mà hai ông đã gặp. 

 

Huy hiệu OAM còn là sự công nhận của xã hội và cộng đồng qua đại diện Nữ Hoàng dành cho họ. Đó có thể ví như bông hoa bật nở ra từ tấm lòng mà hai vị bác sĩ đã dành cho nhân sinh. 

 

Bác sĩ William Trịnh và Bs Quang Phú Hồ đã cho đi từ những gì mình được nhận. Hai vị bác sĩ, hai cuộc đời hai xuất phát điểm khác nhau cùng tiếp giáp nhau về sự thành đạt, và cùng có chung một hội tụ về một tình thương dành cho con người, nhất là những người kém may mắn hơn mình. 

 

Bác sĩ William Trịnh và Bác sĩ Quang Phú Hồ - Hai gương mặt một cuộc đời cống hiến.