Sĩ quan cảnh sát đứng làm nhiệm vụ bên ngoài một lãnh sự quán ở Úc. Ảnh: AAP / AAP

 

AUSTRALIA - Các cộng đồng di dân sẽ nhận được lời khuyên về cách báo cáo các mối nguy hiểm trước sự đe dọa của chính phủ ngoại quốc, sau những lo ngại rằng những người bất đồng chính kiến ngày càng bị các đặc vụ ngoại quốc nhắm đến ở Úc.

 

Người Úc có nguồn gốc di dân đang được khuyến khích báo động cho các giới chức nếu họ đang bị các chính phủ ngoại quốc giám sát, theo một chiến dịch mới do cảnh sát liên bang phát động.

 

Chiến dịch này tiếp theo sau chuyện phủ liên bang và cơ quan gián điệp trong nước của Úc đều gióng lên hồi chuông cảnh báo trong những tuần gần đây về các trường hợp can thiệp ngoại quốc vào chính trị Úc, và các cá nhân bị các đặc vụ nước ngoài nhắm mục tiêu.

 

Cảnh sát Liên bang Úc (AFP) đã phát động một chiến dịch giáo dục mới nhằm thông báo cho các cộng đồng đa dạng về văn hóa và ngôn ngữ về các quyền của họ và những việc cần làm nếu họ tin rằng mình đang bị nhắm mục tiêu. Chiến dịch trang bị cho họ những cách để báo cáo các trường hợp đe dọa hoặc quấy rối mà họ tin rằng có thể do các thế lực nước ngoài chỉ đạo.

 

Nguy cơ của sự can thiệp ngoại quốc nghiêm trọng đến mức nào?

Ông Stephen Nutt, chỉ huy điều tra đặc biệt của AFP, cho biết cảnh sát đang hợp tác chặt chẽ với các cơ quan tình báo Úc để chống lại điều mà ông cho là gây ra "mối đe dọa nghiêm trọng".

 

Ông Nutt nói "Các mối đe dọa về sự can thiệp của ngoại quốc không chỉ giới hạn ở một bộ phận trong cộng đồng Úc, cũng không phải do một quốc gia duy nhất gây ra,"

"Các tác nhân của nhà nước ngoại quốc thực hiện hoạt động thù địch chống lại các quốc gia khác đang tạo ra và theo đuổi các cơ hội để can thiệp vào người Úc, từ những người ra quyết định ở tất cả các cấp chính phủ, trên nhiều lĩnh vực và cộng đồng của chúng ta."

 

Tờ thông tin sẽ cung cấp thông tin về cách cảnh báo các cơ quan chức năng về các trường hợp can thiệp rõ ràng của ngoại quốc, bao gồm các đường dây nóng để liên lạc và bảo đảm ẩn danh nếu một người muốn tiếp tục trình báo.

 

Cảnh sát lo ngại các cuộc điều tra bị cản trở bởi những người không báo cáo các trường hợp xảy ra, một phần do thiếu hiểu biết về những gì cấu thành sự can thiệp của nước ngoài, đặc biệt là trong các cộng đồng đến từ các quốc gia nơi loại can thiệp như vậy có thể không phải là hành vi phạm tội.

 

AFP cho biết tội phạm có thể biểu hiện theo nhiều cách, từ các chiến dịch đưa thông tin sai lệch trực tuyến đến các hành vi bạo lực thể chất đối với mục tiêu hoặc gia đình họ ở nước ngoài.

 

Cảnh sát nhấn mạnh rằng để một hành vi phạm tội đáp ứng định nghĩa pháp lý về sự can thiệp của ngoại quốc, nó phải được thực hiện theo chỉ đạo của một thế lực ngoại quốc. Những người theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan phạm tội theo cách riêng của họ sẽ không thuộc định nghĩa đó.

 

Vì sao các giới chức hết sức quan ngại về sự can thiệp của ngoại quốc?

Các cơ quan liên bang đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về những gì họ mô tả là mức độ gián điệp chưa từng có ở Úc, tiết lộ những người chỉ trích các chế độ ở ngoại quốc đã bị các cơ quan tình báo ngoại quốc nhắm mục tiêu, đôi khi với ý định giết họ.

 

Sự can thiệp của ngoại quốc là chủ đề chính trong bản cập nhật đánh giá mối đe dọa hàng năm của tổng giám đốc ASIO Mike Burgess vào tuần trước. Giám đốc tình báo tiết lộ rằng hành vi như vậy thường do các chế độ độc tài thực hiện ở Úc, nhưng cũng có các quốc gia vẫn thường được coi là bạn của Canberra.

 

Ông Burgess cũng cung cấp chi tiết về hai âm mưu cụ thể của các cơ quan tình báo ngoại quốc riêng biệt nhằm làm hại những người bất đồng chính kiến ở Úc.

 

Trong âm mưu thứ nhất, ông Burgess cho biết ý định là dẫn dụ đối tượng ra ngoại quốc (rời khỏi Úc) để họ có thể "xử lý". Trong âm mưu còn lại, ông nói rằng "một tay sai đã được cử đi để xác định vị trí của những người bất đồng chính kiến cụ thể và – trích dẫn - 'đối phó với họ'."

 

Trùm gián điệp cho biết ông không tin "chúng ta, với tư cách là một quốc gia, hoàn toàn nhìn nhận đúng mức thiệt hại" mà tội ác gây ra.

 

Tổng trưởng Nội vụ Clare O'Neil gần đây cũng đã thực hiện một bước phi thường khi chỉ đích danh Iran là thế lực ngoại quốc đứng sau một âm mưu liên quan đến việc một người chỉ trích chế độ bị giám sát ở Úc và nhà của họ bị đột nhập.

Bà nói "Ở đây chúng tôi có một người đang sống ở đất nước chúng tôi đang bị theo dõi, giám sát, chụp ảnh, nhà của họ bị xâm chiếm bởi những người theo chỉ đạo của một thế lực ngoại bang”.

 

Một người đàn ông ở Melbourne đã trở thành người đầu tiên bị buộc tội theo luật can thiệp của ngoại quốc vào Úc cuối năm 2020, hai năm sau khi luật này được thông qua.