Cây được khai thác trong rừng Mountain As, tiểu bang Victoria. Nguồn : AAP
Khi người Úc tiếp tục vật lộn với những tác động về sức khỏe bởi đợt cháy rừng kinh hoàng vừa qua và đại dịch coronavirus, hơn 180 chuyên gia y tế đang kêu gọi chính phủ liên bang cải thiện một số luật về môi trường. Các chuyên gia này cảnh báo nếu chính phủ không làm vậy, sẽ thúc đẩy các cuộc khủng hoảng sức khỏe cộng đồng có thể nguy hiểm hơn cả đại dịch coronavirus.
Khi Đạo luật Bảo vệ Môi trường và Bảo tồn Đa dạng sinh học (EPBC Act)- được đưa vào xem xét, hơn 180 chuyên gia và nhóm y tế hàng đầu đang cảnh báo rằng việc không cải thiện luật này sẽ có tác động huỷ hoại đối với sức khỏe cộng đồng.
Trong một bức thư ngỏ bởi Tổ chức Bác sĩ vì Môi trường của Úc và Liên đoàn khí hậu và sức khỏe, họ đã kêu gọi chính phủ liên bang sử dụng bảng đánh giá 10 năm để thay đổi các biện pháp cải thiện môi trường và bảo vệ đa dạng sinh học.
Fiona Armstrong là Người sáng lập và Giám đốc điều hành của Liên đoàn khí hậu và sức khỏe.
Bà nói rằng Đạo luật EPBC đã thất bại trong các mục tiêu của mình là bảo vệ môi trường tự nhiên và đa dạng sinh học của Úc.
"Úc có tỷ lệ mất đi đa dạng sinh học cao thứ hai trên thế giới, chúng ta được công nhận là điểm nóng khai thác và phá rừng trên toàn cầu , và là quốc gia có lục địa khô nhất Trái đất với nguồn tài nguyên nước suy giảm. Đây là những tác động nghiêm trọng đến môi trường tự nhiên mà chúng ta đang sống phụ thuộc vào."
"Có rất nhiều lỗ hổng trong luật. Chẳng hạn, luật này đã được ban hành vào năm 1999 và tại thời điểm đó, người ta không nhận ra rõ ràng về biến đổi khí hậu, sự mất mát của các giống loài và sức khỏe con người thực sự có mối liên hệ phức tạp".
Bà phát biểu rằng tất cả đều có ý nghĩa nghiêm trọng đối với sức khỏe và phúc lợi của chúng ta.
"Sức khỏe của con người hoàn toàn phụ thuộc vào thế giới tự nhiên. Và việc không ban hành luật môi trường hiệu quả ở Úc có nghĩa là nền tảng cho sức khỏe và phúc lợi của con người ở đây đang bị hủy hoại."
Bác sĩ Kinda Barraclough là Chủ tịch của Hiệp Hội Bác sĩ Victoria về Môi trường Úc.
Bà cho biết bụi phóng xạ từ mùa cháy rừng kinh hoàng vừa qua là một ví dụ điển hình cho việc không bảo vệ môi trường có thể tác động tiêu cực đến sức khỏe con người như thế nào.
"Nhiều người mất đi mạng sống và điều đó rất rõ ràng và dễ dàng nhận ra, nhiều người đã phải dời đi, các tác động sức khỏe tâm thần có thể là đáng kể trong một thời gian dài. Nhưng gần đây, có một số nghiên cứu được công bố đã chỉ ra chính ô nhiễm khói bụi cũng gây ra nhiều tác động nguy hại đến sức khỏe. Đã có hơn 1.300 ca bị hen suyễn đến các khoa cấp cứu chỉ vì khói, hơn 3.000 người nhập viện vì các vấn đề về tim và phổi, và hơn 400 người chết chỉ vì khói bụi."
Thư ngỏ cảnh báo rằng phá hủy hệ sinh thái thông qua các hoạt động như phá rừng có thể dẫn đến sự gia tăng tần suất và mức độ nghiêm trọng của các cuộc khủng hoảng sức khỏe cộng đồng, như đại dịch coronavirus.
Fiona Armstrong giải thích.
"Ví dụ, khi bạn khai thác rừng để sản xuất nông nghiệp, điều đó có nghĩa là tất cả các sinh vật xem rừng là nguồn thực phẩm và trú ngụ, đều mất mát. Vậy là chúng ta đã làm suy yếu sức khỏe của các loài khác, chúng sẽ kém khỏe mạnh và dễ mắc bệnh. Và khi chúng ta tiến gần hơn đến môi trường sống của các loài khác, điều đó khiến cho những căn bệnh đó có thể lây lan từ động vật sang người."
Bác sĩ Kinda Barraclough nói rằng các bên ký kết đang kêu gọi ba cải cách, bắt đầu bằng việc thừa nhận rằng mối quan tâm về sức khỏe của con người nên là trọng tâm của cải cách luật môi trường.
"Có rất nhiều lỗ hổng trong luật. Chẳng hạn, luật này đã được ban hành vào năm 1999 và tại thời điểm đó, người ta không nhận ra rõ ràng về biến đổi khí hậu, sự mất mát của các giống loài và sức khỏe con người thực sự có mối liên hệ phức tạp."
"Bạn biết đấy , chúng ta cần nghĩ về biến đổi khí hậu trong bối cảnh bảo vệ môi trường, nhưng biến đổi khí hậu lại hoàn toàn không được xem xét bởi luật môi trường hiện thời của chúng ta."
"Chúng tôi cảm thấy rằng chúng ta cần một thế hệ luật môi trường hoàn toàn mới, bởi chỉ thực hiện những cải cách nhỏ thôi sẽ không đủ . Đó là một điều tiếp theo mà chúng tôi đang kêu gọi. Và yêu cầu hoặc khuyến nghị thứ ba đó là các tổ chức chịu trách nhiệm phát triển và cung cấp luật môi trường của chúng ta phải có các chuyên gia y tế công."
Theo bà, bỏ qua việc thực hiện các khuyến nghị trong lá thư sẽ khiến Úc thiếu chuẩn bị, không chỉ để đối phó với các tác động của biến đổi khí hậu đối với môi trường, mà còn giải quyết ý nghĩa của nó đối với an sinh của con người.
"Chúng ta cần bảo đảm rằng chúng ta, sẵn sàng cho cuộc khủng hoảng tiếp theo khi nó tới. Nhưng, những dự đoán cho thấy chúng ta sẽ không thể theo kịp tốc độ của các cuộc khủng hoảng nếu chúng ta không giải quyết được nguyên nhân từ gốc rễ."
"Và tôi nghĩ điều đó đúng, đối với tác động của biến đổi khí hậu, nhưng cũng có thể cho cả đại dịch nữa. Thật sự không có ý nghĩa gì khi chúng ta chiến đấu với từng bệnh truyền nhiễm, bạn thực sự phải xem xét lý do tại sao chúng ta thấy chúng phát triển như vậy và những gì chúng ta có thể làm nếu chúng tiếp tục."
Bản phúc trình dự thảo của ban cố vấn xem xét cải cách dự kiến sẽ được phát hành vào tháng Sáu.