Một nghiên cứu mới của các chuyên gia ở đại học University of Adelaide đã khuyến cáo các biển báo an toàn nên có ngôn ngữ cho  nhóm người có nguy cơ đuối nước đọc được. Nguồn:  Supplied

 

Gần một nửa số ca tử vong do đuối nước ở các bãi biển ở Úc là người sinh ra ở ngoại quốc. Từ số liệu này, một nhà nghiên cứu đang kêu gọi các biển báo an toàn được viết bằng các ngôn ngữ khác.

 

Một nhà nghiên cứu đang kêu gọi các biển báo được viết bằng nhiều ngôn ngữ để cải thiện thông điệp gửi đến cho những người bơi lội.

 

Theo một kết luận trong nghiên cứu của nhà nghiên cứu tại Đại học Adelaide, gần một nửa số người Úc và người sinh ra ở ngoại quốc hiểu sai hoặc không đọc các cảnh báo an toàn trên bãi biển.

 

Masaki Shibata, cựu nhân viên cứu hộ và giảng viên môn Nghiên cứu Nhật Bản, đã tiến hành một nghiên cứu về cách người Úc và người sinh ra ở ngoại quốc đọc hiểu các biển báo an toàn hiện nay trên các bãi biển, với mục tiêu ngăn ngừa các vụ chết đuối trong tương lai.

 

Theo nghiên cứu của ông, khoảng 50% những người đi biển sinh ra ở ngoại quốc và 40% những người sinh ra ở Úc hiếm khi hoặc không bao giờ đọc các biển báo an toàn trên bãi biển ở những bãi biển mà họ không quen thuộc, không thường lui tới.

 

Ông Shibata nói "Trong khi (cờ bãi biển) đại diện cho 'luôn bơi giữa các lá cờ' thì hơn 30% du khách và cư dân ngoại quốc tin rằng những lá cờ trên bãi biển này có nghĩa là chỉ có những người bơi giỏi mới nên ở giữa các lá cờ,"

"Một hướng dẫn phổ biến khác của lá cờ trên bãi biển là 'không có cờ nghĩa là không được bơi' thì gần 50% người Úc và người sinh ra ở ngoại quốc giải thích điều này có nghĩa là bạn không được bơi, nhưng bạn có thể xuống nước chơi, đi bộ và đứng; nhưng ý nghĩa thực tế là bạn (hoàn toàn) không nên ra chỗ có nước."

 

Ông Shibata nói rằng các biển báo cần được cải thiện, bằng cách đưa ra các thông điệp bằng ngôn ngữ của những người có nguy cơ chết đuối cao nhất ở các vùng bờ biển.

 

Theo Báo cáo An toàn Bờ biển Quốc gia 2022, 939 trường hợp tử vong do đuối nước ven biển đã được ghi nhận trong giai đoạn 2012-2022.

 

Gần một nửa trong số này là những người đi biển sinh ra ở ngoại quốc.

 

Ông Shibata nói rằng ông đã nhận ra sự nhầm lẫn giữa các ngôn ngữ khi đang tham gia một khóa học cứu sinh ở Sydney.

 

Ông nói "Khi huấn luyện viên dùng ngôn ngữ [để diễn tả], tất cả các ngôn ngữ đều rất phổ biến ở Úc, nhưng tôi không đến từ Úc, tôi đến từ Nhật Bản,"

"Tôi không hiểu, và tôi đang làm tiến sĩ ngôn ngữ học, vì vậy tôi nghĩ, có gì đó [chưa hợp lý] trong thứ ngôn ngữ mà những người cứu hộ và tuần tra bãi biển sử dụng."

 

Ông Shibata cũng phát hiện ra rằng gần một nửa số người đi biển sinh ra ở ngoại quốc không hiểu gì về một số thuật ngữ an toàn trên bãi biển như high surf (là khi sóng lớn ập vào bờ do bão ngoài khơi hoặc gió dai dẳng thổi vào bờ, nghĩa là sóng gây ra mối đe dọa cho những người trong khu vực sóng đánh), shore dump (sóng lao nhanh ở biển dốc, sóng bị vỡ với một lực rất lớn và có thể dễ dàng ném người bơi xuống đáy), bluebottle (một loài sứa lửa, tua có nọc độc có thể làm đau nhức dữ dội).

 

Ông cũng đề xuất các bức ảnh, không chỉ biểu tượng, về các mối nguy hiểm như sứa để cải thiện thông điệp cho những người không nói tiếng Anh, giải thích rõ ràng về các mối nguy hiểm và màu sắc rõ ràng hơn.

 

Shane Daw, từ Surf Life Saving Australia, tỏ ra thận trọng khi nói với SBS News.

Ông Daw nói  "Tôi nghĩ chúng ta cần phải cẩn thận một chút về cách chúng ta đi với điều này. Tôi nghĩ rằng cần phải có sự giới thiệu và nhận thức tốt hơn rằng khi mọi người đến Úc, họ cần nhận thức được những gì họ có thể tiếp xúc."